Tổ quốc không bao giờ là nơi để bất cứ ai hận thù hay nguyền rủa cho dù ngay cả khi anh ta bị đày đọa trên chính tổ quốc mình. Nhưng đã có những con người lầm lạc và mù lòa ở chính nơi đó và trên chính con đường trở về nơi ấy. Chopin là hình ảnh vĩ đại về tình yêu tổ quốc và dân tộc Balan, với những gì đã làm với đứa con thiên tài của mình là hình ảnh kỳ vĩ về một dân tộc văn hóa. Âm nhạc đã làm cho Chopin không bao giờ chết. Dân tộc Balan đã làm cho Chopin không bao giờ chết. Ông chỉ nằm xuống nghỉ ngơi. Trái tim ông vẫn đập da diết, rền vang và lộng lẫy trong các giai điệu kỳ vỹ và trong tình yêu và lòng tôn kính của dân tộc mình. Với Balan và hầu hết các nước trên thế giới, họ luôn luôn lấy các danh nhân của đất nước để tôn vinh dân tộc mình. Việc tôn vinh các danh nhân và đưa các giá trị của tác phẩm của họ vào đời sống xã hội chính là một lần nữa làm ra tinh thần sống cho dân tộc đó. Ở Ai-len, nhân dịp tác phẩm Ulysses của nhà văn danh tiếng James Joyce tròn 100 năm ra đời, Chính phủ và các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật của Ai-len đã biến những ngày kỷ niệm đó thành một lễ hội tinh thần. Dọc dãy phố mà nhà văn đã sống và viết một phần Ulysses, những người tổ chức đã kê một dãy bàn từ đầu phố đến cuối phố dọn một bữa ăn sáng khổng lồ và nhiều ý nghĩa. Khoảng 4000 khách gồm những người sống, làm việc ở dãy phố đó và du khách nước ngoài được mời ăn bữa sáng mở đầu cho tuần lễ kỷ niệm sự ra đời của Ulysses. Trong những ngày đầy tính lễ hội như trên, vẻ đẹp và tư tưởng của các tác phẩm âm nhạc, văn học, hội họa hay kiến trúc của các danh nhân đã lan tỏa trong mọi ngóc nghách đời sống xã hội. Và những giá trị vĩnh hằng của những tác phẩm đó như những tấm gương sáng để mọi con người soi vào và nhận ra chân dung văn hóa và lẽ sống của cá nhân mình và cũng là của cả dân tộc mình. Viết đến đây, tôi lại tự hỏi: vì sao chúng ta lại không biết biến cuộc sống sáng tạo và tác phẩm của những thiên tài dân tộc chúng ta thành một tinh thần sống cho toàn xã hội. Cho đến bây giờ, chúng ta chưa làm được những điều mà các dân tộc khác đã làm đối với các danh nhân và những thiên tài của dân tộc họ. Trong khi đó, hàng năm, chúng ta tổ chức biết bao lễ hội, biết bao sự kiện văn hóa, biết bao nhiêu ngày kỷ niệm...nhưng những lễ hội ấy, những sự kiện văn hóa ấy và những kỷ niệm ấy vẫn quá nặng nề hình thức. Tất cả những hoạt động ấy chưa thực sự trở thành tinh thần sống của chúng ta.
Ngay mỗi khi xuân về, chúng ta "mừng" đủ thứ mà chẳng mấy khi thấy "mừng" dân tộc hay "mừng" một điều gì đó thuộc về văn hóa của dân tộc. Cho dù bạn có ghét tôi đến đâu thì bạn cũng phải thừa nhận điều tôi vừa nói. Trong mọi dâng hiến của con người, không có sự dâng hiến nào cao hơn sự dâng hiến cho dân tộc. Và trong ý nghĩa đời sống của con người, không có gì cao hơn những giá trị văn hóa. Nếu chúng ta không làm điều ấy là chúng ta đã đi ngược lại quy luật và giá trị vĩnh hằng của nhân loại. Tôi muốn lấy một ví dụ về Nguyễn Du, thi hào dân tộc và tác phẩm bất hủ Truyện Kiều của ông. Hàng năm, có lẽ chỉ có Hội nhà văn Việt hoặc là nơi quê hương ông có tổ chức một buổi kỷ niệm gì đó liên quan đến ông. Nhưng nếu có buổi kỷ niệm đó thì cũng là một sự kiện mờ nhạt với một cách làm mờ nhạt. Việc tổ chức như thế ở Việt có cũng như không. Nó không mang lại một ý nghĩa nào cho đời sống văn hóa của xã hội. Với những tác phẩm của thi hào Nguyễn Du và đặc biệt với Truyện Kiều bất hủ cùng với sự lan tỏa kỳ diệu của tác phẩm này trong đời sống con người Việt , chúng ta có thể có những tuần lễ hay một hình thức gì đó tương tự để kỷ niệm sự ra đời của Truyện Kiều. Người ta có thể công bố những nghiên cứu mới nhất về Nguyễn Du hay Truyện Kiều. Người ta có thể tổ chức thi nẩy Kiều, ngâm Kiều, bình Kiều, giảng Kiều, đọc Kiều, dịch kiều, triển lãm hội họa hoặc điêu khắc về Kiều, diễn Kiều và hàng chục các hình thức sinh hoạt khác liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Và hơn nữa, từ Truyện Kiều, con người Việt dù ở thời đại nào cũng nhận được những vẻ đẹp vô giá. Đó là vẻ đẹp của sự sáng tạo thể loại thơ truyền thống Việt, vẻ đẹp trong sáng và lộng lẫy của ngôn ngữ Việt, vẻ đẹp của tâm hồn Việt, vẻ đẹp của những nền tảng đạo đức Việt, vẻ đẹp của lòng nhân ái Việt và sự sâu thẳm của những minh triết Việt. Nhưng chúng ta đã không làm điều ấy. Hoặc có làm thì chúng ta cũng chỉ làm như chứng minh một thành tích hoặc làm một cách hời hợt. Vì chúng ta không có tiền chăng? Không đúng. Chúng ta đã tốn quá nhiều tiền để tổ chức quá nhiều những thứ thực sự chẳng có ý nghĩa gì với xã hội. Ví dụ như đóng biển " gia đình văn hóa " cho mọi nhà. Hoặc cách đây mới hai, ba năm thôi, người ta rầm rộ làm lễ cho hai thị xã của Hà Tây cũ là Hà Đông và Sơn Tây lên thành phố với tiệc tùng, quà cáp, khách khứa, truyền hình trực tiếp và đủ thứ khác nữa với số tiền chi ra tôi cam đoan không dưới dăm bảy tỷ đồng. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau đó hai thành phố đó bị " xoá sổ " hoàn toàn để hợp nhất thành một Hà Nội mới. Tôi cam chắc rằng: một chiến lược quá lớn như mở rộng Hà Nội không thể nẩy sinh và thực hiện chỉ trong mấy tháng sau đó. Bởi thế mà nhiều người xót xa rằng Hà Đông và Sơn Tây là hai thành phố chết trẻ nhất trên thế gian này. Họ biết vậy nhưng tại sao họ vẫn tổ chức một hoạt động lãng phí và phải nói là phù phiếm đến vậy? Hay là việc tôn vinh các danh nhân và những giá trị tinh thần của họ không được người ta nhận thức rõ tầm quan trọng mang tính văn hoá? Không đúng. Chúng ta đã nghe quá nhiều những phát biểu, những diễn văn nói về tầm quan trọng và sự sống còn của văn hóa đối với xã hội cho dù đó chỉ là những phát biểu, những diễn văn chung chung, mòn sáo. Vậy thì chuyện gì đang xẩy ra ở đây? Tôn vinh những danh nhân và những giá trị tinh thần từ những tác phẩm của các danh nhân đó không phải là tôn vinh cá nhân con người đó. Mà là tôn vinh những giá trị văn hoá lớn lao của một dân tộc, là mang giá trị văn hoá lớn lao ấy vào đời sống của toàn dân tộc. Bất kỳ dân tộc nào, cho dù đang phải sống trong nô lệ, trong đói rét, trong chiến tranh hay sống trong bóng tối của những chế độ tồi tệ thì cũng không bao giờ được để cho tinh thần văn hoá của dân tộc ấy được lụi tàn dù một ngày. Bởi chỉ có văn hoá mới làm nên nhân cách, làm nên trí tuệ, làm nên khát vọng, làm nên ý chí cho một dân tộc. Nếu không có những giá trị văn hoá lớn lao, dân tộc Việt đã không đi qua nổi những năm tháng bóng tối với đói khát, với nước mắt và máu trong lịch sử của mình. Khi chúng ta chống lại sự thịnh vượng của đất nước thì nghĩa là sẽ đẩy đất nước vào tăm tối, yếu hèn. Còn khi chúng ta lãng quên những giá trị văn hoá nghĩa là chúng ta đẩy dân tộc vào một đời sống phi nhân tính. Theo TuanVietnam.net |