Văn nghệ trong nước
Đừng để ca trù, quan họ mất hồn mất vía
09:45 | 07/10/2009
Rất cần cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tài trợ cho văn hóa, chẳng hạn họ sẽ được miễn giảm thuế một chút - PGS Nguyễn Văn Huy, thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia trò chuyện với VietNamNet.
Đừng để ca trù, quan họ mất hồn mất vía
Ca trù Thăng Long

Bao cấp không đúng cách sẽ tạo hậu quả xấu

UNESCO vừa công nhận quan họ là di sản đại diện và ca trù là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, theo ông, chúng ta cần ứng xử với những di sản này như thế nào để tránh những sơ xuất đã khiến Nhã nhạc, Cồng chiêng trở nên mất hồn mất vía, tách khỏi không gian sống của chúng và như thế là giảm giá trị thực của chính những di sản này?

- Tác động lớn nhất của danh hiệu UNESCO là giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của di sản, nhưng quan trọng hơn là họ nhắc nhở các quốc gia, các cộng đồng phải có trách nhiệm hơn với di sản của chính mình.

Trách nhiệm của nhà nước, của cộng đồng là phải nhận thức đúng và trân trọng, giữ gìn, phát huy tốt nhất không chỉ 2 hay 4 di sản đã được công nhận (nhã nhạc, cồng chiêng, quan họ và ca trù) mà còn rất nhiều di sản khác của người Kinh cũng như của các dân tộc thiểu số, các cộng đồng đang nắm giữ.

Những di sản được UNESCO công nhận trước không phải "quan trọng" hơn, "quý" hơn những di sản chưa được công nhận hay sẽ được công nhận sau. Chúng ta nghĩ gì khi nhiều di sản đã và đang bị mất đi, bị mai một do những sai lầm về nhận thức của chính chúng ta? Tôi nghĩ, đừng quá cường điệu những danh hiệu di sản đại diện của nhân loại, đừng quá "tả" khi chỉ chăm chăm "đầu tư" cho những di sản đã được UNESCO công nhận mà phải có tầm nhìn rộng hơn về bức tranh di sản của cả nước.

Ví dụ mới nhất là từ khi không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (nay đã chuyển thành di sản phi vật thể đại diện), cồng chiêng đã được quan tâm hơn, được đầu tư rất mạnh... ông nghĩ sao?

- Một câu hỏi đáng được đặt ra để suy ngẫm: dồn sức đầu tư cho cồng chiêng như vậy đã đúng chưa? Lúc trước ta đã đầu tư cho nhã nhạc, rồi sau đó tập trung đầu tư cho cồng chiêng và giờ đây lại tập trung đầu tư cho quan họ và ca trù chăng? Tiếp theo sẽ đầu tư cho di sản nào nữa? Ta có nên "phụ thuộc" vào những danh hiệu được công nhận như vậy không? Nhận thức của ta như thế đã hợp lý chưa?

Còn rất nhiều di sản của các cộng đồng khác cần được hỗ trợ để giúp bảo tồn di sản và tạo điều kiện cho cộng đồng đó tự bảo tồn và phát huy. Được quốc tế công nhận thì tốt, nhưng trước hết và quan trọng nhất phải là nâng cao nhận thức của quốc gia để từ đó tỏa ra cho cộng đồng, cho chính chủ thể các di sản.

Một câu chuyện cần phân tích rõ nữa, cách ta đầu tư cho cồng chiêng có đúng hướng không? Nhiều liên hoan cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực rồi bây giờ là festival cồng chiêng quốc tế rất "hoành tráng". Rất nhiều tiền của đã đổ vào đó và nó có thể làm tăng nhận thức chung của xã hội về cồng chiêng nhưng người dân, chủ thể cộng đồng "sở hữu" cồng chiêng được lợi gì?
Liệu người dân bản địa có hồ hởi đi dự những liên hoan cồng chiêng này không? Tôi vẫn day dứt, số tiền lớn dành cho tổ chức các hoạt động lễ hội như thế nên đưa về cơ sở tạo những cơ hội sinh hoạt cồng chiêng ở cộng đồng... có thể sẽ thiết thực hơn nhiều.
 

Dưới cơ sở có nhiều vấn đề cần giải quyết, cộng đồng rất cần được khuyến khích, hỗ trợ để tìm hướng duy trì, phát triển nghệ thuật cồng chiêng trong điều kiện sống mới, nhu cầu mới. Nhưng lại đang có nhiều câu chuyện "nhức nhối".

Tôi đã từng quan sát việc tổ chức tập huấn cho người dân, nhưng mỗi lần muốn người dân đi tập chơi cồng chiêng thì phải bồi dưỡng tiền cho họ, điều này quá xa lạ với ý thức về giá trị di sản. Không có tiền chắc chẳng ai đi. Phải chăng họ không còn nhu cầu thật sự với cồng chiêng nên không hào hứng tham gia? Cũng có trường hợp lớp tập huấn chơi cồng chiêng cho người Êđê, Mnông lại do cán bộ văn hóa người Kinh dạy. Chúng ta suy nghĩ thế nào về những việc như vậy?

Ý ông muốn nói đến những cộng đồng theo đạo Tin lành nên không còn nhu cầu chơi cồng chiêng?

- Có thể ước chừng 60, 70% cư dân thuộc các dân tộc Ê đê, Mơ nông theo đạo Tin lành, họ không còn tin vạn vật hữu linh, không tin vào thần rừng, ma bến nước.., không còn nhu cầu các nghi lễ tín ngưỡng cũ nữa. Chính những nghi lễ tín ngưỡng được gọi là truyền thống ấy mới gắn liền với cồng chiêng, mới là bối cảnh chính của diễn xướng cồng chiêng. Bây giờ những buôn, làng theo đạo Tin lành không thực hành nghi lễ ấy thì tất nhiên họ sẽ không còn nhu cầu gắn bó với cồng chiêng nữa.

Chính vì thế tôi cho rằng nên xem lại quan niệm phục hồi lại các nghi lễ truyền thống để bảo vệ cồng chiêng một cách tràn lan. Mỗi một nền văn hóa gắn liền với một niềm tin, một khi người ta bỏ niềm tin thì cũng bỏ những yếu tố văn hóa gắn với niềm tin này hay được niềm tin này sản sinh ra... Không còn nhu cầu tâm linh thì các nghi lễ không có ý nghĩa gì cả, và không còn là nhu cầu của cộng đồng nữa. Chính cách đánh giá không chính xác đã tạo ra những hiểu lầm và ứng xử đáng tiếc trong xã hội.

Đây thực sự là thách thức lớn nếu muốn bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng. Rất cần suy nghĩ và đánh giá lại về những dự án "duy ý chí" như việc nhà nước cung cấp tiền để trang bị cho mỗi buôn làng một hoặc hai giàn cồng chiêng. Cách làm đó tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả không cao. Nếu người dân thật sự có nhu cầu thì họ sẽ giữ gìn, tự tìm kiếm những giàn cồng chiêng để chơi, chứ không đem bán cồng chiêng đi như vừa qua. Sự bao cấp không đúng cách sẽ tạo hậu quả xấu, khiến các cộng đồng ỷ lại. Cũng cần đánh giá lại những dự án cho các làng sản xuất cồng chiêng ở dưới các tỉnh đồng bằng, ven biển để cung cấp các nhạc cụ này cho bà con Tây Nguyên nữa.

Cần cơ chế cho Doanh nghiệp "gá nghĩa" với di sản

Khi điều kiện văn hóa - xã hội thay đổi, cộng đồng không còn nhu cầu chơi cồng chiêng trong các nghi lễ truyền thống nữa. Vậy hướng đi nào sẽ mở ra cho nghệ thuật cồng chiêng?

- Năm ngoái tôi lên Hòa Bình, được nghe bà Đinh Thị Phiển, chơi một bản cồng Mường trên đàn Organ, ai nghe cũng thấy rất lý thú, tự nhiên thấy thấm văn hóa Mường. Vẫn rất cần lưu giữ cồng chiêng trong các nghi lễ truyền thống với những cộng đồng có nhu cầu, nhưng cũng có nhiều lối ra để ứng dụng cồng chiêng cho cuộc sống mới, như suy nghĩ sử dụng cồng chiêng cho âm nhạc mới chẳng hạn?

Các nhạc sĩ sẽ sáng tác những bản nhạc mới cho cồng chiêng, lớp trẻ sẽ chơi cồng chiêng như một nhạc cụ để thỏa mãn những nhu cầu và tâm lý mới của bản thân họ. Cách chơi cồng chiêng sẽ đa dạng hơn, phong phú và sáng tạo hơn. Như thế sẽ tạo ra nhu cầu chơi cồng chiêng với cả những cộng đồng đã không còn theo tín ngưỡng đa thần nữa.

Câu chuyện của cồng chiêng dường như cũng rất giống với câu chuyện của quan họ, di sản phi vật thể đại diện "mới toe". Không còn nhu cầu giao duyên theo kiểu truyền thống, nghĩa là bối cảnh cho quan họ cổ cũng không còn? Bên cạnh quan họ cải biên, quan họ đoàn đang sống tốt, đã có đề xuất như của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là tạo dựng những "bảo tàng sống" cho quan họ, nhà nước tài trợ cho một số làng để họ kết nghĩa, giao duyên theo đúng quan họ truyền thống? Ý kiến của PGS về đề xuất này?

- Nhiều CLB quan họ hiện nay toàn là những liền anh, liền chị đã lớn tuổi. Tôi còn nhớ những bức ảnh, những đoạn video giới thiệu về quan họ cho UNESCO nó gợi cho người ta nghĩ quan họ là của những ông già bà già. Sức sống và bối cảnh truyền thống của quan họ "vốn" là của thanh niên. Hát quan họ là hát giao duyên, có thể cả những người đã có gia đình nhưng chủ yếu vẫn là người trẻ tuổi.

Cũng giống như nhã nhạc, cồng chiêng, bối cảnh môi trường truyền thống của quan họ đã mất cả rồi, không thể phục hồi những bối cảnh xã hội đã qua. Hát quan họ ở hội Lim cũng chỉ là biểu diễn, đâu còn là thực nữa? Đâu còn tục kết chạ giữa các làng nữa? Chúng ta không thể quay ngược lại bánh xe lịch sử. Nhưng điều mà chúng ta muốn hiện nay là làm thế nào để quan họ sống trong cộng đồng, tiếp tục trở thành nhu cầu của cộng đồng?

Tôi nghĩ có lẽ "giá trị" lớn nhất của quan họ còn lại chính là lời ca và âm nhạc. Đó là cái lõi của quan họ, là cái tinh túy nhất của quan họ. Chúng ta cần tập trung bảo tồn và phát huy âm nhạc quan họ, lời ca điệu hát quan họ trong việc truyền dạy cho lớp trẻ. Chẳng hạn, làm thế nào các trường học ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhất là ở các làng quan họ, sẽ dạy học sinh hát quan họ từ nhỏ để chúng "thấm dần", rồi các tổ chức thanh niên cũng có thể đưa quan họ vào chương trình hoạt động của mình. Giao lưu hát quan họ giữa các trường, các hội diễn. Từ những việc làm nho nhỏ, nhưng kiên trì, lâu dài đó sẽ làm cho những bạn trẻ sẽ yêu thích và theo đuổi quan họ.

Nếu theo quan điểm của PGS thì dường như ca trù đang "sống" tốt hơn, có các CLB sinh hoạt đều đặn, có nhiều đào nương trẻ...?

- Cái khó của ca trù là phải giới thiệu để nhiều người biết, đến nghe và giúp họ hiểu hơn về nghệ thuật ca trù. Nghệ thuật ca trù thuộc "đẳng cấp" chuyên nghiệp, không phải ai cũng thấu hiểu. Đặc tính của ca trù có một lượng công chúng có chọn lọc theo niềm đam mê chứ không phải quá đông đảo. Một khó khăn nữa của các CLB ca trù là cần nguồn tài trợ để duy trì và mở rộng hoạt động. Lúc này chưa thể yêu cầu các nghệ nhân, các đào nương tự kiếm sống để truyền nghề, mà cần sự hỗ trợ để họ tổ chức hoạt động và cũng cần có thời gian để tạo ra những khán giả cho loại nghệ thuật này.

"Bà đỡ" phải là các quỹ hỗ trợ văn hóa, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và những nhà hảo tâm mến mộ nghệ thuật ca trù. Rất cần cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp Việt tài trợ cho văn hóa, chẳng hạn họ sẽ được miễn giảm thuế một chút. Câu chuyện này đã nói rất nhiều, kinh nghiệm ở các nước Âu - Mỹ đã được nghiên cứu nhiều, nhưng không biết sao đến nay nhà nước ta vẫn chưa xây dựng thành cơ chế cụ thể.

Chắc chắn, đến một lúc nào đó, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển hơn, ca trù sẽ lại tự sống được bằng chính giá trị nghệ thuật của mình.

Xin cảm ơn PGS.

                                                                                                   Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng