Thời Còn chút gì để nhớ... Tôi quen biết Vũ Hữu Định năm 1970 qua hai người bạn là họa sĩ Hoàng Ân và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh (sau năm 1975 đổi thành Phạm Ngọc Cảnh Nam). Vũ Hữu Định lớn hơn tôi 10 tuổi, nhưng khi đã quen thân thì chúng tôi gọi nhau mày tao hồi nào chẳng biết. Khi đó tôi đang học lớp đệ nhị, còn Định đang là lính “xây dựng nông thôn” làm việc trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, Đà Nẵng) và còn ký tên Hàn Giang Tử trên những bài thơ. Trước đó, nghe nói anh trốn lính và giang hồ tận các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm... Khi tôi vào học ở Sài Gòn thì Định về ăn ở chung tại nhiều chỗ trọ khác nhau của chúng tôi. Khi thì ở đường Cô Giang, lúc khác đổi lên Trương Minh Giảng rồi Lê Văn Duyệt. Lâu lâu anh lại đi biệt tăm mấy ngày. Khi về cầm theo tờ tuần báo Khởi Hành của nhà văn Viên Linh có đăng bài thơ Còn chút gì để nhớ. Đó là một trong những bài thơ đầu tiên anh ký Vũ Hữu Định và sau này trở nên nổi tiếng khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Lần khác anh về lại khoe từ tiền của Phạm Duy trả tác quyền, anh đã nhờ Phạm Chu Sa làm được giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh (sau mới biết là giấy giả!). Có giấy tờ, anh xin được việc ở nhật báo Quật Cường, viết tin cho trang văn nghệ. Nhưng ngoài một bài ngắn viết nhân ngày giỗ nhà văn Đỗ Tốn ra, tôi không thấy anh viết gì. Một thời gian ngắn sau đó, có lẽ chỉ trước hôm ký Hiệp định Paris (27.1.1973) mấy ngày, Vũ Hữu Định và Phạm Chu Sa phải bỏ trốn vì như anh nói, cái giấy hoãn dịch gia cảnh kia là giấy giả bị an ninh phát hiện. Lúc này, chúng tôi vừa dọn về căn phòng thuê trên đường Lê Văn Duyệt do Định giới thiệu vì Võ Chân Cửu vừa dọn đi, mà anh lại quen với chủ nhà... Tết năm 1973, do bị lùng bắt, anh trốn về Đà Nẵng bằng đường bộ và bị quân giải phóng giữ lại mấy ngày để tuyên truyền cách mạng ở khu vực đèo Bình Đê, thuộc huyện Tam Quan, Bình Định... “Ra đi” trong tâm thức “trở về” Chính giai đoạn gần hai năm ở Sài Gòn này, Vũ Hữu Định viết rất lên tay. Tuần nào anh cũng có bài, có khi là cả một chùm thơ, đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa, Chính Văn, Thời Tập... Nhiều câu thơ hay của anh bây giờ tôi vẫn nhớ, như: “Giang hồ đâu có ai phong ấn/mà nghĩ từ quan trở lại quê” hoặc: “Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý/gác chân nhau nói chuyện biển dâu/ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu/gối chai không mà thương nhớ nhau”. Tuy tuổi tác cách biệt, nhưng Định chơi rất hòa đồng với anh em. Tối nào anh cũng bày trò cười đùa, nghịch ngợm rất khuya. Tôi viết được cái gì cũng đưa anh đọc và càng hưng phấn vì Định luôn khen ngợi, động viên. Hình như anh chưa bao giờ nói xấu ai, kể cả lúc bù khú rượu chè những năm sau này. Định luôn nhìn thấy cái đẹp ở mọi nơi và chỉ cho người khác cùng nhìn... Những năm sau giải phóng tôi về lại Đà Nẵng và nhóm chúng tôi gồm Định, Đoàn Huy Giao, Phạm Phú Hải, Hồ Đắc Ngọc, Hoàng Đặng và sau này là Thái Bá Lợi... hầu như ngày nào cũng gặp nhau đến... ba buổi. Sáng cà phê, trưa ăn cơm chợ Hàn, tối uống rượu. Lúc có tiền hay lúc không đồng dính túi, Định vẫn sống thản nhiên. Thôi nôi con trai tôi, Vũ Hữu Định cũng tự tay đi mua gà về luộc và xé bóp cho... bữa nhậu sau đó. Bữa nhậu đó còn có Đoàn Huy Giao và Đông Trình, và thầy giáo Xuân cận. Cuộc gặp đó không vui và dừng lại nửa chừng vì thầy giáo Xuân gây sự. Tôi chở Định về nhà. Không ngờ đó là lần sau cùng chúng tôi gặp nhau. Bởi hai mươi ngày sau, Định đã ra đi mãi mãi ở tuổi 40. Gần 30 năm sau ngày Định mất, vợ tôi tìm thấy trong mớ hỗn độn bản thảo ở nhà tôi có một bài thơ của anh viết bằng bút bi màu đỏ. Bài thơ không đề, không ghi ngày tháng, chỉ có 6 câu, hình như anh viết sau một giấc ngủ trưa ở nhà tôi hồi đó. Chung quanh có nhiều chữ ký và hoa lá. Lời thơ đầy tâm sự của một người đang hoang mang trước cuộc sống, vì lúc đó anh vừa trải qua những ngày buồn trong quan hệ tình cảm và bạn bè: Bờ chiều sắc cỏ sông xanh Mây bay anh đứng lại nhìn mây bay Nỗi niềm vui với đắng cay Theo sông nước chảy theo ngày phù du Lang thang về cõi ao tù Lạ quen ai đó nghìn thu nhớ gì!
Ba mươi năm kể từ ngày Định nằm xuống. Thời gian trôi im như nước chảy. Vũ Hữu Định đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng gian nan và đầy khao khát. Ở anh, dù có cuộc sống rất giang hồ nhưng lại một mực yêu thương vợ con. Tôi từng chứng kiến những bữa cơm đạm bạc do tự tay anh sửa soạn cho các con anh, luôn ân cần và chu đáo cho dù trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Thường, sau những cuộc uống say nhừ tử, Định lại có thói quen phải về nhà với vợ con. Lần cuối cùng, Định đã “ra đi” trong tâm thức “trở về” đó, khi bước hẫng từ một sàn bê tông không lan can, cao bốn mét và rơi xuống đất. Theo Trương Điện Thắng - TN |