Văn nghệ trong nước
Sẽ là sai lầm lớn nếu lấy văn hóa làm 'chân ga'
11:02 | 10/08/2009
Tôi thấy bây giờ chúng ta đang tăng tốc để đuổi kịp các nước khác về nhiều mặt, sẽ là sai lầm lớn nếu mình lấy văn hóa làm chân ga. Văn hóa cần phải giữ cái sự bình tĩnh cho xã hội, cho con người - Nhà văn Nguyên Ngọc.
Sẽ là sai lầm lớn nếu lấy văn hóa làm 'chân ga'
Nhà văn Nguyên Ngọc.

LTS. Vị khách mời tiếp theo tham gia diễn đàn ’Vì sao văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?’ cho biết, nên đặt thêm câu hỏi: vì sao văn học nghệ thuật chưa giúp được cho xã hội, cho con người, nâng cao đạo đức và chất người trong mỗi chúng ta.Và ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa. Xin giới thiệu ý kiến của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc.

Cần phải chắc chân phanh khi vào cua hoặc đang tăng tốc

Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân vì sao văn nghệ sĩ “im hơi lặng tiếng”.

Còn nhớ trước Đại hội Nhà văn lần thứ IV, ông Đào Duy Tùng mời tôi lên gặp để trao đổi về tình hình đại hội và Hội Nhà văn. Hồi ấy tôi mới bị kỷ luật, thôi không làm Báo Văn Nghệ nữa. Có thể ông ngại là trong đại hội mình sẽ làm gì chăng?

Tôi nói với ông Tùng: Chúng ta không nên đánh giá thấp Hội Nhà văn, mà cũng đừng đề cao Hội quá. Không phải cứ có tổ chức Hội tốt thì sinh ra thiên tài đâu. Thời cụ Nguyễn Du, xã hội bi đát thế, mà vẫn có thiên tài đấy thôi. Văn học, nghệ thuật có những quy luật riêng, lúc thời thế suy tàn nhân tài vẫn có thể xuất hiện. Hội tốt chưa chắc đã có thiên tài, mà nếu Hội có kém thì cũng không vì thế mà lại không có tài năng văn học nổi lên. Nên không có gì phải quá lo lắng.

Ví như nếu tôi viết kém không thể đổ tại ông Nguyễn Đình Thi (cố Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam - PV) lãnh đạo kém. Nguyễn Huy Thiệp viết hay, không phải nhờ có Nguyên Ngọc (nguyên TBT báo Văn Nghệ - PV) mà hay. Cái chính vẫn là lúc mình ngồi trước trang giấy.

Có hai lúc con người cô đơn nhất, đó là trước cái chết và trước trang giấy, bởi vì không ai có thể viết thay anh và cũng không ai chết thay anh được.

Có lần tôi cũng đã nói với ông Lê Đức Thọ (khi ấy là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng - PV), đời sống văn học sở dĩ tồn tại là do các nhóm chơi với nhau. Trong chiến tranh người cầm bút của chúng ta ra trận vì lòng yêu nước, văn nghệ sĩ trở thành một binh chủng chiến đấu, theo tôi thời ấy văn học của chúng ta đã làm tròn nhiệm vụ của mình đối với dân tộc, và tổ chức văn học nghệ thuật như một binh chủng chiến đấu lúc bấy giờ là thích hợp.

Nhưng hết chiến tranh thì nên để các tổ chức văn học tồn tại theo đúng quy luật của nó, nghĩa là theo nhóm của những người hoạt động nghề nghiệp. Tự Lực văn đoàn chỉ là một tổ chức văn học tư nhân, mà tạo ra cả một thời kỳ văn học đấy thôi. HNV chưa chắc đã tạo ra được một thời kỳ văn học như Tự Lực văn đoàn.

 

Với tư cách của một nhà văn, một công dân, một người làm văn hóa, anh phải có tiếng nói trung thực, thẳng thắn về các vấn đề xã hội, chống lại những cái sai phạm. Rồi anh phải góp phần xây dựng cho con người những phẩm chất để họ tự làm được điều đó.

Cách đây không lâu, tôi gặp một anh người Philippines. Anh tốt nghiệp tiến sĩ Havard, làm ở Paris cho một tổ chức LHQ. Được khoảng hơn 10 năm, thế rồi anh bỏ công việc của LHQ, về đi làm văn hóa, làm phim, nghiên cứu. Anh thuộc về một gia đình đại trí thức, bà mẹ là thị trưởng đầu tiên của thủ đô Manila. Anh hỏi tôi: Hiện nay các nước như chúng ta (Philippines, Việt Nam) đang phải ráng sức đuổi kịp các nước phát triển khác về kinh tế, xã hội, chính trị… vậy vai trò của văn hóa ở đâu? 

Tôi cười bảo: “Anh phải là người trả lời câu hỏi đó cho tôi chứ!”

Anh hỏi tôi: “Ông có lái xe không? Vì lái xe quan trọng nhất là hai cái chân, chân ga và chân phanh. Kinh tế, chính trị giống như cái chân ga, bao giờ cũng phải đạp ga, lao tới phía trước. Văn hóa là chân phanh, người ta luôn phải giữ chân phanh cho tốt, đặc biệt là khi tăng tốc, hoặc khi vào cua". 

Tôi thấy bây giờ chúng ta đang tăng tốc để đuổi kịp các nước khác về nhiều mặt, sẽ là sai lầm lớn nếu mình lấy cả văn hóa làm chân ga. Thấy kinh tế, chính trị lao lên, thì văn hóa cũng lao tới. 

Văn hóa cần phải giữ cái sự bình tĩnh cho xã hội, cho con người. Truyện Cánh đồng bất tận (của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư) có nói gì về chính trị, kinh tế đâu, nó nói về chất người, và đi tìm kiếm chất người. Thành công là ở chỗ đó, chứ không phải là dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực đâu. 

So với chính trị, kinh tế thì văn học là cái lâu dài, cái mãi mãi của con người.

Nền tảng văn hóa cơ bản là vấn đề lớn nhất của văn học.

Vì sao chúng ta chưa có những tác phẩm đỉnh cao, tương xứng với tầm vóc thời đại và dân tộc?

Chúng ta biết, trí thức Việt Nam là trí thức yêu nước, văn nghệ sĩ Việt Nam là bộ phận của giới này. Cuộc cách mạng của chúng ta là cách mạng dân tộc, kháng chiến và chiến tranh của chúng ta về cơ bản cũng là giải phóng dân tộc, nên hầu như tất cả trí thức đi theo kháng chiến. 

Có điều trí thức của ta cơ bản là trí thức nhỏ. Về cơ bản, văn học nước ta khi có kích thích gì đó thì sôi nổi lên, nhưng cái sôi nổi ấy lại không phải là… cơ bản. Một vài người có tài thì vượt lên, làm được một cái gì đó, nhưng có hiện tượng đặc biệt là tài năng của mình không lâu dài. Nhiều tài năng văn học của chúng ta xuất hiện từ rất sớm, nhưng rồi cũng chỉ đến thế. 

Cho nên nếu mình chưa có tác phẩm lớn xứng với tầm thời đại thì cũng là điều bình thường. Chỉ có những đại trí thức thì mới trở thành nhà văn lớn của nền văn học lớn. Lev Tolstoi chẳng hạn, ông là một đại trí thức, thậm chí được coi là bộ óc lớn nhất của thời đại mình.

Cuộc sống có biết bao nhiêu cái để viết, nhưng nền tảng của anh kém quá thì anh có đủ sức, tài năng, tầm vóc để xử lý vấn đề ở tầm nhân loại hay không?

Đổi mới sinh ra một động lực, là một cú hích mở ra cho những tài năng phát triển nên mới sinh ra lớp những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài… Nhưng đến một lúc nào đó cú hích này hết đà thì nó sẽ từ từ dừng lại. Và khi ấy nó trở lại vấn đề cơ bản ban đầu là nền tảng văn hóa. Nếu có nền tảng tốt thì anh tự đi được xa, không có thì sẽ dừng lại. Tôi nhận thấy trường hợp Bảo Ninh dường như tiêu hết vốn rồi thì thôi...

Văn nghệ phải lo cho cái lâu dài của con người. Gorky nói, không được phép ngây thơ tin rằng cách mạng chữa hết bệnh cho con người. Những căn bệnh ngoài da chỉ lặn sâu vào trong nội tạng, vì vậy chữa bệnh lâu dài cho nước Nga là văn hóa, văn học và giáo dục. Văn học có chức năng lo cái lâu dài đó.

Ngoài ra, văn học của chúng ta còn xoàng vì sa vào hai thứ: thứ nhất là đấu tranh chống tiêu cực một cách "báo chí"; thứ hai là ám chỉ. Những cái đó, theo tôi không phải văn học. 

Văn học lo đến những cái dài hơn, mang chất người.

Cần phải nói thêm thế này, nếu tạo được sự đồng thuận thì chúng ta mới đối phó được với những thách thức, với kẻ thù. Đồng thuận ở đây nên hiểu theo nghĩa là người trên lắng nghe, và đồng thuận với những gì người dưới nói đúng; người dưới là chấp hành, là tham mưu cho người trên chứ làm sao mà đồng thuận “ngược” lên trên được?

Đặt câu hỏi vì sao các văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng, vì sao bây giờ văn học nó không sôi nổi như trước kia cũng là một cách. Nhưng nên đặt thêm câu hỏi: vì sao văn học nghệ thuật chưa giúp được cho xã hội, cho con người, nâng cao đạo đức và chất người trong mỗi chúng ta. Hay nói như Gorky là chỉ có văn hóa và giáo dục mới có thể “chữa bệnh lâu dài” cho nước Nga. 

Cách dấn thân của một nhà văn không giống cách dấn thân như một nhà chính trị. Trách nhiệm của anh là giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha. Nhưng sứ mệnh của anh là phải giải quyết những vấn đề của con người, nghĩa là anh phải chiến đấu cho cả những mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Trong điều kiện như vậy thì nhà văn viết cái gì? Không phải ngẫu nhiên sinh ra cái gọi văn học ám chỉ thời gian gần đây. Phải chăng vì nó bí, hay là vì cực chẳng đã phải chọn cách làm như vậy? 

Những nhà văn thực sự giỏi sẽ vượt qua được sự ám chỉ để nói những vấn đề lớn hơn của con người, của kiếp người. Theo tôi Cánh đồng bất tận đã vượt qua và làm được điều đó. Tại sao con người lại đau khổ, kiếp người lại bi đát thế? Chính cái đó nó giữ cái chất người cho xã hội.

Xã hội giống như một cái hộp vuông. Nhà nước giống như một khối tròn bên trong hộp vuông ấy. Về nguyên tắc, khối tròn có lớn cỡ nào thì cũng không thể lấp đầy cái hộp vuông. Bao giờ cũng còn những cái góc. Cái góc ấy để xã hội làm, xã hội càng tốt thì khối tròn nhà nước càng nhỏ. Còn khối tròn mà lớn, nghĩa là mọi việc nhà nước làm hết, thì xã hội sẽ nghèo nàn, cằn cỗi.

Những nhà văn cần phải tự phấn đấu trong điều kiện của mình. Những người có tài phải kiên trì nâng tầm văn hóa lên, tự mình vượt lên, để có thể làm chức năng cải tạo, chữa bệnh, làm lại con người.

                                                                                            Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng