Văn nghệ trong nước
Muốn được phong tặng Nghệ nhân thì phải… đi học?!
10:46 | 05/11/2009
Ngày 29/10 vừa qua, bất bình vì cách làm việc của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, 7 ứng cử viên là những người thợ giỏi ở các làng nghề, thậm chí có người rất nổi tiếng và có nhiều sản phẩm để lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia, đã đồng loạt ký đơn kiến nghị trực tiếp lên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng...
Muốn được phong tặng Nghệ nhân thì phải… đi học?!

Thừa tiêu chuẩn vẫn không được công nhận Nghệ nhân

Gặp chúng tôi, cả 7 người thợ đều có chung tâm trạng bức xúc. Ông Nguyễn Tấn Thỉnh, một người thợ đã có ngót 40 năm làm nghề đúc đồng, đã từng được phong tặng danh hiệu nghệ nhân tiêu biểu của làng nghề Việt Nam, sản phẩm được chọn là sản phẩm tinh hoa của làng nghề Việt Nam, là tác giả của nhiều sản phẩm nổi tiếng như: bộ tượng chùa Long Tiên, được Bộ Văn hóa thẩm định và lập kỷ lục thi công trong vòng 18 ngày xong 18 pho tượng; bức phù điêu có chủ đề bầu bí, Hiệp hội làng nghề bán đấu giá được 550 triệu, ủng hộ tất cho người nghèo, là hiện vật đấu giá đặc biệt, được bình chọn là sản phẩm tinh hoa làng nghề...

Không chỉ trực tiếp làm ra sản phẩm, ông Thỉnh còn dạy nghề cho hàng ngàn người. Vì vậy mà ông là người được Tổng cục Dạy nghề mời tham gia dạy nghề trong hệ thống các trường dạy nghề quốc gia, xây dựng chương trình khung cho nghề đúc đồng. Ông là chủ nhiệm chương trình khung cho dạy nghề đúc dát đồng mỹ nghệ cấp quốc gia và đã được thẩm định, giáo trình duyệt xong sang năm sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên hệ Cao đẳng chính quy toàn quốc.

Cũng như ông Thỉnh, anh Vũ Danh Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phương, người đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề dát vàng vào quỳ ở làng nghề Kiêu Kỵ, một nghề độc nhất chỉ có Kiêu Kỵ làm được - và cũng là người duy nhất trong số 5.000 người làm nghề này có thể dát được lá quỳ diện tích 10cm2, cho biết khi đi kiểm tra tay nghề, những thành viên hội đồng xét tặng danh hiệu đều đánh giá rất cao và khẳng định đây là sản phẩm độc quyền, cả làng nghề Kiêu Kỵ chưa ai làm được.

Anh Sơn cũng là người tham gia dạy nghề cho hàng ngàn người. Đặc biệt Công ty TNHH Tư vấn đào tạo Đức Phương của anh còn vừa dạy nghề vừa sản xuất; trong số những người đã được dạy nghề có hàng ngàn phạm nhân đang lao động cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân (V26) và Trại tạm giam của Công an tỉnh Bắc Ninh. Nhiều phạm nhân sau khi về đã được cơ sở nhận về làm hoặc cho nhận hàng về gia công.

Anh Nguyễn Anh Chung, Thư ký Hội làng nghề Kiêu Kỵ, cho biết sản phẩm của anh cũng là dát quỳ, nhưng cái độc đáo là với 1 chỉ vàng, anh có thể dát được 1.000 lá quỳ loại 3cm2 hoặc kéo dài được tới 90 cm. "Chúng tôi không chỉ duy trì sản phẩm làng nghề mà còn phát triển sản phẩm đó thích ứng với yêu cầu của xã hội hiện đại. Sản xuất và cung cấp cho những công ty họ phát triển sản phẩm của họ và làm để thích ứng với những sản phẩm khác, sử dụng nguyên liệu của chúng tôi để làm các sản phẩm"...

Tất cả 7 người thợ mà chúng tôi gặp đều là những người có nhiều thành tích trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Nhưng vì sao họ lại phải viết thư kiến nghị lên Bí thư Thành ủy và Phó chủ tịch UBND thành phố để phàn nàn?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì với mục đích ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những người thợ giỏi đang cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho việc khôi phục, giữ gìn và phát triển ngành thủ công mỹ nghệ của thủ đô, ngày 18/5/2009, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 69/2009/QĐ-UB ban hành Quy chế "Phong tặng nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ".

Theo quy chế này, người được đề nghị phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" phải đạt 4 tiêu chuẩn, đó là "phải là người chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước; Là thợ giỏi được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu 10 năm... trực tiếp làm ra các sản phẩm có giá trị về kinh tế, kỹ thuật mỹ thuật cao... các sản phẩm đoạt giải thưởng tại các hội chợ triển lãm quốc gia hoặc quốc tế... Sản phẩm được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, phục chế di tích lịch sử; có thành tích trong việc gìn giữ phát triển nghề, tham gia đào đạo cho tối thiểu 50 người....

Chiếu theo quy định này, những thợ giỏi ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã nộp hồ sơ và trải qua nhiều vòng bình xét. Đến đầu tháng 8/2009 những người lọt vào "vòng trong" (trong đó có 7 ứng cử viên viết đơn khiếu nại nói trên) được thông báo Hội đồng xét tặng sẽ đi thẩm định trước khi quyết định danh sách phong tặng. Thế nhưng, khi Hội đồng họp và bỏ phiếu để đưa danh sách đề nghị UBND thành phố phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" thì 7 người thợ (Trần Việt Hùng, Phạm Anh Đạo, Lê Diệu Hương, Nguyễn Tấn Thỉnh, Nguyễn Anh Chung, Vũ Danh Sơn và Lê Văn Thăng) đều bất ngờ khi không thấy có tên mình trong danh sách.

Không chấp nhận việc đánh giá của Hội đồng, những người thợ này quyết định gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo thành phố.

Anh Vũ Danh Sơn khẳng định: "Xét tiêu chí tôi thấy tôi không thiếu bất cứ tiêu chí nào, tuổi nghề tôi thừa tuổi, đóng góp cho xã hội và giữ gìn làng nghề tôi đóng góp gấp 10 lần theo quy chế đưa ra”. Anh Sơn bức xúc nói anh sẵn sàng thi tay nghề với bất cứ ai để Hội đồng thẩm định lại tay nghề của anh.

“Tôi biết học ở đâu khi chính mình là người soạn chương trình?”

Việc đánh giá cảm tính, khiến cho cả 7 ứng viên bị loại ra khỏi danh sách hết sức bất bình. Anh Trần Việt Hùng, thợ gốm làng Bát Tràng, cho biết khi đánh giá về sản phẩm Lọ gốm của anh, ông Lê Huy Văn, một thành viên trong Hội đồng cho rằng "các lỗ trống khoét cách điệu trên thân lọ thì phải khoét rộng hơn, to ra mới đảm bảo tính mỹ thuật" nhưng thực tế nếu làm như vậy thì khi đưa sản phẩm vào lò nung sẽ bị sập vỡ hoàn toàn vì không đảm bảo chỉ tiêu về cơ hóa lý.

Chị Lê Diệu Hương, người đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề đúc đồng, từng hai lần nhận danh hiệu “Ngôi sao Việt Nam” và là tác giả của nhiều sản phẩm có giá trị, đạt giải “Tinh hoa Việt Nam” và được Hội đồng đánh giá là tay nghề rất cao với sản phẩm Đỉnh đồng chạm khảm Tam khí nhưng sau đó lại bị chê là... họa tiết dày quá. "Ông Văn khuyên tôi nên đi học thêm ở Trường Mỹ thuật rồi hãy về làm nhưng thực tế là để chạm khảm được bạc trên đồng mà sản phẩm khi hoàn thiện liền khối và tinh xảo thì tôi đã phải luyện tay nghề trong 20 năm mới làm được như vậy. Hơn nữa, các bí quyết cha truyền con nối ở các làng nghề truyền thống (các bài men cổ - nghề gốm; làm màu giả cổ - nghề đúc chạm khảm đồng) thì không có trường lớp nào dạy cả, chúng tôi phải học thế nào?".

Theo ông Nguyễn Tấn Thỉnh thì điều khiến ông bức xúc vì "Những tác phẩm của tôi được xã hội thừa nhận, tôn vinh thì họ lại bác bỏ, chê bai. Những sản phẩm của tôi làm được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố đặt hàng làm quà lưu niệm tặng khách quốc tế thì Hội đồng lại chê là tính mỹ thuật không cao. Bức phù điêu tôi làm tặng Hội làng nghề, đưa ra đấu giá được 550 triệu tặng cả cho người nghèo thì Hội đồng lại nói rằng như thế là thương mại hóa?".

Cũng như trường hợp chị Lê Diệu Hương, Hội đồng thẩm định cũng cho rằng ông Thỉnh nên đi học thêm trong khi ông Thỉnh đã 62 tuổi, thâm niên 41 năm trong nghề, không những thế ông đang là Chủ nhiệm đề tài soạn chương trình khung cho chương trình dạy nghề đúc dát đồng mỹ nghệ do Tổng cục Dạy nghề đặt hàng. Vì thế "người ta bảo tôi đi học thì không biết tôi sẽ học ở đâu khi chính mình là người đang soạn chương trình".

Trong lá thư gửi Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng, cả 7 người thợ đều khẳng định "phong tặng danh hiệu nghệ nhân cũng chỉ là một cách động viên để chúng tôi yêu nghề hơn, cố gắng sáng tạo, nâng cao tay nghề để phát huy nghề truyền thống của dân tộc cũng như lưu truyền lại cho thế hệ mai sau những bí quyết đã được đúc rút qua nhiều thế hệ". Vì vậy họ chỉ kiến nghị "mong các bác hãy quan tâm hơn tới những người thợ tâm huyết với nghề như chúng tôi, chỉ đạo các bộ phận liên quan làm việc một cách khách quan hơn, đánh giá đúng thực chất vấn đề, không vì một số ý kiến phiến diện mà làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc động viên những người thợ giỏi thông qua việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân này".

Với hy vọng có thông tin hai chiều từ các cơ quan chức năng, sáng 2-11, chúng tôi đã liên hệ vào số điện thoại di động của ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" 2009, nhưng sau vài hồi chuông, chúng tôi chỉ nhận được tín hiệu từ chối.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và là Chủ tịch Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" năm 2009. Tuy nhiên, sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, ông Tưởng nói trong tuần này ông sẽ làm việc với Hội đồng xét tặng rồi mới có thể trả lời.

Và vì thế mà câu hỏi: "Vì sao 7 ứng cử viên thừa tiêu chuẩn xét tặng mà vẫn không được công nhận là nghệ nhân" vẫn còn chưa có lời đáp. Chuyên đề ANTG sẽ còn tiếp tục trở lại vấn đề này

                                                                                                              Theo CAND



Các bài mới
Các bài đã đăng