Văn nghệ trong nước
Kéo dài “tuổi thọ” cho di sản điện ảnh
09:54 | 06/07/2021

Phim hay những tư liệu hình ảnh động (gọi chung là phim) là những di sản văn hóa quý giá cần được giữ gìn và bảo tồn. Theo thời gian, những thước phim không tránh khỏi tình trạng hư hỏng, xuống cấp, đòi hỏi một cách thức phục chế cũng như lưu giữ mới, hiệu quả hơn.

Kéo dài “tuổi thọ” cho di sản điện ảnh
Một cảnh trong phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đừng để những cuốn phim “lão hóa”

Việt Nam đang sở hữu một khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ. Kho lưu trữ phim lớn nhất cả nước là Viện phim Việt Nam với gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau. Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng đang lưu trữ gần 12.000 phim nhựa và video sản xuất từ năm 1956 đến nay…

Ngoài ra, còn nhiều kho lưu trữ khác như: Điện ảnh Quân đội, Biên phòng… Trong các kho lưu trữ này, có nhiều bộ phim có giá trị, ghi lại lịch sử, các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc… Đáng tiếc là tuy được bảo quản thường xuyên nhưng do nhiều nguyên nhân, không ít phim trong tình trạng xuống cấp, nhiễm khuẩn, xước nặng, khó phục hồi.

Nói theo cách của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, những cuốn phim vật lý không thể chống lại sự “lão hóa” và kéo theo đó là những cái chết - sự biến mất của tinh thần và trí tuệ con người.

Những thước phim không chỉ là lịch sử, là văn hóa mà còn là sự mô phỏng những giá trị tinh thần của con người qua các thời kỳ. Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, thông qua điện ảnh, sẽ thấy được những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, ra đi và trở về…

Giá trị của những thước phim là vô giá, cần được lưu trữ, bảo tồn, để đến được với nhiều thế hệ công chúng. Cuối tháng 6 vừa qua, Viện phim Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tại Hà Nội.

Đây không phải vấn đề mới nhưng đứng trước nguy cơ ngày càng rõ ràng về việc có thể đánh mất những di sản điện ảnh bất cứ lúc nào, không còn cách nào khác là phải chống lại sự “lão hóa” về mặt vật lý, tìm cách kéo dài “tuổi thọ” cho những cuốn phim.

Số hóa là yêu cầu bức thiết

Đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi số những cuốn phim một cách nguyên vẹn là xu hướng tất yếu, bức thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, thưởng thức của công chúng hiện đại. Cuối năm 2020, công chúng yêu điện ảnh cũng đã có cơ hội theo dõi lại nhiều thước phim quý giá của điện ảnh Việt Nam thông qua “Tuần phim Việt trên VTV Go”.

Với chủ đề phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học, những tác phẩm đặc sắc như: Vợ chồng A Phủ, Mẹ vắng nhà, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bến không chồng, Thời xa vắng, Chuyện của Pao, Đừng đốt, Cánh đồng bất tận…được phát trên nền tảng số và nhận được những phản hồi tích cực từ người xem. Trong đó, đáng chú ý có cả những phim nhựa sản xuất được nửa thế kỷ, đã được giữ gìn và số hóa.

Trong tháng 6 vừa qua, khán giả nhỏ tuổi cũng đặc biệt thích thú khi được thưởng thức trọn vẹn 50 phim hoạt hình tiêu biểu trong “Tuần phim hoạt hình Việt Nam trên VTV Go”. Theo thống kê, riêng lượt tải app VTVGo là trên 20 triệu, lượt xem hàng tháng thường xuyên trên 3 triệu. Những con số này của VTVGo cho thấy sự tích cực về lượng khán giả sẽ được tiếp cận với những tác phẩm này.

Số hóa di sản điện ảnh không chỉ là phương thức bảo quản và lưu trữ phim hiệu quả mà còn giúp các bộ phim có giá trị và ý nghĩa lịch sử có cơ hội đến được với công chúng. Từ đó, những di sản điện ảnh sẽ có một sức sống mới, một đời sống mới, bền vững hơn. Thí như bộ phim “Thị trấn Gilsotteum” của đạo diễn Im Kwon-taek được sản xuất từ năm 1986 và là bộ phim rất có ý nghĩa với lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Nhưng đến tận năm 2017, khi được chuyển đổi sang bản kỹ thuật số, bộ phim này mới đến được với công chúng.

Tương tự, bộ phim “Tuổi dại” (sản xuất năm 1974) của đạo diễn Thái Thúc Hoàng Điệp được chính ông số hóa bằng sự bền bỉ và kiên nhẫn. Kết quả là đến năm 2021, bộ phim đã được phát trên youtube và mang được “những câu chuyện tình của giới trẻ Sài Gòn” đến với khán giả.

Bên cạnh việc mang khán giả đến cho các bộ phim, theo Trưởng phòng Tư liệu, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương Đặng Thị Kim Sơn, việc chuyển đổi số trong lưu trữ phim còn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và đặc biệt, chất lượng không bị suy giảm theo thời gian. Do đó, “tuổi thọ” của những thước phim cũng được kéo dài hơn.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù đặt ra mục tiêu phải số hóa nhanh chóng nhưng thực tế, số lượng phim đã được số hóa không nhiều. Khá mâu thuẫn là trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu. 

Trong khi đó, số lượng phim nhựa xuống cấp còn nhiều, cộng thêm điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nếu không nhanh chóng số hóa, sẽ khó bảo quản phim được nguyên vẹn. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chuyên môn trong các vấn đề về đầu tư, cập nhật công nghệ mới, đào tạo nhân lực…, số hóa di sản điện ảnh còn cần sự chung tay của cả cộng đồng.

 
Theo Minh Nguyên - NDĐT
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng