PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm là người được mời viết lại hồ sơ sau khi hồ sơ của Sở VH-TT-DL Hà Nội bị phê là “thiếu và yếu” tại hội thảo khoa học ngày 8.8. * Cái khó nhất khi làm hồ sơ cho 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là gì, thưa ông? - Khó nhất là phải chứng minh được tính độc đáo và duy nhất, quý hiếm và không thể thay thế, ý nghĩa quốc tế và tính xác thực của di sản. Từ kinh nghiệm viết hồ sơ mộc bản triều Nguyễn, tôi thấy để làm rõ những tiêu chí nói trên không dễ. Tôi tiếp xúc với đề tài này thuận lợi là vì đã có thời gian tìm hiểu. Nếu không nghiên cứu trước thì trong thời gian gấp rút như vậy không thể viết được. * Các nước Đông Bắc Á cũng có di sản bia Tiến sĩ, như Trung Quốc. Việt Nam cũng có bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Huế. Vậy, đâu là tính độc đáo và duy nhất, tính quý hiếm và không thể thay thế của 82 bia Văn Miếu Hà Nội?
- 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ (1442-1779) là những bản gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Trên bia còn lưu những nét độc đáo về văn tự và điêu khắc mang tính nguyên bản của thời dựng bia, là bằng chứng hết sức giá trị về mặt văn bản học đối với các nhà khoa học. 82 bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là những trang sử đá về lịch sử văn hóa giáo dục Việt Nam, mang tính độc đáo và duy nhất, bởi trải dài gần 300 năm với 82 khoa thi Nho học, trong khi, bia đá ở Văn Miếu - Huế có niên đại từ 1822 đến 1919 với 43 khoa thi Tiến sĩ Nho học. Mặt khác, nội dung bia đá Văn Miếu - Hà Nội cũng phong phú hơn, với 3 phần: tiêu đề, bài ký, họ tên các Tiến sĩ và quê quán; trong khi, 32 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Huế chỉ có phần họ tên các Tiến sĩ và quê quán. Về hình thức, 82 bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều khắc hoa văn rất cầu kỳ, cách điệu cao, gồm các chủ đề hoa lá, mây, trăng, long, ly, quy, phượng; có giá trị nghiên cứu lịch sử điêu khắc Việt Nam từ thế kỷ XV- thế kỷ XVIII. Trong khi, 32 bia đá ở Văn Miếu - Huế trang trí giản đơn, không hoa mỹ, và chỉ có chủ đề hoa lá, mây và mặt trăng. Việc khắc bia đá các khoa thi Tiến sĩ ở Việt Nam đã tiếp thu truyền thống khắc bia đá các khoa thi Tiến sĩ của Trung Quốc. Tuy nhiên, bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn những bài ký có giá trị nghệ thuật, tư tưởng.
* Trong hồ sơ trước đây, có chi tiết Nguyễn Trãi (1380-1442) được ghi danh trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, tại hội thảo ngày 8.8, có ý kiến bác bỏ, bởi Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh năm 1400, trong khi bia Văn Miếu đề danh từ khoa thi 1442? - Tên của Nguyễn Trãi, với tư cách là quan chấm thi (độc quyển) được ghi trong bia, khắc năm 1484 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lúc bấy giờ, Nguyễn Trãi là Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự, giữ trọng trách chấm bài các thí sinh thi Tiến sĩ và trình lên vua. * Theo nhận xét của Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL thì thiếu sót trong hồ sơ lần trước chứng tỏ ngay người đề cử cũng chưa hiểu rõ về di sản của mình. Với hồ sơ lần này, liệu có thể thuyết phục được các chuyên gia UNESCO, thưa ông? - Theo chủ quan của tôi, với những giá trị độc đáo như đã phân tích, di sản 82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu - Hà Nội xứng đáng được UNESCO vinh danh. Tuy nhiên, khi bảo vệ trước Hội đồng các chuyên gia UNESCO, chúng ta phải chọn đúng người am hiểu để thuyết phục được họ. Khi chuyên gia UNESCO sang Việt Nam, có thể họ chỉ hỏi vài câu mà người sở hữu nếu không nắm chắc thì đúng là không nên. Theo Y Nguyên - TN |