Văn nghệ trong nước
Phục hồi, phát triển Múa cổ Thăng Long- Hà Nội: Vẫn câu hỏi lớn chưa lời giải
08:55 | 14/01/2010
“Đồng ý là sau khi phục hồi phải có phát triển, nhưng phát triển như thế nào?”- câu hỏi luôn luôn được đặt ra trong mọi cuộc hội thảo về di sản tiếp tục làm đau đầu các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ tham gia hội thảo “Phục hồi, phát triển Múa cổ Thăng Long- Hà Nội” vừa được Hội Nghệ sĩ Múa HN tổ chức cuối tuần qua.
Phục hồi, phát triển Múa cổ Thăng Long- Hà Nội: Vẫn câu hỏi lớn chưa lời giải
Múa Thị, tiết mục của quận Long Biên biểu diễn tại LH Múa cổ Hà Nội, 2009

Những năm gần đây, công trình “Phục hồi, phát triển Múa cổ Thăng Long- Hà Nội” do Hội Nghệ sĩ Múa HN tiến hành đã góp phần đáng kể trong việc đưa một số điệu múa cổ truyền trở lại với đời sống cộng đồng. Bắt đầu từ năm 2006, hàng loạt các chuyến sưu tầm, nghiên cứu đã được thực hiện ở nhiều huyện trên địa bàn HN. Kết quả của những chuyến đi này là 28 điệu múa cổ được phục hồi cùng 3 cuộc liên hoan múa cổ đã được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Tuy nhiên, việc phát triển, sân khấu hoá các điệu múa cổ của Thăng Long- Hà Nội đã được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau tại Hội thảo.

Theo NSND Chu Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa VN: “Các Liên hoan múa cổ đã đóng góp tích cực trong việc quảng bá vốn cổ này tới người dân. Các điệu múa xưa được diễn trong sân đình, chùa hay trên đường phố nhỏ hẹp, nay được mang ra sân khấu, quảng trường lớn, yếu tố dân gian đã thêm vào sự sắp đặt của bàn tay đạo diễn để thêm phần hấp dẫn”. Bà cũng nhấn mạnh: “Chúng ta trọng cổ nhưng không nệ cổ. Cần phải đặt múa cổ trong sự vận động từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mỗi thế hệ đều có sự vận dụng, biến đổi nó cho phù hợp với thế hệ mình. Ví dụ như sự vận động từ điệu Chầu văn trong tín ngưỡng cổ xưa đến hát Chầu văn phục vụ cho quan viên ngày trước, rồi hình thức Chầu văn lưu lại sử dụng cho khán giả hôm nay. Trong xã hội mới, không gian mới, cách thức diễn phải theo thẩm mĩ mới”.

Ở một góc nhìn khác, thạc sĩ Phạm Hùng Thoan (Hội Nghệ sĩ múa HN) lại cho rằng: Các nghệ sĩ múa HN muốn phô diễn các vẻ đẹp độc đáo và màu sắc lịch sử của múa cổ lên sân khấu. Điều này có thể đã tạo được ấn tượng nhất định đối với công chúng. Thế nhưng đó mới chỉ là những ấn tượng về hình thức chứ không phải là toàn bộ phẩm chất nghệ thuật của múa cổ HN, vốn chỉ có thể bộc lộ khi được biểu diễn trong môi trường sinh hoạt văn hoá truyền thống. “Bởi vì trong di sản múa cổ HN rất ít tác phẩm có khả năng tồn tại độc lập và thích ứng dễ dàng với không gian sân khấu- Thạc sĩ Phạm Hùng Thoan lí giải- Đa phần chúng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cụ thể của lễ hội làng, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo. Việc tách múa khỏi môi trường tồn tại truyền thống của chúng thường là lợi bất cập hại dù những nỗ lực sưu tầm và trình diễn múa cổ là rất đáng trân trọng”. Thạc sĩ Phạm Hùng Thoan cũng bày tỏ lo ngại về những “sáng tạo, chỉnh biên cho phù hợp với cuộc sống mới” đang khiến giá trị của một số điệu múa cổ bị biến dạng một cách đáng tiếc: “Tôi có thể lấy ví dụ với điệu múa “Bồng” của làng Triều Khúc. Để múa thêm sôi nổi, người ta tăng số vũ công từ 2 người lên thành 4. Không những thế, để xoá dấu vết của tệ “coi thường phụ nữ”, tạo điều kiện cho chị em được hưởng quyền bình đẳng với nam giới, các “con đĩ đánh bồng” do nam giả nữ đã được thay bằng 4 nữ diễn viên. Hai lần chỉnh sửa này khiến giá trị của điệu múa gần như biến mất. Từ điệu múa biểu trưng cho trời, đất và lòng người hân hoan, khi Phùng Hưng lên ngôi Bố Cái Đại Vương, múa “Bồng” đã biến thành vũ điệu biểu cảm thuần tuý”.

Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa HN Lê Thị Hồng Thắng cũng có chung quan điểm: Trước hết phải đặt các điệu múa cổ trở lại cái nơi- loại hình, thể loại hoạt động văn hoá đã sinh ra nó, sau đó mới có thể di chuyển sang những hình thức sinh hoạt khác như biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, biểu diễn kết hợp trong các chương trình ca nhạc... nhưng cũng chỉ là “thử xem” thôi. Sự dịch chuyển múa cổ sang môi trường khác, nếu không thận trọng sẽ biến điệu múa thành một sản phẩm “vô tính”.

Rốt cuộc, câu hỏi “Phát triển như thế nào?” vẫn chưa có được lời giải trong một cuộc hội thảo. Phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long- HN có lẽ vẫn phải... vừa làm vừa tranh luận!

                                                                                                         Theo VHO






Các bài mới
Các bài đã đăng