Văn nghệ trong nước
Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Chưa chọn được vật phẩm "Gửi tới mai sau"
08:49 | 05/08/2009
Theo kịch bản Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vừa được phê duyệt, có 80 “đầu việc” mà Hà Nội và các tỉnh, thành khác phải hoàn thành trong 1 năm để kịp đón đại lễ. 
Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Chưa chọn được vật phẩm
Rạp Công Nhân liệu có được tu sửa kịp tiến độ? ảnh: Ngọc Thắng

Không có tổng đạo diễn

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết 80 “đầu việc” (các hoạt động kỷ niệm - PV) trong Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã và sẽ được giao cho 80 nhóm tác giả thực hiện.  Với mỗi “đầu việc”, mỗi nhóm tác giả phải chuẩn bị một hoặc nhiều kịch bản. Và tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là kịch bản cho hai ngày đại lễ 1.10 và 10.10.2010. Thế nhưng, sẽ không có tổng đạo diễn cho cả chương trình 1.000 năm Thăng Long. Bởi vì mỗi “đầu việc” đã có một đạo diễn riêng. Hơn nữa, cũng theo ông Lợi, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là chương trình mang tính tổng hợp, trải dài từ Bắc vào Nam trong cùng một thời điểm, chứ không phải một sự kiện riêng lẻ. Vì vậy, không cần thiết phải có một tổng đạo diễn mà chỉ có Ban chỉ đạo cấp quốc gia để bao quát chung.

Sở VH-TT-DL Hà Nội được giao 50 trong tổng số 80 “đầu việc”. Hiện nay, Sở đã ký 30 hợp đồng triển khai 30 kịch bản với mốc thời gian dự kiến hoàn tất là ngày 30.8.2009. Sau đó, 30 kịch bản này sẽ được thẩm định tại từng hội đồng riêng biệt. Ông Lợi cho biết thêm, Sở VH-TT-DL Hà Nội đã mời hàng loạt các tác giả kịch bản, đạo diễn tên tuổi trong Nam ngoài Bắc như: Lê Chức, Chu Thúy Quỳnh, Phạm Thị Thành, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Sáng... tham gia viết kịch bản, dàn dựng cho từng “đầu việc” trong lễ kỷ niệm. 

Liệu có kịp tiến độ?

 
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, quan trọng nhất là việc xây dựng văn hóa người Hà Nội, như làm thế nào để người ta không vứt rác bừa bãi ra đường, không nói tục chửi bậy... Kịch bản gồm rất nhiều chương trình nghệ thuật, nhưng nó chỉ là bề nổi. Người Hà Nội cần nhận thức hơn về vị trí, trách nhiệm của mình. Bởi vì phố hoa có đẹp bao nhiêu nhưng người dân không có ý thức bảo vệ thì cũng vô nghĩa
 

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội

Dự kiến trong Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ có lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, khánh thành Nhà hát Công Nhân Hà Nội, triển lãm công bố Quy hoạch tổng thể thủ đô Hà Nội mở rộng và cả lễ đặt phương tiện lưu giữ vật phẩm Gửi tới mai sau do Sở VH-TT-DL chủ trì sẽ được tiến hành trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội... Tuy nhiên, với chương trình dày đặc như thế, liệu có kịp tiến độ hoàn tất các “đầu việc” để đón 1.000 năm Thăng Long, khi mà những “đầu việc” cũ còn chưa xong, đã có “đầu việc” mới được “vẽ” thêm (các dự án phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long như: Chim bay về núi, Long thành cầm giả ca, rồi đột nhiên có thêm một Chiếu dời đô thế chỗ Thái tổ Lý Công Uẩn...)?

Chẳng hạn, với chương trình Gửi tới mai sau, cho đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội vẫn chưa chọn được vật phẩm nào để lưu giữ cho mai sau, mặc dù trong kế hoạch được công bố chính thức trên website của Quỹ Văn hóa Hà Nội - đơn vị thực hiện, thì hoạt động này phải diễn ra từ năm 2008. Cũng theo kế hoạch, việc thiết kế mẫu hình dáng phương tiện lưu giữ đáng lẽ phải được phát động từ 13.1.2008 và đến 13.1.2009 phải có lễ trao giải thưởng cho các cá nhân, tập thể đoạt giải và công bố mẫu thiết kế chính thức. Thế nhưng, trao đổi với Thanh Niên ngày 31.7, đại diện Quỹ Văn hóa Hà Nội cho biết mẫu hình dáng phương tiện lưu giữ sẽ do phía Hàn Quốc - đơn vị hợp tác, thực hiện; sau đó phía Việt Nam sẽ thẩm định, đóng góp.

Cũng vẫn theo kế hoạch, Gửi tới mai sau sẽ chôn xuống lòng đất 1.000 vật phẩm - tượng trưng cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, 60 vật phẩm sẽ được lựa chọn từ 60 tỉnh, thành để đại diện cho các tỉnh, thành đó. Số còn lại sẽ do người dân tự đóng góp và đơn vị tổ chức tiến hành thẩm định rồi quyết định chọn hay không. Đại diện của Quỹ Văn hóa Hà Nội giải thích sở dĩ dự án chậm chạp (so với thời gian, kế hoạch đã công bố trên website) là vì “vướng” ở khâu chọn địa điểm. Ngay từ đầu, Bảo tàng Hà Nội đã là địa điểm được lựa chọn, nhưng 2 năm nay, chọn chỗ nào trong không gian bảo tàng để chôn vật phẩm xuống lại là chuyện không đơn giản vì liên quan đến hệ thống ngầm (!). Trong khi đó, không gian, địa điểm lại là một trong những yếu tố quyết định kích thước, hình dáng mẫu phương tiện lưu giữ. Cũng theo dự kiến, ngày 10.10.2009, Gửi tới mai sau sẽ mời gọi các tỉnh, thành lựa chọn hiện vật tiêu biểu để chương trình gửi gắm cho thế hệ sau. Song đến giờ, kích thước, tiêu chuẩn của vật phẩm thế nào cho phù hợp tạm thời chưa được thống nhất. 

Bên cạnh đó, có một điều băn khoăn là người dân sẽ đóng vai trò gì trong ngày đại lễ khi mà các chương trình kỷ niệm đều đã có sẵn kịch bản? Bởi trong kế hoạch chương trình vừa được phê duyệt, các chương trình tham dự chủ yếu là các hoạt động văn hóa - nghệ thuật “bề nổi”, như: ca múa nhạc tổng hợp, liên hoan hợp xướng, lễ hội hoa, triển lãm nghệ thuật, festival du lịch - văn hóa, diễu hành của các hoa hậu thế giới…

                                                                                                 Theo TNO

Các bài mới
Các bài đã đăng