Văn nghệ trong nước
Nhìn lại màn trình diễn "Đồng Cu": Thể nghiệm hay “phá” hầu đồng?
09:08 | 09/10/2009
Không dừng lại ở màn “trình diễn hầu đồng” gây xôn xao dư luận trong Lễ hội Lảnh Giang, cuối tháng 9 vừa qua, trong một khu vườn ở 25 Studio (ngõ 12, Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội), nhóm nghệ sĩ gồm Lê Nguyên Mạnh, Lê Anh Hoài, Nguyễn Hồng Phương đã quyết định thực hiện một cuộc “cách tân” hầu đồng còn “sốc” hơn nữa. Tác phẩm mang tên Đồng Cu - một kiểu hầu đồng cách tân với sự pha trộn, giao thoa mạnh mẽ giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau như thi ca, âm nhạc, hội họa, vũ đạo và thậm chí là có cả “súng nhựa” trong hầu đồng.
Nhìn lại màn trình diễn
Lê Anh Hoài: Làm thế “thánh yêu” và “cô thương”

Lê Anh Hoài, thành viên nhóm nghệ sĩ thực hiện tác phẩm Đồng Cu cho biết: Chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà còn tham vọng phát triển tác phẩm này với nhiều hình thức khác nhau, tại các không gian khác nhau, tiếp tục pha trộn thêm các loại hình nghệ thuật khác vào tác phẩm. TT&VH trò chuyện với anh:

Hát văn lên đồng là một loại hình âm nhạc, diễn xướng phục vụ cho nghi lễ dân gian tứ phủ được thực hiện tại các đền thờ Việt từ nhiều đời nay. Vậy tại sao các anh lại quyết định “mang hầu đồng ra vườn” để diễn xướng?
 
- Văn nghệ dân gian truyền thống có khá nhiều loại hình xuất phát từ lễ hội, có yếu tố tâm linh chứ không phải chỉ riêng hát văn. Nhưng không gian văn hóa nguyên gốc của chúng đang ngày càng bị thu hẹp lại. Và những di sản văn hóa phi vật thể này có xu hướng tuyệt chủng. Xu hướng “bình dân hóa” vốn là một xu hướng tự nhiên, thời nào cũng thế, nhưng trong thế giới ngày nay càng mạnh. Xu hướng này khiến một di sản văn hóa phi vật thể mất dần đi tính “nguyên bản” nhưng lại giúp nó có sức tồn tại trong hoàn cảnh mới. Chúng tôi đưa hầu đồng ra vườn, thậm chí chủ động biến hóa nó đi dựa trên suy nghĩ nói trên. Biết đâu nhờ những việc như chúng tôi làm, hầu đồng được nhớ đến nhiều hơn?

“Đồng Cu là cái tên nhắm tới sự gợi mở, liên tưởng, pha chút giễu nhại (“đồng” trong “lên đồng”, đồng bóng”), chữ Cu từ ký hiệu hóa học của nguyên tố đồng, nhưng cũng có ý đùa giỡn. Từ nhạc cho đến hành động trình diễn, chúng tôi cố ý pha trộn kim cổ, đông tây... trên một cái nền cổ kính, chúng tôi cho vào đó chất liệu của ngày hôm nay” (Lê Anh Hoài).
Mang hầu đồng ra vườn có cái gì đó giải thiêng. Chúng tôi ý thức điều này. Nói vui, có người sợ làm thế thì thánh vật, nhưng chúng tôi thì lại nghĩ làm thế “thánh yêu” và “cô thương”. Hôm thực hiện tác phẩm 7h tối làm, mời khách rồi mà trời thì mưa tầm tã từ sáng. Thế mà chỉ trước một tiếng thì trời quang mây tạnh, mát mẻ, cõ lẽ “cô thương” thì phải.

Tất nhiên, vẫn có những người miệt mài bảo tồn sự nguyên dạng, nguyên bản, đi sâu vào quá khứ để tìm những dạng tồn tại đã từng có của hát văn - hầu đồng... Chúng tôi tôn trọng những nỗ lực đó, và cũng xin nhắn một câu: nếu họ cũng tôn trọng chúng tôi thì tốt

Bằng tác phẩm Đồng Cu, anh và nhóm nghệ sĩ cùng thực hiện đang “phá” truyền thống, thậm chí là “phỉ báng” thánh thần hay đang tỏ trách nhiệm trong việc lưu giữ truyền thống?

- Lưu giữ truyền thống là một công việc lớn mà chỉ nghệ sĩ thì không lo nổi. Vấn đề là lưu giữ thế nào thôi. Đây là một câu chuyện dài.

Và nghệ sĩ cũng có nhiều ngành, ngành nào liên quan đến truyền thống thì xin hãy làm thật tốt đi. Còn nghệ sĩ đương đại thì có cách tiếp cận và công việc khác.

Về việc thực hiện Đồng Cu, chúng tôi có “phá” truyền thống, thậm chí là “phỉ báng” thánh thần hay không thì chỉ xin nói thế này: Hãy xem và tạm quên những định kiến đi. Còn nếu quá nệ cổ thì xin cứ đi hầu đồng ở đền phủ. Nhưng cũng lưu ý: ở đó giờ đây cũng đã có những cái nến điện, những cái chiếu mới dệt với hoa văn mới, cô đồng hút thuốc ba số và uống rượu ngoại... Ngay việc các nghệ nhân cung văn chơi nhạc và thu đĩa để rồi những thanh âm này được phát ở mọi nơi thì mọi người nệ cổ nghĩ sao? Hay là khi nghe những đĩa này phải thắp hương, mặc lễ phục? Giời ơi là giời

Có ý kiến cho rằng, nhiều nơi, nhiều nước đã rất thành công trong việc tích cực lưu giữ truyền thống bằng cách gắn với hiện đại. Còn ở Việt Nam, thì những thể nghiệm kiểu như Đồng Cu của các anh thường bị coi là “phá truyền thống bằng hành động điên rồ”? 

- Tôi nghĩ rằng, đa phần nghệ sĩ đương đại không hề muốn gây sốc, họ cũng chẳng bị điên (nếu có vài người do bệnh lý thì tôi chắc tỷ lệ cũng chẳng cao hơn tỷ lệ người điên ở những lĩnh vực nghiêm trang khác).

Ở nhiều nước làm khá tốt việc đưa các yếu tố đương đại vào văn hóa - nghệ thuật truyền thống. Họ làm được là vì huy động được những nguồn lực quan trọng từ chính quyền, các quỹ phát triển văn hóa, các doanh nghiệp. Người dân của họ có ý thức cộng đồng cao và cũng đã có quá trình làm quen với nghệ thuật đương đại. Còn ở ta thì ngược lại...

Khi đưa nghệ thuật đương đại vào những loại hình diễn xướng dân gian truyền thống là nghệ sĩ đương đại cũng muốn “góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc” chứ không hề muốn phá phách, nhạo báng.

Xin cảm ơn anh

                                                                                                           Theo TTVH

Các bài mới
Các bài đã đăng