Khi tập thơ Một hôm núi khóc mang tên Phạm Phú Hải được ra mắt (cũng là tập thơ vào chung khảo giải thưởng thơ Bách Việt 2009, cùng với hai tập Những giấc mơ đa chiều của Tuệ Nguyên và Mùi thơm của sự im lặng của Đồng Chuông Tử), độc giả mới ngỡ ngàng trước những câu thơ như cứ âm ỉ một nỗi đau thăm thẳm lẩn khuất trong cuộc hành trình thao thức với chữ.
Phạm Phú Hải đã là một cái tên quen thuộc với bè bạn văn chương, nhưng công chúng hôm nay sẽ thật khó biết đến ông khi nhà thơ quê xứ Quảng này chưa từng cho in một tác phẩm thơ nào trước Một hôm núi khóc. Gần nửa thế kỷ, ông gieo mình vào những con chữ để nỗi đau cùng những bi thương số phận mình hóa thành thơ. Phạm Phú Hải viết nhiều, gia tài thơ ca của ông có đến hơn 1.000 bài thơ với khoảng 16.000 câu thơ nhưng chưa bao giờ ông có ý định in thành sách.
Phạm Phú Hải cứ âm thầm viết, cần mẫn và lao tâm trên những con chữ như thể đó là lẽ sống giúp ông khám phá tận cùng tất cả vạn vật và cảm xúc của con người. Phạm Phú Hải bị tâm thần phân liệt từ năm 1972, nhưng với gia đình và những người yêu thương ông và với thơ, Phạm Phú Hải lại giống như một vị thiền sư. Ông chưa từng đi tu nhưng trong thơ luôn có phong vị thiền, nhiều người gọi ông là “Thiền sư thi sĩ”.
Nhà thơ Phùng Tấn Đông – một người bạn thơ đã đọc rất kỹ Một hôm núi khóc – nói rằng thơ Phạm Phú Hải là một nỗi bi thương. Có những tra vấn đến kiệt cùng sức lực, đau đáu những trăn trở thẳm sâu về cuộc sống. Có những suy nghĩ lạ lùng và táo bạo dành cho thơ mà chỉ có Phạm Phú Hải mới nghĩ ra. Trong bài Mùa và phương không tên, ông viết: “Một năm có bốn mùa. Nhưng tôi biết có một mùa thứ năm/Không gian có bốn phương/Nhưng tôi biết có một phương thứ năm/Tôi đang sống/Trong mùa và phương không tên gọi đó”.
Phạm Phú Hải đến với thơ trong nỗi cô độc, trái tim yêu thương cuộc sống mãnh liệt nhưng cũng thư thái nhẹ nhàng chờ một ngày thanh thoát an nhiên. Trước ngày tìm về miên viễn với tiếng khóc của thiên thu (ngày 6-5 vừa qua), ông đã viết những dòng thơ như để từ tạ chính mình: “Tiếng khóc ngàn xưa hơn một lần tôi đã/Và ngày mai tôi sẽ lại bắt đầu...”.
Hơn 40 năm mải miết gieo đời mình trên con chữ, nhà thơ quá cố Phạm Phú Hải mới có Một hôm núi khóc, để cho độc giả ngày sau được đi cùng ông qua bao câu chữ thác ghềnh – những bài thơ được viết từ một trái tim chông chênh trước lằn roi nghiệt ngã của số phận.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói Phạm Phú Hải làm thơ chỉ để cho bạn bè đọc. Ông viết rất nhiều thể loại và không hề để ý đến hình thức xuất hiện tác phẩm của mình như thế nào. Thơ Phạm Phú Hải lưu lạc khắp nơi, đã trải qua mấy mươi năm với những thăng trầm biến động, nhưng tất cả tác phẩm của ông đều được bạn bè nâng giữ. Khi chị Phạm Thị Thuận - em gái ông – cất công đi sưu tầm lại thì gần như các di cảo thơ của ông đều được bảo toàn nguyên vẹn.
Chị Phạm Thị Thuận nói rằng gia đình sẽ tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm thơ của anh mình.
“Tôi ở đây giữa bầy cô độc Tôi khóc theo từng tiếng hú xưa Rồi tôi cũng hú như tôi đã Khóc rống khi mưa gió nhập mùa Tôi vọng tiếng tôi về núi đá Núi đá ngàn năm vẫn lặng im Mấy ai hiểu được hồn u uất Của kẻ qua sông tự thả chìm...” (Máu chợt buồn - Phạm Phú Hải) “Trưa nay đã gặp lại rồi Dấu chân giữa đám bụi rời hôm qua Hôm qua là vạn hôm qua Trưa nay là vạn vạn ngày hôm sau Ngàn lần ngã, ngàn lần đau Tôi ơi vết xước trên đầu còn chăng...” (Hạt cát điếc - Phạm Phú Hải)
|
Theo NLĐO |