Văn nghệ trong nước
Sáng tạo và trách nhiệm
09:24 | 11/03/2010
Quyền sáng tạo phải đi đôi với trách nhiệm xã hội là vấn đề đang đặt ra đối với nghệ sĩ hôm nay. Nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm để phục vụ công chúng thì phải có trách nhiệm trước xã hội đối với tác phẩm ấy
Sáng tạo và trách nhiệm
Cảnh trong phim Chơi vơi. Ảnh: C.T.V

Một cuộc hội thảo mang chủ đề Khuyến khích sáng tác và trách nhiệm nghệ sĩ được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức vào sáng qua (10-3), trước ngày Điện ảnh Việt Nam (15-3) là một việc làm có ý nghĩa. Chỉ tiếc, chủ đề này không được tập trung khai thác đến tận cùng và thiếu tiếng nói của những người đang trực tiếp làm phim. Mặc dù vậy, ngoài khuôn khổ của hội thảo, vấn đề này cũng rất được nhiều nghệ sĩ sáng tác quan tâm.

Sáng tạo đến đâu?

Vài năm gần đây, điện ảnh VN đã bắt đầu được chú ý nhiều hơn tại các liên hoan phim quốc tế thông qua những phim gửi đi dự giải và có nhiều phim đoạt giải, dù chính thức hay giải phụ, như Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi, Đừng đốt... Loại trừ yếu tố hiệu quả doanh thu phòng vé thấp khi trình chiếu ở thị trường trong nước, các phim này rất được đánh giá cao về mặt chuyên môn, trong đó có phim được xem là có cách thể hiện đầy mới mẻ, sáng tạo.

Trong 3 bộ phim kể trên duy chỉ có Đừng đốt là phim làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, hai phim còn lại được làm bằng vốn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là chính. Trong những năm gần đây, chính sách đầu tư của Nhà nước cho sáng tác và sản xuất phim không chỉ bó hẹp trong những phim đề tài truyền thống cách mạng mà còn mở ra cho những phim có đề tài khác...

Tuy vậy, sự tài trợ từ phía Nhà nước cũng chỉ giới hạn trong một số lượng phim nhất định với số tiền hạn chế cho mỗi phim chứ chưa đủ sức đầu tư mang tính khuyến khích sáng tạo đến cùng của nghệ sĩ. Ít ai biết đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn từng làm một việc chưa có tiền lệ là nộp đơn lên lãnh đạo Hãng phim Giải Phóng xin trả kịch bản Trăng nơi đáy giếng vì kinh phí cấp làm phim này quá thấp, rồi sau đó vì quá đam mê câu chuyện này, anh đã một mình sang Bỉ, Pháp tìm nguồn tài trợ. Cuối cùng Nguyễn Vinh Sơn đã nhận được 150.000 euro của quỹ Fonds Sud và 80.000 euro của quỹ Fonds Francophone để thực hiện phim này. Bùi Thạc Chuyên cũng thế, để làm Chơi vơi anh đã mất nhiều năm đi nhiều nơi, vận động nhiều nguồn để có được mức kinh phí nhiều hơn số tiền mà Hãng phim Truyện I cấp.

Tuy vậy, tiền vẫn chưa phải là trở ngại chính đối với nhu cầu và tư duy sáng tác của nghệ sĩ. Những kịch bản phim có nội dung khác lạ, ý tưởng táo bạo, mới mẻ hay mang tính đột phá về nhận thức, tư tưởng đều khó lọt vào “mắt xanh” của các cá nhân có quyền quyết định cấp kinh phí của Nhà nước cho làm hay không.

Đạo diễn Lê Hoàng trăn trở: “Nhà nước đầu tư kinh phí để làm nhiều phim lịch sử, truyền thống cách mạng cũng tốt thôi nhưng theo tôi, khán giả ngày nay vẫn thích những đề tài đương đại hơn. Tuy vậy, làm những phim đề tài đương đại có phần “gai góc” một tí là hơi khó vì chắc chắn sẽ đụng chạm”.

Gần đây, dòng phim đề tài lịch sử, cổ trang được đầu tư. Không ít những ý kiến tranh cãi trong các cuộc hội thảo, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các hội đồng thẩm định về tính chân thật cũng như biên độ sáng tạo, hư cấu cho phép của các nhân vật và sự kiện lịch sử ấy. Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng: “Phim lịch sử phục cổ thì dứt khoát từ bối cảnh đến trang phục phải tuân thủ đúng lịch sử, còn phim tiểu thuyết lịch sử thì không cần. Trang phục có sáng tạo thì cũng chỉ muốn làm đẹp cho người xưa trong phim thôi mà”.

Trong khi phim Nhà nước đầu tư thường bó hẹp đề tài thì phim tư nhân bỏ vốn lại là cơ hội cho các đạo diễn phát huy khả năng sáng tác của mình miễn là bộ phim ấy có khả năng đạt doanh thu cao. Nhiều nhà sản xuất tư nhân khuyến khích, tạo điều kiện cho đạo diễn sáng tạo và dám mạo hiểm trong những sáng tác mới mẻ của đạo diễn. Tuy nhiên, khi bỏ tiền tỉ ra làm phim, không ít nhà sản xuất tư nhân cho mình được quyền can thiệp vào tác phẩm và đôi khi sự nhúng tay của họ vô tình đã phá hỏng tác phẩm, thậm chí can thiệp thô bạo vào công việc sáng tác của nghệ sĩ - đạo diễn.

Trách nhiệm với xã hội

Quyền sáng tạo phải đi đôi với trách nhiệm xã hội là vấn đề đang đặt ra đối với nghệ sĩ hôm nay. Nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm để phục vụ công chúng thì phải có trách nhiệm trước xã hội đối với tác phẩm ấy. Làm phim mà chỉ nhằm phục vụ cho mục đích thu lợi nhuận của nhà sản xuất, không cần quan tâm đến giá trị nội dung của tác phẩm cũng không thể gọi là sáng tạo mang tính cá nhân. Ngược lại, có những sáng tạo mà nghệ sĩ chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu cá nhân họ hoặc một nhóm người cùng ý thích nào đó là không nên.

Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên là một tác phẩm mang đậm dấu ấn sáng tạo của cá nhân đạo diễn nhưng là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất về trách nhiệm của nghệ sĩ sáng tạo đối với đời sống xã hội. Công chúng yêu thích Bùi Thạc Chuyên qua Sống trong sợ hãi hơn một Bùi Thạc Chuyên qua Chơi vơi vì sau khi xem xong phim không hiểu đạo diễn muốn nói gì!

Bộ phim mang hơi hướng liêu trai Khi yêu đừng quay đầu lại cũng là một thể nghiệm của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh sau tiếng vang của Mùa len trâu. Nhưng những ý tưởng của Nguyễn Võ Nghiêm Minh trong Khi yêu đừng quay đầu lại không tìm được tiếng nói chung với khán giả, phim bị chê rời rạc, tâm lý nhân vật thiếu logic...

Theo nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: “Tôi tôn trọng việc nghệ sĩ thể nghiệm sáng tạo nhằm thỏa mãn bản thân nhưng với điều kiện làm phim bằng tiền túi của mình, còn khi làm phim bằng tiền Nhà nước thì không nên. Phim làm ra khi trình chiếu bị khán giả chê khó hiểu thì đạo diễn liền tuyên bố “không cần phải hiểu” là cách nói lấy được mà thôi”.

                                                                             Theo NLĐO







Các bài mới
Các bài đã đăng