Ðược tổ chức định kỳ 5 năm một lần, hội diễn nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp là dịp để các nhà quản lý văn hóa cũng như các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ nhìn nhận đầy đủ hơn về sự phát triển, hành trang của nghệ thuật biểu diễn nước nhà.
Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn NSND Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chung quanh các sự kiện văn hóa đáng chú ý này.
PV: Thưa đồng chí, cả sáu đợt hội diễn đều được xếp lịch liên tục trong mấy tháng cuối năm, mở đầu bằng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2009 (đợt 1) tại TP Vinh (Nghệ An) vào ngày 15-8. Liệu có dồn dập quá không?
NSND Lê Ngọc Cường: Có một nguyên tắc đối với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp là, vào đầu năm các đơn vị đều phải chuẩn bị kế hoạch, triển khai tập luyện, dàn dựng và đợi phân bổ kinh phí hoạt động... cho nên các đợt hội diễn đều được tổ chức vào dịp cuối năm. Hội diễn năm nay vừa là tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần, vừa là dịp để chuẩn bị chương trình cho các ngày lễ lớn trong năm 2010. Năm nay cũng là thời điểm Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị về việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/T.Ư về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", việc tổ chức các hoạt động này cũng là một bước để nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật.
PV: Quy chế tổ chức hội diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành có đặt ra một số đề tài ưu tiên đối với các chương trình tham gia. Ðiều đó có làm hạn chế khả năng sáng tạo của các đơn vị nghệ thuật?
NSND Lê Ngọc Cường: Trong khi cả nước đang thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cả nước đang hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà hội diễn lại không quan tâm tới các chủ đề lớn này thì không đúng mục đích, yêu cầu đã đề ra. Ðây cũng là dịp để các đơn vị chuẩn bị vốn liếng cho các chương trình kỷ niệm nhiều sự kiện lớn của đất nước trong năm 2010, vì vậy trong quy chế tổ chức hội diễn có nội dung: khuyến khích những tác phẩm phản ánh hai đề tài trên cũng như các tác phẩm về đề tài truyền thống cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước. Qua hoạt động thẩm định các chương trình tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc khu vực 1, có thể nói là các chương trình đều được đầu tư dàn dựng công phu, có chất lượng nghệ thuật cao và hầu hết các đơn vị đều chú ý tính đến khả năng lưu diễn của chương trình "hậu hội diễn".
PV: Ðồng chí vừa nhắc đến câu chuyện "hậu hội diễn", vốn là mối quan tâm và gây bức xúc không ít trong dư luận. Nhiều chương trình giành được huy chương vàng tại hội diễn cũng bị "xếp kho", và hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp công lập có phần lặng lẽ?
NSND Lê Ngọc Cường: Theo tôi được biết, hiện các tỉnh đều khoán cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của địa phương chỉ tiêu biểu diễn khoảng 200 suất/năm. Cứ thử tính xem, trừ đi số ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ Tết, thời gian để dàn dựng và tập luyện chương trình... thì con số đó cũng là lớn. Mà tôi dám chắc là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập thì không có nơi nào không dám thực hiện đúng chỉ tiêu, vì không làm được thì năm sau sẽ bị cắt kinh phí. Tuy nhiên, hoạt động của họ lại ít được biết đến, hầu như không được tuyên truyền, quảng bá. Thông tin về văn hóa nghệ thuật hiện nay, đặc biệt là nghệ thuật, đang có một phản đề: Những chương trình nghệ thuật chính thống, hoạt động đại trà, gần như quanh năm ngày tháng thì hầu như không được biết đến, còn một số tờ báo lại chủ yếu giới thiệu chương trình của các cá nhân, nhóm nghệ sĩ hoạt động đơn lẻ, nên có phần làm lệch hướng nhận thức của công chúng.
PV: Hội diễn là cơ hội không dễ có đối với nghệ thuật và nghệ sĩ, nhưng vẫn có nhiều đơn vị không đến được với ngày hội lớn của những người làm nghệ thuật, trong đó có cả những đơn vị có truyền thống?
NSND Lê Ngọc Cường: Có mấy lý do: một số địa phương hiện có nhiều đoàn nghệ thuật, nên không đủ kinh phí để đưa tất cả đi dự hội diễn, chỉ đầu tư cho một, hai đơn vị thôi. Cũng còn có lý do từ nhận thức của từng địa phương. Mặc dù về định hướng phát triển, đầu tư cho văn hóa nghệ thuật đã được đề ra rõ ràng, nhưng nhiều địa phương hiện vẫn chưa có những chính sách thiết thực cho văn nghệ sĩ. Thí dụ, bây giờ người ta vẫn cấp kinh phí xây dựng một chương trình nghệ thuật là 100 triệu đồng, làm thế nào được? Các địa phương lại thực hiện khoán chi cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ba năm một, mà mức lương cơ bản được điều chỉnh lên gần gấp đôi, vẫn không được bù đắp, buộc họ phải trích một phần tiền đầu tư chuyên môn để trả lương cho nghệ sĩ. Tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sáng tạo nghệ thuật.
PV: Sau đợt hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2005, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã từng tổ chức hội thảo về việc cải tiến phương thức tổ chức hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, song, cho đến nay, dường như mọi việc vẫn được tiến hành theo quy trình cũ?
NSND Lê Ngọc Cường: Hội diễn là hoạt động nghề nghiệp mang tính định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật, bởi vậy, rất cần sự xem xét, đánh giá của những nghệ sĩ hàng đầu, có uy tín. Nên mô hình hội diễn về cơ bản là sẽ không thay đổi. Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang xây dựng đề án, theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng sẽ chỉ quản lý những cuộc thi chuyên ngành để phát hiện tài năng, và các cuộc hội diễn 5 năm một lần, còn các liên hoan thì sẽ giao cho các hội nghề nghiệp tổ chức. Tất cả đều hướng đến mục đích tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Theo ND |