Văn nghệ trong nước
Ấn tượng giao hưởng đến từ New York
09:28 | 19/10/2009
Dàn nhạc Giao hưởng Yew York (NYP) là một trong những dàn nhạc giao hưởng lừng danh thế giới. Ước mơ của một người Mỹ yêu nhạc giao hưởng là chỉ cần một lần được thưởng thức dàn nhạc danh giá này là "thoả chí tang bồng".
Ấn tượng giao hưởng đến từ New York
Dàn nhạc Giao hưởng Yew York

Nhưng có người Mỹ suốt đời không thực hiện được mơ ước đó chỉ bởi vé xem quá đắt. Vậy mà trong hai đêm (16-17.10), nhiều người VN đã có vinh dự được thưởng thức NYP tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Có lẽ chưa bao giờ, người VN được "chào cờ" bởi một dàn nhạc cử quốc ca VN xúc động đến vậy. Một nhạc sĩ đứng cạnh tôi, sau khi đứng nghiêm để "thưởng thức" quốc ca VN và Mỹ, đã thầm thì: "Tôi đã trào nước mắt vì quá xúc động bởi vẻ đẹp âm thanh mà dàn nhạc mang lại".

Dàn nhạc đã cử lên quốc ca VN thật hào sảng và hùng tráng, sau đó là quốc ca Mỹ thật mênh mang và tráng lệ. Chiếc đũa từ tay nhạc trưởng Alan Gilbert lại vung lên, chỉ huy diễn tấu bản "Concerto số 4 cung son trưởng" của L.v.Beethoven viết cho piano và dàn nhạc.

Cũng năm ngoái, Dàn nhạc Giao hưởng Chiacgo dưới đũa chỉ huy của ông đã được đề cử giải Grammy cho dàn nhạc trình diễn hay nhất 2008. Ông là người New York đầu tiên được đảm nhiệm trọng trách nhạc trưởng NYP.

Sự mới mẻ của L.v.Beethoven trong tác phẩm này đã được NYP bắt đầu thật toàn bích. Nghệ sĩ độc tấu trong đêm 16.10 ở Hà Nội là người đã đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Arthur Rubinstein 1974 - nghệ sĩ Amanuel Ax người Ba Lan mang quốc tịch Canada. Tiếng đàn của ông cũng "Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời". Những nốt đàn độc dưới ngón tay ông vang lên sao lại chứa chan một nỗi gì đầy huyền diệu.

Song hành với L.v.Beethoven, trong đêm 17.10, NYP trình tấu bản "Concerto cung rê trưởng" của J.Brahms viết cho violon và dàn nhạc. So với Emanuel Ax thì nghệ sĩ violon Frank Peter Zimmermann trẻ hơn nhiều. Nhưng ngay từ sau khi tốt nghiệp năm 1983, ông đã biểu diễn cùng các dàn nhạc và các nhà chỉ huy hàng đầu thế giới. Tiếng violon của ông khiến giai điệu J.Brahms vốn đã mênh mang, xa vắng lại càng mênh mang, xa vắng hơn.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy ngồi thưởng thức, đôi khi theo thói quen nghề nghiệp, cánh tay phải của Duy có lúc như cầm mã vĩ vuốt theo những cung bậc mà Frank Peter Zimmermann đang thể hiện. Không chỉ Bùi Công Duy. Trong 2 đêm (16-17.10) vừa qua, ngoài số khán giả đến đông chật trong nhà hát và xem chương trình qua màn hình ở quảng trường 19.8, có không ít thành viên ở Học viện Âm nhạc quốc gia VN và Dàn nhạc Giao hưởng VN...

Phần sau trong chương trình là những điệu Beethoven, thường quen gọi là "Giao hưởng của những điệu múa". Một đặc điểm quan trọng trong giao hưởng của "Người điên khổng lồ" này đó là ở tác phẩm của ông, hai chủ đề luôn luôn đối lập nhau cho đến khi kết thúc. Có lẽ đây là đặc điểm mà các bậc thầy trước ông chưa nghĩ tới.

Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng