Văn nghệ trong nước
Nghề vẽ biếm hoạ thời nay
11:03 | 15/01/2010
Mới đây, trong một hội nghị người ta đã đưa ra đề nghị cần phải thành lập Hội riêng cho các hoạ sĩ chuyên vẽ biếm hoạ, quảng cáo, đồ hoạ… Bởi lẽ từ nửa thế kỷ qua, họ cho rằng mình luôn luôn bị lép vế trong ngành hội hoạ Việt Nam, và rằng họ hoạt động rất có hiệu quả, trên thị trường báo chí và xã hội, nhưng rồi bên ngành thông tin cũng chẳng dễ gì coi họ là nhà báo, và xem ra Hội Mỹ thuật cũng đâu có xếp hạng họ hàng năm. Họ bị coi là hoạ sĩ trái tay và chỉ là các bạn CTV vẽ cho báo, hoặc làm pano aphich mà thôi. Nói không ngoa những hoạ sĩ thuộc lĩnh vực này đã bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.
Nghề vẽ biếm hoạ thời nay

Họ cứ làm việc một cách cần mẫn, âm thầm đóng góp cho xã hội những sản phẩm tinh thần rất đáng khâm phục. Riêng các hoạ sĩ biếm hoạ đã lên tiếng chống tiêu cực và tệ nạn xã hội bằng các nét vẽ sắc sảo, hóm hỉnh và vui nhộn. Nghĩa vụ công dân của họ được phát huy một cách năng động thông qua sáng tạo nghệ thuật có tính đấu tranh cao và ý thức xây dựng xã hội tích cực. Nhưng trên thực tế, các hoạ sĩ này vẫn còn bị bơ vơ mặc dù đội ngũ của họ ngày càng phát triển, và để đạt được nguyện vọng, ra đời một Hội chuyên ngành quả là không đơn giản. Vài năm gần đây các hoạt động của họ đã trở nên sôi nổi, qua các cuộc thi của báo chí và các triển lãm cá nhân và tập thể, để nói lên vai trò của họ đối với xã hội cần được khẳng định.

Những “gương mặt cười” sáng giá

Nếu cứ tính, mỗi năm các loại trường đạo tạo, trên toàn quốc, xuất lò tới một ngàn hoạ sĩ trẻ, thì mới thấy đội ngũ biếm hoạ quả là ít ỏi và thật quý hiếm. Hơn nữa, nếu tính từ thế kỷ XVII, trong dòng tranh Đông Hồ, ta đã thấy xuất hiện nhiều tranh biếm hoạ về xã hội như “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Hứng dừa”…mới hay cùng các chuyện tiếu lâm, từ xa xưa tranh biếm hoạ cũng là một thứ đặc sản của dân tộc ta.

Thời nay, đội ngũ biếm hoạ đã hình thành khá dồi dào và có sức phản biện xã hội đáng kể. Ta có thể kể ra những cái tên điển hình như Phan Kích (phan Kế An), Mai Văn Hiến, Nguyễn Nghiêm, Đặng Nhân, Lý Trực Dũng, Dzuy Minh, Phạm Tấn Phú, Nguyễn Bích, Choé, DZím, Đốp, Ớt, Đan, Võ An Lai, Ngô Đình Chương, Trần quyết Thắng, Trịnh Lập, Văn Nhân, Văn Thanh, Tín Nhượng, Phạm Trung Miên, Cò Lả, Đad, Sa Tế...ấy là không kể đến lực lượng vẽ biếm nghiệp dư, một lực lượng khá hùng hậu. Họ đã từng tự coi mình là những “cảnh sát” văn hoá với thời cuộc, để lên tiếng cảnh báo, và điều chỉnh hành vi sai trái pháp luật, đạo đức xã hội…

Tuy hoạt động của các cây biếm hoạ rất phong phú mang tính xã hội tích cực như vậy, song họ vẫn là một lực lượng bị phân tán đơn lẻ, rời rạc. Số triển lãm của các hoạ sĩ chuyên biếm hoạ có thể tính trên đầu ngón tay.

Bức "Đào đường" của họa sỹ LAP


Đáng kể đầu tiên phải nói đến cuộc trưng bày đầu tiên của hoạ sĩ Choé. Trong làng biếm hoạ ở TP HCM, đội ngũ biếm hoạ trước và sau năm 1975, hoạ sĩ Choé cùng với các biếm hoạ khác như Ớt, Nguyễn Tài, Nhím…đã tạo nên những tên tuổi độc đáo trong làng báo. Hoạ sĩ Choé được công nhận là cây biếm hoạ xuất sắc tầm cỡ quốc tế. Ông bị mất vì bệnh tật năm 2003. Nhưng mãi đến năm 2006, phòng tranh Tự Do đã cho ra mắt triển lãm 28 bức tranh hí hoạ, rất đặc sắc của ông về đề tài “Chân dung nghệ sĩ”. Chân dung các nhà văn, nhà văn, học giả, nghiên cứu Việt qua các tác phẩm biếm hoạ của Choé, người xem vừa thấy hài hước, đúng với chất của nhân vật, vừa gây nhiều cảm xúc đáng yêu.

Hai năm sau, hoạ sĩ Nguyễn Hữu Khoa tiếp nối dòng tranh hí hoạ chân dung nghệ sĩ cũng trình làng tại Hà Nội, với 43 tác phẩm. Đó là các hình tượng thú vị, dí dỏm của Văn Cao, Trần Tiến, Trần Đăng Khoa, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Tô Hoài, Mỹ Linh, Dương Trung Quốc, Thuý Nga, Thành Lộc, Diễm Quỳnh…Nguyễn Hữu Khoa chuyên vẽ biếm với hai bút danh Còm và Khoái. Anh là cộng tác viên thân thiết của báo Lao động trong chuyên mục “Hầu chuyện Víp”.

Tuy nhiên, hai triển lãm trên vẫn chỉ dừng lại ở dạng hý hoạ, bởi lẽ nó chỉ là một nhánh vui cười của dòng biếm hoạ nói chung. Phải đợi đến cuối năm 2009, người xem mới có dịp thưởng thức triển lãm biếm hoạ cá nhân đầu tiên ở nước ta, của hoạ sĩ Lý Trực Dũng, mang cái tên: “Để xem, để cười và để nghĩ”. Qua 70 tác phẩm tiêu biểu cho từng thời kỳ sáng tác trong suốt 30 năm, ông đã để lại một phong cách đậm chất dân gian, phê phán nhưng có sự chia sẻ chứ không vùi dập. Đúng như các cụ xưa nói là ông biết “chửi yêu”. Trong đó có bức biếm đầu tiên của hoạ sĩ mang tên “ Tài báo cáo” in trên báo Văn Nghệ, cách đây 30 năm. Hình ảnh một người trong đầu nghĩ một đằng, nhưng lại nói một nẻo, có một nói ba, đã gây dự luận tốt và được người đọc chú ý khen ngợi.

Hoạ sĩ Lý Trực Dũng còn cộng tác với nhiều báo cười trên thế giới và đã từng được giải thưởng về tranh biếm hoạ của Cuba, năm 1983 và Bỉ năm 1984. Tranh của ông khiến người xem không những cười mà còn trăn trở suy nghĩ đúng như ông mông muốn về sự cải thiện thói hư tật xấu của con người. Ông có quan niệm rất nhân ái khi phản biện xã hội, đó là cái cười quan trọng nhất là tự cười mình. Chính vì tự vận vào mình để lên án những khiếm khuyết của con người nên giọng tranh của ông cũng không quá đanh nọc. Ngay đến khuôn mặt người ông cũng lấy mình ra để hoạ. Một khuôn mặt có cái mũi hếch ưa nịnh và thích khen ngợi. Phải nói sau hình tượng Lý Toét, Xã Xệ điển hình một thời, giờ đây mới có “bản mặt” Lý Trực Dũng tạo nên một hình tượng thú vị cho thể loại biếm hoạ thời nay.

Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng qua nét vẽ của Chóe.


Sự lúng túng cần tháo gỡ

Có lẽ trước hết là đời sống của các họ sĩ chuyên nghành biếm hoạ. Họ khó sống bằng nghề đã đành, bởi lẽ nhuận bút quá bèo bọt, mà còn ít được quan tâm về tinh thần so với những đồng nghiệp mỹ thuật trong Hội. Thêm nữa, khoảng 500 tờ báo và tạp chí hiện nay luôn luôn cần tới họ, nhưng lại sử dụng các tác phẩm còn có nhiều tính minh hoạ hơn là chức năng đấu tranh, xây dựng, với tâm lý sợ đụng chạm. Thậm chí ngay diện tích in tranh biếm cũng không nhất quán, nói chung đều nhỏ, ở những vị trí gọi là cho có, nên khó phát huy tác dụng đả kích, phê phán. Chính ngay trong lĩnh vực thông tin đã làm các biếm hoạ chùn bước và chỉ dừng lại ở trực giác trong tranh là nụ cười, đôi khi nhạt nhẽo qua các nét vẽ diễn ý mà thôi. Hoạ sĩ Lý Trực Dũng đã phải chia sẻ:-“ Những hoạ sĩ biếm hoạ chưa tìm cho mình được ngôn ngữ riêng”

Ông còn rất tâm đắc rằng, bản chất của biếm hoạ là phê bình và tự phê bình để tự hoàn thiện mình hơn. Do đó tranh biếm hoạ nhiều khi không cần chữ viết bên cạnh mà cần phải tự cất lời một cách hài hước khi phê phán.

Hơn thế, hiện nay đội ngũ vẽ biếm được hình thành tự phát theo phong trào chứ không được đào tạo, tổ chức và được công nhận là những hoạ sĩ chính danh. Trường đại học Mỹ thuật chưa hề có khoa chuyên về biếm hoạ. Nhiều hoạ sĩ nổi tiếng trước đây như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Lập Ngôn…cũng đã từng nổi cơn hứng với tranh biếm rồi bỏ qua không vẽ nữa. Đến nay cũng vậy hầu hết các biếm hoạ chuyên nghiệp đều tự học hoặc mầy mò qua các tạp chí nước ngoài để nâng cao tay nghề.

Bên cạnh đó, các cuộc trưng bầy tranh thường niên của nhiều tác giả, chưa bao giờ chào đón tranh biếm hoạ như một loại hình đồng sáng tạo. Như ta biết ở các nước phát triển, tranh biếm hoạ phát triển ào ạt trở thành một vũ khí sắc bén phản ánh, đấu tranh về mâu thuẫn chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá…Họ đều có giải thưởng riêng của Hội Mỹ thuật cho tranh biếm hoạ hàng năm. Ở nước ta thì ngược lại, hàng chục năm qua triển lãm tranh biếm hoạ chỉ diễn ra lèo tèo, chả mấy ai quan tâm.

Tranh biếm họa của họa sỹ Lý Trực Dũng


Để biếm hoạ vẫn là vũ khí sắc bén

Mới đây do sáng kiến của báo Thể thao & Văn hoá, giải thưởng tranh biếm hoạ báo chí Việt , lần thứ hai, mang tên Cúp Rông Tre đã được nhiều hoạ sĩ tham gia. Ngay ở cuộc thi lần thứ nhất, năm 2008-2009 đã có tới 900 tác phẩm của gần 100 tác giả tham dự đã nói lên sự phấn khởi của các hoạ sĩ chuyên ngành vẽ biếm. Từ cuộc thi này đã xuất hiện những cái tên rất trẻ và xứng đáng như LAP, Trung Liêm, LEO, Hoàng Đặng, Văn Thánh, Vĩnh Hữu…cuộc thi này xem như một cú hích cho sự phát triển ngày một lớn mạnh cho giới biếm hoạ.

Năm mới giải biếm hoạ báo chí Việt Nam có chủ đề về “Văn minh giao thông”, thật sự tạo nên không khí thời sự cấp bách và càng có sức thu hút sự tham gia của đông đảo các hoạ sĩ trên toàn quốc và cũng tạo nên sự háo hức chờ đợi ở người xem. Giải thưởng sẽ được trao vào dịp chào mừng lễ hội đầu xuân năm 2010.

Những hoạt động trên, dù còn ít ỏi và mới mẻ với dòng tranh biếm hoạ, nhưng đây là một hình thức khích lệ cho người xem và đồng thời cũng là một dịp khơi dậy tính cộng đồng cao của giới hoạ sĩ trước sự đổi mới ngày càng lớn mạnh của nước ta. Bởi lẽ nếu coi mỗi tranh biếm hoạ có giá trị như một bài báo chống tiêu cực, thì các nhà tổ chức cần tổ chức nhiều kỳ trong năm với các chủ đề thời sự khác nhau, thay vì một năm mới tổ chức một lần, để phát huy vũ khí tinh thần sắc bén trong công cuộc đấu tranh đầy phức tạp, với những mặt trái của thị trường thời mở cửa đang ồ ạt xâm thực vào đời sống mới, như hiện nay.

                                                                                                            Theo HNMO






Các bài mới
Các bài đã đăng