Văn nghệ trong nước
Tác phẩm dịch: Không ít cảnh ngọng nghịu, ngô nghê tiếng Việt
16:00 | 04/11/2009
Với số lượng tác phẩm dịch ồ ạt như hiện nay, người đọc dường như lạc giữa "mê cung", không biết chọn sách nào hay để đọc. Thế nhưng, chọn được sách hay rồi, lại phải xem xem NXB có uy tín hay không?
Tác phẩm dịch: Không ít cảnh ngọng nghịu, ngô nghê tiếng Việt


Nhiều cuốn sách dịch được trình bày trang bìa khá bắt mắt, nhưng câu cú lộn xộn, rối rắm, khó hiểu. ảnh: T.H

Tên tuổi người dịch có được đóng dấu bảo đảm hay không, vì sợ rằng sẽ mua phải một trong số những cuốn sách "thảm hoạ" dịch thuật.

Giật thót ngay trang bìa

Thế nhưng cho đến thời điểm này, điều đáng ngạc nhiên là ngoài những tên tuổi dịch giả có uy tín, hầu hết các loại sách từ văn học đến kinh tế, giáo dục... đều thường ghi là một nhóm tác giả, hoặc một vài cái tên lạ hoắc. Ngay cả cuốn tiểu thuyết kiểu như "Quay cuồng vì yêu" cũng chỉ ghi: "Nhóm dịch Phương ".

Nếu lướt qua các trang bìa sách, nơi quảng cáo nội dung cũng như những lời khen tặng của các nhà phê bình trên khắp thế giới, có thể, người đọc tinh ý đoán được chất lượng dịch của tác phẩm. Bởi ngay ở "mặt tiền" này, nhiều cuốn bộc lộ điểm yếu của người dịch: Vốn tiếng Việt còn non, dịch không Việt hoá, văn phong "đặc" tiếng nước ngoài, khó tiếp cận nổi.

Ngay một cuốn đang được giới thiệu là khá nóng trên thị trường sách văn học - cuốn "Cọp trắng" của Aravind Adiga, người vừa đoạt giải Man Booker 2008 người ta vẫn thảng thốt vì ngoài bìa sách ghi rằng: "Cọp trắng là một trong những cuốn sách mạnh mẽ nhất mà tôi từng đọc trong nhiều thập niên qua"... Tính từ mạnh mẽ thường đi với danh từ chỉ tính cách con người, chứ ít khi được gán cho một cuốn sách, cho dù là "nhân cách hoá" đi chăng nữa.

Bìa sau ghi tiếp: "Một chuyện kể hồ hởi gây cười về Âận Độ ngày nay, đồng thời là tiếng thét hùng hồn về nhiều sự bất công của nó. Adiga bước vào văn đàn trong bộ chiến giáp và sẵn sàng chinh phục". (Chinh phục ai? Tại sao lại là "một chuyện kể hồ hởi gây cười"? Thậm chí, với giọng tiếng Việt ngây ngô như vậy, người dịch không hề sợ câu cụt: "Cọp trắng là một tác phẩm lột trần" rồi chấm câu ở đây, mà người ta phải tự đoán hay là "trần trụi"?

Ở bìa cuốn "Quay cuồng vì yêu" (NXB Trẻ và Phương Nam Book), đã có thể phát hiện những câu không ổn về ngữ pháp: "Từ thành phố lớn, Flynn, cô con gái nhà giàu "vô tích sự" về đây tiếp quản một khách sạn được thừa hưởng từ bà cô già mới chết". "Một khách sạn được thừa hưởng" nên hiểu như thế nào?

Ở bìa cuốn "Michael của tôi" (NXB Văn học và Cty sách Bách Việt), người ta đọc thấy những dòng choáng váng như: "Được viết đẹp, xúc động và sâu sắc, cuốn tiểu thuyết xuất sắc này lập tức trở thành câu chuyện tình ám ảnh...". Còn bìa sau cuốn "Sự hiền hoà của sói" (NXB Văn hóa Sài Gòn - Chibooks) lại có những dòng rối rắm khó hiểu kiểu như: "Một cuốn sách hay phi thường (!)...

Có những thần bí, âm mưu, mê đắm, dũng cảm, xấu xa, kịch tính trong sự sinh tồn giữa quang cảnh mênh mông và còn nhiều nữa (?). Penney đã tạo ra những nhân vật mà người ta tin là thật từ tất cả yếu tố rời rạc nhau...". Hay "một câu chuyện phiêu lưu đầy mê hoặc, một sự tương phản sảng khoái..."(!).
 
Ngay đầu đề cuốn "Sách "đen" về tinh thần doanh nhân" (NXB Trẻ), đã có một cụm từ vụng: "Cẩm nang giúp thành công cho những người dám nghĩ dám làm". Lẽ ra nên là "Cẩm nang giúp những người dám nghĩ dám làm thành công". Một ví dụ khác nữa, cuốn "Dốc hết trái tim" (NXB Trẻ) ở bìa trong ghi: "Nó là câu chuyện về một đội ngũ xây dựng một doanh nghiệp thành công...". Một lỗi sơ đẳng khi bê nguyên cấu trúc câu tiếng Anh sang tiếng Việt trong quá trình chuyển ngữ!

Vốn tiếng Việt còn yếu

Chỉ nói riêng bìa sách mà đã thể hiện sự cẩu thả khi chuyển ngữ, thì thử hỏi, nội dung bên trong sẽ như thế nào. Dịch giả nổi tiếng Cao Xuân Hạo sinh thời từng nhận xét: "Đọc nhiều bản dịch cảm thấy ngọng nghịu cứ như là nghe tây nói tiếng Việt!". Và ông cho rằng, hình như một số dịch giả dịch quá sát nguyên bản mà không đọc lại cho kỹ xem văn Việt của bản dịch có ngô ngọng quá không!

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: Ngoài việc đẩy mạnh công tác phê bình dịch, cần xem lại công tác biên tập của các NXB. Phải đối chiếu bản dịch với bản gốc xem có chính xác không, rồi lại xem bản tiếng Việt đã nhuần nhuyễn chưa. Lâu nay, chúng ta hầu như không có biên tập dịch theo đúng nghĩa!

Một độc giả cho biết: "Có hai điều làm tôi thấy rất khó chịu khi đọc sách dịch. Thứ nhất là, bản dịch quá dở, không truyền tải được cái hay, cái đẹp của nguyên bản. Thứ hai là, sách bị lỗi về chính tả hay đánh máy (đa số sách nào cũng vậy)".

Làm thế nào để những dịch giả làm việc cẩu thả hoặc không có thực tài phải giải nghệ? Có ý kiến cho rằng: Bên cạnh những thông tin về sách hay, bản dịch hay, dịch giả hay để chỉ người khác tìm đọc, cũng nên có những thông tin về sách dở, bản dịch dở, dịch giả dịch dở hoặc thiếu trách nhiệm (chỉ mướn học sinh dịch mà không kiểm tra)... để hướng dư luận đến chỗ tẩy chay các đầu sách dở...

                                                                                                                Theo LĐ







Các bài mới
Các bài đã đăng