Vở Một cây làm chẳng nên non của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ phản ánh bệnh thành tích và giá trị thực trong giáo dục - Ảnh: Tú Phương |
Trong các buổi biểu diễn dân ca kịch, mỗi câu hát cất lên thì tiếng vỗ tay từ bên dưới khán phòng cũng vang theo. Có lẽ chưa bao giờ khán giả Đà Nẵng hào hứng thưởng thức nhiều hình thức dân ca như: bài chòi, dân ca khu 5, hát ví dặm, ca Huế... trong nhiều ngày liên tiếp như thế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Hoàng Chương - chủ tịch hội đồng giám khảo - nhận định: với sáu vở diễn, dân ca kịch đã vượt lên tuồng về chất lượng. Theo nhà thơ - họa sĩ - NSND Lê Huy Quang, thành viên hội đồng giám khảo, bằng sự đa dạng về đề tài, kịch bản và cách thể hiện, dân ca kịch đã bắt nhịp được cuộc sống đương đại. Tham vọng và quyền lực, tình yêu và hạnh phúc, bệnh thành tích và giá trị thực trong giáo dục... cùng những bài học hướng đến chân - thiện - mỹ khi được thể hiện trên sân khấu với các nhân vật đa chiều, người xem như bắt gặp lại câu chuyện đâu đó xung quanh mình.
Góc khuất đời người và Một cây làm chẳng nên non - hai vở dân ca kịch của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - đã được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. NSƯT Hồng Lựu - phó giám đốc trung tâm - tâm sự: “Có một tầng lớp khán giả rất khắt khe ở Nghệ An luôn yêu cầu các vở diễn phải phản ánh được những gì người xem đang cần. Vì thế, chúng tôi phải luôn tự làm mới mình, nhất là trong việc tìm đề tài, kịch bản và diễn xuất. Nghệ thuật bây giờ như một món hàng. Nếu không phải là “bình cũ, rượu mới” thì không thể trách khán giả quay lưng với sân khấu truyền thống. Nhưng khó nhất là phải có kịch bản hay”.
Trong khi đó, với nghệ thuật tuồng, Vòng tay núi rừng của Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa là vở tuồng duy nhất mang đề tài hiện đại. Một số ý kiến cho rằng không thể có tuồng mới với đề tài đương đại, hội diễn là dịp để khẳng định nội lực của các đoàn nghệ thuật và định hướng chặng đường sắp tới chứ không phải là sân khấu thử nghiệm cho tuồng mới.
Song NSND Hoàng Khiềm cho hay: nếu khán giả cứ xem mãi một vở tuồng cổ với kịch bản và ngôn ngữ đã quá quen thuộc sẽ trở nên nhàm chán. Lúc đó, khán giả chỉ thưởng thức nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu chứ không cảm nhận hết tinh hoa trong trình thức đa dạng và phong phú của tuồng.
GS Hoàng Chương cũng bày tỏ băn khoăn về việc nghệ thuật tuồng đang thiếu kịch bản hay. Theo ông, qua bảy vở tại hội diễn cho thấy tìm kịch bản tuồng để diễn là điều không dễ.
Đề tài lịch sử như Huyền Trân công chúa (Nhà hát Tuồng VN), Dời đô (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng), Sóng dậy Lê triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa), Chí sĩ Trần Cao Vân (Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế), Hồn Việt (Nhà hát tuồng Đào Tấn, Bình Định)... phù hợp với tuồng nhưng cái khó hơn nữa là viết sao cho ra chất tuồng, bởi có những vở “lai kịch” và những vở không hấp dẫn vì kịch bản chưa hay. Tuy nhiên, do các nghệ sĩ diễn xuất tốt nên đã làm giảm độ vênh của một số kịch bản.
Theo TT
|