Tuổi thiếu niên và những rung động đầu đời Nguyễn Bính vốn sinh ra ở làng Trạm, mẹ mất sớm nên được người anh của mẹ (gọi là bác, theo kiểu xưng hô của người miền Bắc) là cụ Bùi Trinh Nghiêm (thân sinh của nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn) nuôi nấng, dạy dỗ ở làng Vân Cát (tục gọi là làng Vân). Tuổi thiếu niên và những rung động đầu đời của Nguyễn Bính cũng diễn ra ở làng này. Hãy nghe chính nhà thơ nhớ về những xuyến xao ngày ấy (tư liệu này chúng tôi ghi theo tác giả Trần Văn Tư trong một bài viết đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay): “Làng Vân Cát của mình có hội Phủ Giày rất tuyệt. Từ bé mình đã mê những sắc màu xanh đỏ tím vàng của lễ hội tưng bừng, mê hát chầu văn, mê những buổi lên đồng của các con nhang đệ tử, mê quá nhiều khi quên cả về nhà. Có thể nói, màu sắc âm thanh của lễ hội Phủ Giày mãi về sau vẫn còn ám vào thơ mình, gợi lên cái hương vị đồng quê... Năm ấy, mình mười bốn tuổi, đầu tháng ba âm lịch về chơi hội, mưa cuối xuân bay phấp phới. Đang ngồi xem hầu bóng, chợt thấy một cô gái chắc cũng ang áng tuổi mình, mặc áo cánh sen, thắt lưng hoa lý, chít khăn vành nhung, thả chiếc đuôi gà sau gáy, dáng dong dỏng cao, bước đi thanh thoát, y như vừa bước ra từ một bức tranh tố nữ. Người đi bên cô áng chừng là mẹ, mặt phúc hậu, miệng luôn lẩm nhẩm tụng kinh. Mình vội đi theo cô ấy, ngắm mãi khuôn mặt trái xoan và làn da trắng hồng khiến mình ngơ ngẩn cả người. Suốt buổi ấy, mình cứ đi theo mẹ con cô gái, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn. Đôi khi chen sát vào cô ấy, chỉ mong cô ấy ghé mắt liếc mình một tí. Nhưng cô gái ấy tuy dịu dàng mà nghiêm trang quá, chỉ có một lần đuôi mắt của cô ấy khẽ chạm vào ánh nhìn của mình rồi vội vã quay đi... Phủ ở giữa, một bên là chùa, bên kia là đền, khách thập phương lũ lượt nối đuôi nhau, kẻ ra người vào. Khói hương nghi ngút nhưng mọi thứ lúc đó đối với mình đều như mơ hồ, chỉ có bóng cô gái là không khi nào rời khỏi đôi mắt của mình... Lễ hội diễn ra trong mười ngày. Mình theo riết cô ấy từ Phủ Giày (làng Vân Cát) sang Phủ Chính (làng Tiên Hương). Đến ngày thứ tư thì mình giúi được vào tay cô ấy mảnh giấy có ghi mấy câu thơ: “Em ở cõi trần hay cõi tiên?/Phủ đền nhang khói nức hương em/Xin đi chầm chậm cho theo với/Lộc thánh dâng người một trái tim”. Mắt cô ấy ngó lơ chỗ khác nhưng tay thì nhanh nhẹn nhận lấy mảnh giấy. Quả là “giai nhân thong thái tự nhiên thành” khiến mình thật hồi hộp rồi... sung sướng! Đến chiều ngày thứ năm, trong khi mẹ của cô đang để hết tâm trí vào một phiên hầu bóng thì cô lẻn bước ra bên ngoài. Mình bám theo bén gót. Chợt cô ấy dừng chân lại, nói bâng quơ: “Mai về Mỹ Trọng rồi!” (Mỹ Trọng là một làng ngoại thành Nam Định). Mình đánh bạo nắm lấy bàn tay của cô ấy nhưng cô rụt lại rồi quay nhanh vào chỗ hầu bóng. Một cảm xúc bồi hồi dâng lên trong lòng mình... Hôm sau mình theo mẹ con cô ấy về tận Mỹ Trọng. Nhà cô ấy ở gần chợ, cũng thuộc vào hạng khá giả ở đây. Qua dò hỏi, biết được gia đình này có năm người con, cô ấy thứ tư, chưa hề được đi học nhưng nhờ có người anh dạy chữ quốc ngữ cho nên cũng biết đọc, biết viết. Sau đó mình cố tình tạo ra những tình huống “tình cờ gặp gỡ” cô ấy mấy lần ở chợ, biết tên cô là Ngọc Lan, và rồi những bức thư ngăn ngắn được trao đổi vội vàng... Mỗi lần gặp Ngọc Lan xong, về nhà mình lại cắm đầu làm thơ, xao nhãng cả việc học hành, bị ông anh Trúc Đường mắng cho mấy trận nhưng vẫn không chừa... Khoảng ba tháng sau thì bố mẹ cô ấy chuyển chỗ ở, Ngọc Lan không kịp báo tin cho mình. Thế là “biệt vô âm tín” của giai nhân từ đó. Mình bị hụt hẫng, chao đảo suốt một thời gian dài... Những cảm xúc, rung động đầu đời của thuở 14, 15 tưởng như gió thoảng hương bay... Vậy mà cái màu áo cánh sen, cái thắt lưng hoa lý ấy cứ đeo đẳng hồn thơ. Từ ấy đến giờ, hễ cứ nghe thoang thoảng mùi hương khói, trong tiềm thức mình lại hiển hiện bóng dáng của cô thiếu nữ thơ ngây đi trẩy hội Phủ Giày năm ấy, lòng không khỏi bâng khuâng...”. Vì sao lại có tên Nguyễn Bính Thuyết? Tuy nhiên, trên bước đường giang hồ, phiêu bạt phía Nam có một chi tiết đã khiến nhiều người nhầm lẫn về tiểu sử của Nguyễn Bính. Đó là có nhiều tư liệu, bài viết kể cả sách giáo khoa ghi Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết. Bà Hồng Châu - vợ nhà thơ Nguyễn Bính kể lại rằng, hồi năm 1951, bà từ trong chiến khu đã bí mật vào công tác trong nội thành Sài Gòn, nhân đó bà có mua một số sách đem về bán (vợ chồng Nguyễn Bính có mở hiệu sách Nhân Dân tại xã Trí Phải, Cà Mau), trong đó có một cuốn sách viết về nhà thơ Nguyễn Bính, bà háo hức mua về tặng chồng. Vượt một quãng đường dài mấy trăm cây số, về tới nhà, việc đầu tiên của bà Hồng Châu là đem cuốn sách khoe với chồng. Nguyễn Bính cũng lộ vẻ vui mừng và cắm cúi đọc ngay. Một lát sau, khi bà Hồng Châu đang thu dọn hàng thì bỗng nghe tiếng xoạt xoạt. Nhìn ra thì... hỡi ôi, cuốn sách đã bị xé tan thành từng mảnh vụn, còn Nguyễn Bính thì mặt hầm hầm tức giận, ngồi bất động... Niềm vui chưa được trọn vẹn, thay vào đó là nỗi hụt hẫng, tủi buồn. Bà Hồng Châu vào buồng nằm ôm con khóc! Đến tối, khi cơn giận lắng xuống, Nguyễn Bính mới xin lỗi vợ và cho biết nguyên nhân cơn giận của mình. Số là, Nguyễn Bính vốn “đa tình”, đi đến đâu cũng “đa mang” những người đẹp, trong đó không thiếu những nàng tiểu thư khuê các. Tuy nhiên, đời thi sĩ vốn nghèo kiết xác. Những người đẹp chỉ yêu sự tài hoa của thi nhân, còn để “kết tóc se tơ” thì chẳng cô nào muốn dính vào một anh chàng tay trắng. Dẫu biết vậy, nhưng Nguyễn Bính vẫn ngầm tự hào về cái số đào hoa của mình. Có hôm, ông cao hứng nói với bạn bè: “Tao không muốn thì thôi, còn nếu muốn thì chỉ vài hôm là có xe hoa đến đón một nàng”. Ông bạn Thanh Bình bèn giễu: “Cậu là người “năng thuyết bất năng hành” (nói được mà làm không được). Từ nay, đặt tên cho cậu là Nguyễn Bính Thuyết!”. Từ đó, nếu có ai đùa dai, gọi trêu ông là Nguyễn Bính Thuyết thì Nguyễn Bính làm mặt giận, cho đó là một sự xúc phạm... Vậy mà chẳng hiểu do từ đâu, cái tên Nguyễn Bính Thuyết lại được nhiều ấn phẩm ghi vào phần tiểu sử của Nguyễn Bính một cách “đường đường, chính chính”. Nhân loạt bài này, chúng tôi xin mạo muội cải chính: Nguyễn Bính Thuyết không phải là tên thật của nhà thơ. Thật ra chính tên của ông là Nguyễn Trọng Bính, nhưng thôi hãy cứ gọi ông là Nguyễn Bính như ông đã từng ký tên dưới những bài thơ và như chúng ta vẫn trân trọng nhắc đến tên ông suốt 70 năm qua... Theo Hà Đình Nguyên - TN |