Người biểu diễn có những quyền gì?
Theo Công ước Rome, Hiệp định Trips và Hiệp ước WPPT, người biểu diễn được hưởng các quyền về nhân thân đối với cuộc biểu diễn thính âm trực tiếp, cuộc biểu diễn đã được định hình trong bản ghi âm; được độc quyền cho phép phát sóng, truyền tải tới công chúng và định hình buổi biểu diễn trực tiếp của mình; được độc quyền đối với cuộc biểu diễn đã được định hình trong bản ghi âm của mình trong việc sao chép, phân phối, cho thuê và cung cấp tới công chúng. Ngoài ra, người biểu diễn còn được quyền hưởng thù lao hợp lý từ việc phát sóng truyền phát tới công chúng (Đây là quyền biểu diễn công cộng cho bản ghi âm. Tuy nhiên các nước ký kết có thể bỏ qua quyền này nếu họ muốn). Vì không bắt buộc nên trong khi nhiều quốc gia ở châu Âu thực hiện việc trả thù lao cho người biểu diễn khi sử dụng lại các bản ghi âm, ghi hình thì ở Mỹ các ca sĩ chỉ được hưởng thù lao một lần theo hợp đồng ký kết với nhà sản xuất, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn. Cảm thấy bất công, các ca sĩ ở Mỹ đã đấu tranh đòi quyền của mình. Theo đó, tại Mỹ đã có 2 dự luật được xây dựng đề cập việc các đơn vị phát sóng phải trả thù lao hợp lý cho các ca sĩ, nhưng cả hai dự luật đều chưa được Chính phủ Mỹ thông qua.
Tại VN, Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định quyền nhân thân, quyền tài sản, quyền khi bản ghi âm được sử dụng lại của người biểu diễn. Theo khái niệm, thì người biểu diễn được Luật bảo vệ bao gồm diễn viên sân khấu, điện ảnh, ca sĩ, nhạc công, vũ công... Hành lang pháp lý đã có nhưng người biểu diễn ở VN dường như vẫn chưa khẳng định được quyền của mình khi các tác phẩm ghi âm, ghi hình được sử dụng lại ở nhiều dạng thức khác nhau. NSND Đàm Liên cho biết, bà đã diễn khoảng 2.000 buổi trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội, trong đó có nhiều buổi diễn được thu âm, ghi hình và được phát nhiều lần trên sóng của đài truyền hình, đài phát thanh nhưng chưa bao giờ bà nhận được một khoản thù lao từ việc phát sóng những trích đoạn đó. Nguyên nhân của tình trạng “xài chùa” tác phẩm và phớt lờ việc chia lợi nhuận cho những người biểu diễn, theo lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả - nằm ở nhận thức không đúng, không đầy đủ về vai trò sở hữu trí tuệ của các đơn vị sử dụng tác phẩm. Mặt khác, do hiểu biết vấn đề không đầy đủ, không hệ thống, chưa tiếp cận vấn đề phức tạp nên các đơn vị sử dụng cố tình giải thích sai lệch, bất chấp đạo đức kinh doanh.
Những ai có hy vọng?
Trong số đối tượng là người biểu diễn, ca sĩ có nhiều hy vọng đòi quyền lợi hơn cả. Nhưng diễn viên điện ảnh, diễn viên sân khấu... cũng có cái lý của mình. Theo họ, khi diễn xuất theo kịch bản tức là họ đã sáng tạo và hình thức mà họ biểu diễn là định hình sáng tạo của riêng họ. Vậy thì họ cũng phải được bảo vệ quyền lợi như những tác giả đã sáng tác ra vở diễn đó trên giấy. Đáng tiếc là trong các văn bản pháp lý hiện hành chưa có văn bản nào đề cập cụ thể đến quyền của nhóm đối tượng này. Ngay tại cuộc hội thảo bàn về quyền của người biểu diễn, một số ý kiến cũng cho rằng một bộ phim, hoặc một vở sân khấu được sáng tạo nên là do công sức của một tập thể. Nếu bảo vệ quyền của diễn viên thì quyền của người làm âm thanh, ánh sáng, nhạc sĩ... sẽ thế nào (?). Về điều này, Samuel Shu Masuyama, Phó tổng thư ký Trung tâm Quản lý quyền của người biểu diễn, Hiệp hội Người biểu diễn Nhật Bản nói: “Bảo vệ quyền cho người biểu diễn ở lĩnh vực sân khấu, điện ảnh quả thật không đơn giản. Bởi tác phẩm sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình là sáng tạo của một tập thể với rất nhiều mối liên quan.
Trong khi đó, lĩnh vực ca nhạc đơn giản hơn nhiều. Mỗi năm chúng tôi đàm phán với các tổ chức ghi âm, phát sóng ở Nhật thu được hơn 5 tỉ yên. Số tiền này được phân phối cho những người biểu diễn. Ngoài ra, người biểu diễn ở Nhật còn được hưởng lợi từ các cửa hàng cho thuê băng đĩa. Điều này đã được thể hiện trong Luật. Theo đó, đối với các băng, đĩa mới, sau 1 năm phát hành các cửa hàng cho thuê mới được đưa vào hệ thống kinh doanh cho thuê (được sử dụng trong 49 năm) và phải trả thù lao hợp lý cho người biểu diễn. Sở dĩ Nhật Bản làm được điều này là nhờ vào các tổ chức quản lý quyền tập thể”.
Cũng theo ông Samuel Shu Masuyama, nếu các nghệ sĩ đàm phán với nhà sản xuất ngay từ đầu thông qua hợp đồng rằng họ sẽ được hưởng lợi nhuận từ việc phát sóng lại các tác phẩm... nhiều khả năng quyền của họ sẽ được đảm bảo.
Trong lúc ý thức bảo vệ quyền của người biểu diễn mới được “khai mở” tại VN thì việc ca sĩ Mỹ Tâm tiên phong đòi “tiền thù lao quyền liên quan” đối với các công ty viễn thông, mạng điện thoại di động và “thắng kiện” đã đem đến cho giới biểu diễn những tia hy vọng. Chỉ riêng ca khúc Nhớ do Công ty Biển Xanh (đơn vị khai thác nhạc chuông, nhạc chờ), Mỹ Tâm đã được trả 99 triệu đồng.
Cú “đột phá” mang tên Mỹ Tâm đang nhen nhóm trong nhiều ca sĩ kế hoạch đòi quyền liên quan đối với các đơn vị khai thác nhạc chuông, nhạc chờ, thậm chí tất cả các đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc khác. Cái lý để “đòi quyền” là một bài hát khi được thể hiện bởi ca sĩ đã là một lần sáng tạo lại. Nếu tác giả được hưởng thù lao tác quyền nhiều lần, sao ca sĩ lại không được?
Bằng kinh nghiệm của mình, ông Samuel Shu Masuyama cho rằng, một khi có nhiều đối tượng tham gia sáng tạo tác phẩm đòi quyền thì lợi nhuận từ việc kinh doanh tác phẩm sẽ phải chia năm xẻ bảy. Và tất nhiên, lợi nhuận mà các tác giả được hưởng lâu nay cũng sẽ bị “thâm hụt” vì phải chia cho người liên quan. Bởi, theo Luật, ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn có quyền ngăn chặn không cho phép các đơn vị sử dụng tác phẩm được phát sóng, truyền tải tới công chúng nếu họ không đạt được thỏa thuận trong đàm phán.
Theo VH
|