Văn nghệ trong nước
Xuất khẩu văn học Việt: Còn nhiều khó khăn
08:33 | 08/01/2010
Phải thành lập quỹ dịch thuật có sự tài trợ của Nhà nước để tài trợ cho những dự án dịch sách trong điều kiện Việt chưa thực sự là một nền văn học hấp dẫn độc giả thế giới
Xuất khẩu văn học Việt: Còn nhiều khó khăn
Một trong ít ỏi tác phẩm văn học Việt được xuất bản ra nước ngoài

Tham dự Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, đang diễn ra tại Hà Nội, phần lớn các dịch giả nói họ yêu thích và rất mong được góp phần đưa văn học Việt “xuất ngoại”. Tuy nhiên, xuất khẩu văn học Việt, theo họ, là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và những chiến lược cụ thể, khôn khéo.

Từ tình yêu với văn học Việt...

Sau lễ khai mạc với một số tham luận của các đại biểu nước ngoài trình bày những nhận định chung chung về văn học Việt Nam, ngày 6-1, hội nghị chia thành các tổ thảo luận với các chủ đề lớn: Văn học cổ điển, Văn xuôi Việt Nam hiện đại, Thơ Việt Nam hiện đại và Gặp gỡ các nhà văn trẻ.

Tại đây, trong những không gian hẹp hơn, với những đại biểu chọn lọc hơn, những dịch giả, nhà văn quốc tế đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về văn học Việt khiến cho nhiều học giả trong nước phải ngạc nhiên. Trong bài phát biểu bằng tiếng Việt rất sõi của mình, giáo sư - dịch giả Chúc Ngưỡng Tu đã kể lại những thử thách mà ông gặp phải trên con đường đưa Ông cố vấn (tác giả Hữu Mai) sang Trung Quốc.

“Tôi từng 2 lần nếm mùi thất bại trong việc dịch văn học Việt ... Tuy thất bại, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính không phải vì mình dịch dốt, càng không phải vì văn học Việt thiếu tác phẩm hay”.

Say mê cuốn tiểu thuyết của Hữu Mai, giáo sư Chúc đã xin phép nhà văn được dịch ra tiếng Trung, dù không có bất cứ điều gì bảo đảm là bản dịch của ông sẽ được xuất bản. Và sự kiên nhẫn cuối cùng đã được đền đáp. Ông cố vấn, theo giáo sư Chúc Ngưỡng Tu, đến nay vẫn là một trong số rất hiếm hoi tác phẩm văn học Việt được xuất bản thành công ở Trung Quốc.

Không nói được tiếng Việt, không đọc được tiếng Việt như giáo sư Chúc Ngưỡng Tu nhưng tiến sĩ Gunter Giesenfeld Vorsitzender, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt, tỏ ra am hiểu sâu sắc về các tác phẩm Việt từng được xuất bản sang Đức.

Trao đổi với phóng viên, ông nói say sưa về các nguồn ảnh hưởng thơ Pháp, thơ Đường trong thơ Chế Lan Viên; về tính triết lý, kỹ thuật kể chuyện mang sắc màu huyền thoại, ngụ ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp; về những cảm xúc thiết tha và những câu chữ trong sáng của Nguyễn Đình Thi... Vorsitzender chia sẻ ông vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những gương mặt mới từ Việt để giới thiệu ra nước ngoài bằng ngôn ngữ Đức.

... Đến những trăn trở

Điều đáng ngạc nhiên tại hội nghị là trong khi phần lớn học giả trong nước mải mê phân tích lan man về các giá trị, các đặc điểm của văn học Việt Nam thì các đại biểu nước ngoài lại có cái nhìn thiết thực hơn. Họ tập trung mổ xẻ những vướng mắc và đề xuất những giải pháp thiết thực trong việc đưa văn học Việt ra nước ngoài.

Nhà thơ Andreij Grabowski, Chủ tịch Chi hội Nhà văn thành phố Krakow, Ba Lan, Tổng Biên tập tạp chí Tia lửa, cho biết Ba Lan và châu Âu nói chung hầu như chưa biết gì về văn học Việt Nam. Và tất cả những gì họ làm được để thể hiện tình yêu và sự thông cảm với một dân tộc như Việt là “mong đợi nhiều tác phẩm hay được dịch sang tiếng Ba Lan”.

Trong bài tham luận mang tựa đề Tình hình giới thiệu văn học Việt Nam tại Hàn Quốc và bài toán của nó, giáo sư tiến sĩ Ahn Kyong Hwan đã nêu lên nhiều giải pháp để giải bài toán được đặt ra. Theo giáo sư Ahn, Việt Nam và Hàn Quốc cần tận dụng thế mạnh về quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đào tạo lực lượng dịch giả, tổ chức tuyển chọn những tác phẩm thực sự có giá trị, phù hợp với thị hiếu của người Hàn Quốc và thành lập cơ quan Viện Biên dịch văn học Việt Nam.

Dịch giả trẻ Hilary Watts lại quan tâm hơn đến những giải pháp hướng tới đối tượng độc giả trẻ. Theo chị, văn học Việt có thể vươn ra khỏi biên giới bằng những con đường như: du lịch, phương tiện thông tin đại chúng, những buổi giao lưu, đọc sách công cộng, các hội nghị, hội thảo.

Còn những dịch giả như Chúc Ngưỡng Tu, Lady Borton (Mỹ), Anna Gustafsson Chen (Thụy Điển) - những người không chỉ dịch mà còn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản phát hành - lại đề cao những điều kiện kinh tế, vật chất trong quá trình đưa văn học Việt ra nước ngoài.

Chính vì vậy, họ gặp nhau ở một đề xuất chung. Đó là phải thành lập quỹ dịch thuật có sự tài trợ của Nhà nước để bước đầu tài trợ cho những dự án dịch sách văn học trong điều kiện Việt Nam chưa thực sự là một nền văn học hấp dẫn độc giả thế giới.

Dù bằng giải pháp này hay giải pháp khác, điều các dịch giả thực sự mong muốn là hãy coi việc xuất khẩu văn học Việt không chỉ là chuyện của riêng dịch giả. Họ cần được hỗ trợ, cần được giúp đỡ để chỉ chuyên tâm vào việc chuyển ngữ, để không rơi vào tình cảnh lực bất tòng tâm, khi yêu mà không có cách nào chia sẻ tình yêu văn học Việt với những độc giả cùng ngôn ngữ với mình.

Quá ít ỏi

Tại hội nghị, những dịch giả như Hilary Watts (Hà Lan), J.Fossenbell (Mỹ), Frank Gerke (Đức) đều tâm sự về mối duyên nợ với các tác giả Việt Nam và mong muốn được gắn bó dài lâu với nền văn học này.

Tuy vậy, điều đáng chú ý là những tác giả Việt Nam được các đại biểu nước ngoài biết đến, phần lớn cũng chỉ quanh đi quẩn lại một số tên tuổi quen thuộc: Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa... sau này là Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư...

Điều này chứng tỏ quá trình xuất ngoại của văn học Việt Nam diễn ra rất chậm, rất nhỏ giọt và quá ít ỏi so với lượng tác phẩm, tác giả xuất hiện ồ ạt hằng năm ở Việt Nam.

                                                                                                                  Theo NLĐO





Các bài mới
Các bài đã đăng