Vội vã ra đi Dưới đây, chúng tôi xin dẫn theo nhà văn Vũ Bão, người bạn thân thiết với Nguyễn Bính ở Ty Văn hóa Hà Nam. Sau khi tờ Trăm hoa do Nguyễn Bính thực hiện ở Hà Nội đình bản, Nguyễn Bính bị “thất sủng”, trôi dạt về quê Hà Nam. Ở đây ông chơi thân với nhà văn Vũ Bão. Vũ Bão kể: “Khi làm báo Hà Nam, tôi và Nguyễn Bính có một người bạn chung tên là Đỗ Văn Hứa, người thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh này làm nghề bốc thuốc Đông y nhưng cũng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Tân Thanh. Đặc biệt, anh rất yêu thích thơ Nguyễn Bính nên mỗi lần về Ty Văn hóa Hà Nam họp, Tân Thanh lại khẩn khoản mời Nguyễn Bính về nhà mình chơi. Được cái cô Sang - vợ Tân Thanh - là người rất mến khách, mỗi lần chúng tôi về nhà là cô tiếp đón niềm nở, cố lo cho được bữa cơm để chồng tiếp đãi mấy ông anh văn nghệ chứ không hề có một thái độ, cử chỉ tỏ ra phiền hà. Khi Nguyễn Bính được Ty Văn hóa Hà Nam phân phối một chiếc xe đạp, ông bòn mót mãi cũng chưa đủ nửa số tiền, vợ chồng Tân Thanh đã sốt sắng góp giúp khoản tiền còn lại. Có xe đạp, chỉ cần khoảng nửa tiếng là Nguyễn Bính đã có thể về thăm vợ con (bà Lai - NV) đang sơ tán ở Đại Hoàng. Nhưng bản tính của Nguyễn Bính là thích có bạn tâm sự, cho nên dạo làm ở Ty Văn hóa, cứ hết giờ hành chánh là Nguyễn Bính đạp xe về thôn Mạc Hạ chơi với vợ chồng Tân Thanh. Đối với tôi, vợ chồng Tân Thanh cũng sẵn sàng cho vay tiền mua nhà. Nguyễn Bính thường hay nói với vợ chồng Tân Thanh: “Tôi đến với hai cô chú là vì cái tình. Tôi coi Hứa (Tân Thanh) như thằng em ruột tôi, coi cô như là em dâu nên tôi mới về đây”. Người ta đồn thổi Nguyễn Bính ưa về Mạc Hạ là vì... có Tân Thanh cung phụng rượu chè! Thực ra, Tân Thanh không biết uống rượu. Mỗi lần về Mạc Hạ, hai anh em chuyện trò cho đến tận khuya mới đi ngủ... Tết Bính Ngọ 1966 - Tết thời chiến nên tòa soạn báo dành cho tôi một chế độ riêng: Ba ngày Tết, tôi xuống các đại đội pháo cao xạ ăn Tết với lính, tòa soạn coi đó là 3 ngày đi công tác. Mùng 4 Tết tôi mới được nghỉ, đạp xe đi thăm đây đó... 10 giờ ngày mùng 4 Tết, tôi tới nhà Tân Thanh ở Mạc Hạ. Vừa nhìn thấy tôi dắt xe đạp vào trong sân, cô Sang đã nói ngay: “Bác Vũ ơi, bác Bính mất rồi!”. Tôi đứng sững lại: “Ai nói với cô?”. Cô Sang nói tiếp: “Tuần trước, bác ấy đạp xe về nhà em. Trời trở gió, vừa vào tới nhà, bác ấy đã bảo nhà em đưa bác đi bệnh viện. Thời may, bệnh viện huyện lại sơ tán ngay xã em. Bác ấy bị thổ ra máu. Nằm ở bệnh viện huyện 3 ngày, sức khỏe hơi đỡ, lại về nhà em lấy xe đạp tính về Đại Hoàng ăn tết với vợ con. Hôm ấy đã là 29 Tết rồi.
Thấy bác còn mệt, chúng em sợ bác không đủ sức về tận Đại Hoàng nên cố giữ bác lại ăn Tết cùng chúng em... Sáng sớm 30 (*), nhà em tính sang chỗ hàng xóm chia thịt lợn mang về cái đùi và một ít lòng, tiết canh để hai anh em ăn cơm. Bác Bính bảo nhà em cứ ở nhà ăn với bác bát cơm cái đã. Nể bác, nhà em ngồi nán lại ăn cơm. Bác Bính có thói quen ăn xong là đi rửa tay. Bác vắt khăn lên vai, lò dò bước xuống cầu ao. Bỗng chúng em nghe tiếng bác gọi “Tân Thanh!”. Nhà em chạy vội ra sân, thấy bác Bính đang gục xuống bên gốc mít, cạnh hố vôi. Nhà em xốc bác lên, tựa người bác vào ngực mình. Miệng bác đầy máu, bác thổ ra huyết. Nhà em chạy đi gọi anh Huê và anh Đáp, nhờ họ cáng bác lên bệnh viện gấp. Y sĩ khám cho bác ấy xong mới cho nhà em biết bác ấy mất rồi. Nhà em ra bưu điện huyện gọi điện báo tin cho bác Trúc Đường và Ty Văn hóa... Em phải qua chỗ chia thịt lợn với hàng xóm. Cầm suất thịt về em càng thương bác Bính, bác đã đi rồi, ba mươi Tết, bác đã nhìn thấy miếng thịt nào đâu, đã ăn được miếng dồi, miếng tiết nào đâu mà bác đã vội vã ra đi...”. Điềm báo Trong cuốn Giai thoại Nguyễn Bính, nhà văn Vũ Nam kể: “Cuối năm 1965, nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 200 ngày sinh Nguyễn Du - người mà Nguyễn Bính vốn coi như “tổ sư” của mình trong lĩnh vực làm thơ (Nguyễn Bính chẳng phục nhà thơ nào, chỉ trừ... Nguyễn Du!), báo Xuân năm Bính Ngọ ra số đặc biệt với nhiều bài vở về Nguyễn Du (1966). Hôm duyệt bài báo Tết, Nguyễn Bính cười thật tươi, tay cầm một xấp giấy mỏng, khoe: “Chỉ trong một đêm, tôi đã viết được một bài tập Kiều, vịnh cụ Tiên Điền”. Nguyễn Bính không cho ai xem mà chờ cho đến lúc đông đủ anh em mới trịnh trọng giở những trang giấy được viết thật công phu, chữ đẹp như xếp, rồi hắng giọng ngân nga: “KÍNH TẶNG CỤ NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU: Cảo thơm lần giở trước đèn/Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa/Trăm năm trong cõi người ta/Một thiên tuyệt bút gọi là để sau/Khen tài nhả ngọc phun châu/Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình/Mấy lời ký chú đinh ninh/Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương/Khen rằng đáng giá Thịnh Đường/Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai/Gẫm câu người ấy, báu này/Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào/Nặng vì chút nghĩa xưa sau/Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay/Thương vui cũng tại lòng này/Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời/Lòng thơ lai láng bồi hồi/Tưởng người nên lại thấy người về đây”. Cả hội đồng duyệt bài số báo Tết hôm ấy, ai cũng lặng người. Bài tập Kiều tuy là để tặng cụ Tiên Điền nhưng nghe sao như tâm sự của Nguyễn Bính đang muốn... tổng kết đời thơ của mình, để lại chút gì cho ngày sau. Ai cũng bảo tập Kiều này nghe như “có điềm báo trước”. Nguyễn Bính cười trừ: “Các ông mê tín! Cứ hay là được rồi. Tôi xin nộp bài này. Một câu một chữ không sửa!”. Còn nhà văn Chu Lai thuật lại: “Mùng sáu tháng giêng ta, tôi lên Hội Nhà văn thông báo về việc anh Bính mất. Gặp Tô Hoài, cùng ngậm ngùi nói chuyện về người bạn mới mất. Sau đó, tôi tìm đến nhà Trần Lê Văn. Nghe tin Bính mất, Trần Lê Văn tròn xoe mắt kinh ngạc: “Bính chết thật ư? Bao giờ?”. “Ba mươi Tết, trước giao thừa”(**). Trần Lê Văn bỗng xịu mặt, đấm vào đùi bình bịch: “Biết mà! Biết mà! Chết trước mồng một, đã lường thấy từ bao giờ”. Tôi gặng hỏi: “Sao anh lại nói vậy?”. Trần Lê Văn nói như gắt: “Ô kìa! Năm mới tháng giêng mồng một Tết. Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”, rồi “... Giờ đây chín vạn bông hoa nở/Riêng có tình ta khép lại thôi” (***). Nó để mùa xuân nguyên vẹn cho người. Nó đi mà”. Tôi sực nhớ bài tập Kiều Lời lời lệ sa máu rỏ đăng trân trọng trong số báo Tết. Ôi, thương quá! Chẳng lẽ trong thơ có quỷ, có ma thật chăng?!”... Theo Hà Đình Nguyên - TN |