Văn nghệ trong nước
Ca trù chạy sô
08:40 | 02/03/2010
Phải đến nửa thế kỷ nay, các đình làng quanh vùng Hà Nội mới có nhóm ca trù đến hát thờ vào dịp hội. Hát thờ cửa đình bao gồm một số tiết mục độc đáo, mang đậm ý nghĩa tâm linh mà các canh hát thường không có.
Ca trù chạy sô


Các tiết mục hát thờ trong ca trù làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh ở đình làng. Ca trù Thăng Long trình diễn tại đình Giang Xá tối 24-2 - Ảnh: N.M.Hà

Nhiều đào nương trẻ (đang là sinh viên) của CLB Ca trù Thăng Long năm nay phải bớt thời gian nghỉ Tết vì sô đầu tiên của CLB là vào mùng 5 tại đình Khương Trung, Hà Nội. Tiếp đó là các đình Ngãi Cầu, La Phù và Giang Xá.

Biên chế cho một buổi diễn ở đình tinh giản nhất cũng phải đến chục người. Mỗi người tùy khả năng đảm nhiệm nhiều phần: hát, đàn, trống, múa… Một số tiết mục như trống rước (mở màn), và nhạc lễ (kết thúc) - tất cả các thành viên đều tham gia.

Tuần tự của một buổi hát thờ cửa đình: Trống rước, Tấu nhạc, Hát giai (đàn hát), Dâng hương (múa hát), Thét nhạc, Cung Bắc, Gửi thư, Dồn Đại Thạch (múa), Luồn vói, Hãm… gói gọn trong khoảng hai tiếng. Đêm hát ở đình thuở xưa kéo dài đến sáng.

Theo cụ Nguyễn Phú Đẹ, thường khoảng 4 - 5 giờ sáng mới đến múa Bỏ Bộ, trong đêm diễn còn có nhiều trò khác như rối cạn, thậm chí kép đàn còn diễn các trò cắn lưỡi cày, thổi lửa…

Theo thông lệ 5 năm một lần và nhân 1.000 năm Thăng Long, các hội làng ở Hà Nội đều làm lớn.

Văn nghệ tại các lễ hội xưa thường là quần chúng, cây nhà lá vườn. Bây giờ có điều kiện, các làng mời thêm cả sao (như Xuân Hinh, Thanh Ngoan…) cũng như các đoàn (chèo, tuồng, quan họ…) chuyên nghiệp.

Đặc biệt năm nay, với âm hưởng của danh hiệu vừa được UNESCO công nhận, ca trù cũng có mặt trong hội làng, với vị trí đặc biệt: hát thờ cửa đình.
 
Những tiết mục đậm văn hóa dân gian, tốn bao công sức phục dựng và tập dượt nhưng xem ra công xá chưa được bao nhiêu.

Chị Phạm Thị Huệ - chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long - không muốn đề cập vấn đề này, nhưng theo chúng tôi được biết, sộp lắm thì thù lao cho cả đoàn cũng chỉ bằng cat-xê cho một ca sĩ sao thuộc hàng trung bình đi hát hội nghị.

Cộng thêm cả tiền khán giả cho (qua hình thức ném thẻ trù), mỗi thành viên cũng được vài trăm ngàn đồng, sau khi đã trừ tiền xăng xe. Cả đoàn thường phải đi 15 - 20km để đến điểm diễn.

Ca trù Thăng Long bắt đầu phục dựng các tiết mục hát thờ cửa đình từ tháng 8-2008 với sự hướng dẫn của các sư phụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền hỗ trợ nhóm phục dựng phần nhạc lễ. Tới đây, CLB sẽ tiếp tục phục dựng múa Bài bông, hát Chúc hỗ (vốn dành cho vua)…

Đặc biệt, từ mùa xuân năm nay, Hát giai lần đầu tiên ra mắt. Đây là tiết mục hát hiếm hoi trong ca trù dành cho giọng nam và chỉ dùng để hát thờ với nội dung bố cáo trời đất, cầu chúc dân an vật thịnh. Người trình diễn phải đứng vừa đàn vừa hát. Đảm trách tiết mục này là anh Phạm Đình Hoằng - nguyên họa sĩ - theo học đàn đáy với cụ Nguyễn Phú Đẹ 5 năm nay.

Việc phục dựng hát thờ cửa đình của nhóm Ca trù Thăng Long về cơ bản đã thành công, và nhanh chóng được các đình làng đón nhận. Nhớ hồi trong năm, Ca trù Thăng Long nhiều lần phải chạy đôn đáo tìm địa điểm để diễn miễn phí tại các đình ở Hà Nội.

Nhưng không phải lúc nào thành tâm hát thờ cũng được tiếp ứng. Mùng 9 Tết, Ca trù Thăng Long được mời về làng Ngãi Cầu biểu diễn. Đây chính là quê hương của hai nghệ nhân lão thành hiếm hoi của Hà Nội hiện nay: Phó Thị Kim Đức và Nguyễn Thị Chúc.

Tham gia đêm hát tại đình, còn một nhóm ca nữa. Sau khi các nghi thức hát thờ mở đầu do Ca trù Thăng Long thực hiện tạm xong, BTC giới thiệu tiết mục của Ca trù Thăng Long, lại có người cũng của BTC giành lấy micro giới thiệu tiết mục của nhóm kia.

Bị tranh hát đến lần thứ hai, Ca trù Thăng Long đành ra về, vì cũng đã khuya. Có khán giả lên tiếng phản đối tại chỗ kiểu giới thiệu kỳ lạ của BTC.

Hoặc tại đình La Phù, trong khi Ca trù Thăng Long biểu diễn, ở đầu hồi của đình làng, một màn hình lớn điềm nhiên phát các hình ảnh lễ hội của làng với âm thanh sống động, không khỏi ảnh hưởng tới các tiết mục hát thờ.

Tất nhiên nhiệt tâm của Ca trù Thăng Long không suy xuyển. Theo đào nương Phạm Thị Huệ: "Các CLB Ca trù ở các địa phương nên phục dựng lối hát thờ cửa đình để giữ lấy nét đẹp truyền thống của dân tộc, cũng là một cách để cầu chúc sự hưng thịnh cho cộng đồng. Địa phương nào cần hỗ trợ, chúng tôi luôn sẵn lòng".

                                                                                                                     Theo TP







Các bài mới
Các bài đã đăng