Văn nghệ trong nước
Phát triển bảo tàng, di tích kết hợp với du lịch góp phần quảng bá hình ảnh, văn hoá dân tộc
14:34 | 02/11/2009
Cùng với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, Việt còn có rất nhiều điểm đến là bảo tàng, di tích hấp dẫn du khách. Thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với bảo tàng, di tích hiện nay là việc làm cần thiết để quảng bá hình ảnh, văn hoá dân tộc đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Phát triển bảo tàng, di tích kết hợp với du lịch góp phần quảng bá hình ảnh, văn hoá dân tộc

Song, gắn kết thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị của các di sản văn hoá là vấn đề phải bàn. Hội thảo với chủ đề “Bảo tàng, di tích và du lịch” do Cục Di sản văn hoá phối hợp với Vụ Lữ hành tổ chức trong ngày 22 - 23/10 vừa qua đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển giữa các ngành.

Lãng phí tiềm năng di sản
  
Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện nay nước ta có 127 bảo tàng; hơn 4 vạn di tích, trong đó có 9 di sản thế giới, 3.000 di tích cấp quốc gia, 3000 làng nghề truyền thống và nhiều thiết chế văn hóa khác là những nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc của đất nước. Thế nhưng, lượng khách đến bảo tàng từ vài trăm lượt người/ngày trở lên chỉ có ở bảo tàng tốp đầu như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học… Số còn lại mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có BT cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan. Không những thế, chị Vương Thị Thủy, Trưởng Phòng Quản lý di tích, Ban Quản lý di tích Hà Nội cho biết: "Hầu hết các di tích gắn với tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa gắn kết với các tua du lịch và chưa thu được tiền từ hoạt động tham quan của du khách. Do đó, nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo của di tích phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước"...
  
Ông Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho rằng: Đó là sự lãng phí tài nguyên du lịch bởi bởi sự kết nối giữa du lịch và di sản văn hóa là nhu cầu mang tính tự thân. Minh chứng nhận định trên, ông Đặng Văn Bài đưa ra ví dụ: Sở dĩ phố cổ Hội An (Quảng ) thu hút khách du lịch vào bậc đông nhất cả nước vì điểm đến này có thể làm thỏa lòng du khách. Đến đây du khách không chỉ được thăm thú các “bảo tàng tĩnh” như Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa - lịch sử Hội An, mà còn được “thưởng thức” các “bảo tàng động”, “bảo tàng sống” - đó là sự gắn kết bền chặt giữa con người với di tích kiến trúc, giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
  
Ý kiến tham luận của đa số các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng: Nhiều di sản văn hóa rơi vào trạng thái "chết lâm sàng" do lâu nay số đông người dân cũng như các nhà quản lý Việt Nam quan niệm bảo tàng là nơi lưu giữ những hiện vật, chứng tích qua các giai đoạn lịch sử, là nơi lưu giữ những tinh hoa, linh hồn của dân tộc, vậy nên không thể gắn kết hoạt động kinh doanh với những giá trị tinh thần đó. Chính cách nhìn phiến diện này đã khiến nhiều bảo tàng, di tích ở Việt rơi vào “thế cô lập”, ít được biết đến.

Có thực mới vực được đạo
  
“Nếu mục đích của các bảo tàng là lưu giữ và truyền lại những giá trị văn hóa cho đời sau thì việc phát triển các hoạt động du lịch gắn với bảo tàng chính là quảng bá và truyền thụ văn hóa Việt Nam” - ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành khẳng định. Ông cho biết: Du lịch văn hoá ở nhiều nước trên thế giới phát triển thông qua việc khai thác một cách hợp lý giá trị của bảo tàng, di tích. Đơn cử như bảo tàng Louver ở thủ đô Pari (Pháp) thu hút xấp xỉ 10 triệt lượt khách/năm nhờ cho thuê đóng phim và bán các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. “Chiến thuật” này vừa giúp bảo tàng Louver quảng bá hình ảnh miễn phí trên nhiều kênh truyền hình của nhiều nước, vừa mang lại nguồn thu khổng lồ. Tương tự, để “câu” khách, Viện bảo tàng Picasso (Tây Ban Nha) trưng bày hiện vật ở những nơi khách dễ nhìn thấy nhất và dùng kỹ thuật làm nổi bật màu sắc, hình dạng, hoa văn của các hiện vật đó lên…
  
Từ những gì mắt thấy, tai nghe trong những chuyến đi thực tế, ông Vũ Thế nhận định: Hệ thống bảo tàng, di tích Việt Nam ở Việt Nam mới chú trọng tới hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo cách truyền thống mà chưa quan tâm đến việc đa dạng hoá các hoạt động dịch vụ, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh và thương hiệu; mặt khác số đông hướng dẫn viên du lịch Việt Nam vẫn vì lợi ích kinh tế mà coi nhẹ thái độ ứng xử văn hoá khi hướng dẫn khách, còn người làm dịch vụ xung quanh bảo tàng, di tích thì tìm mọi cách “móc túi” khách tham quan.
  
Từ quan điểm đó, ông cho rằng “chìa khoá” để giải quyết triệt để mọi vấn đề chính là tư duy của người làm công tác quản lý, nhận thức của người dân và kinh phí. Cần phải có kinh phí để “nâng cấp”, quảng bá hình ảnh bảo tàng, di tích, để trả công xứng đáng cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này giúp họ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và tận tâm với công việc. Và khi nguồn kinh phí Nhà nước còn eo hẹp thì các bảo tàng, di tích cần nâng giá vé tham quan để “tái đầu tư”, bởi khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài sẵn sàng “móc hầu bao” để được hưởng thụ những giá trị văn hoá được đáo. Bài học này được Trung Quốc áp dụng rất thành công, mà khu di tích Phủ Khai Phong là ví dụ. Sau chưa đầy 3 năm, kinh phí “đại trung tu” di tích Phủ khai phong đã được thu hồi.
  
Quan điểm trên của ông Vũ Thế Bình được đông đảo cán bộ quản lý bảo tàng, di tích đồng tình. Đây cũng chính là bài học thành công của Bảo tàng dân tộc học. Tán đồng quan điểm đó, nhưng bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh: trong quá trình khai thác giá trị văn hoá để phát triển du lịch, các đơn vị phải chú trọng tới việc bảo tồn nguyên gốc các giá trị đó, có như thế ngành du lịch văn hoá mới phát triển bền vững; mặt khác các đơn vị cần khuyến khích cộng đồng tự quản lý di sản văn hóa của mình.

                                                                                                           Theo HNMO

Các bài mới
Các bài đã đăng