Văn nghệ trong nước
Nhà văn Italia Alessandro Baricco: Nghiệp văn là nghiệp dành cho số ít
08:25 | 24/03/2010
Chiều 23.3, tại hội quán Sáng Tạo - 36 Điện Biên Phủ (Hà Nội), báo chí và độc giả VN đã có dịp gặp và trò chuyện với nhà văn đến từ Italia Alessandro Baricco.
Nhà văn Italia Alessandro Baricco: Nghiệp văn là nghiệp dành cho số ít
Alessandro Baricco

Trong buổi gặp gỡ thú vị này, Alessandro Baricco đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của bạn đọc quanh những tiểu thuyết nổi tiếng của ông như: "Lâu đài nổi giận"; "Đại dương biển" (1993) và đáng chú ý nhất là tiểu thuyết "Lụa" (1996). Hai tác phẩm sau đã được dịch sang tiếng Việt.

Thưa ông, trong tiểu thuyết “Lụa”, độc giả thấy có rất nhiều chi tiết mang đậm nét phương Đông và đất nước Nhật Bản. Phong cách viết phương Đông ấy, ông khai thác ở đâu?

- Khi đặt bút viết “Lụa”, tôi đã muốn viết về một thế giới khác. Nhật Bản và những câu chuyện phương Đông được những người phương Tây ở thế kỷ 18 coi là nơi “tận cùng của thế giới”. Tôi đã đọc được ở những sách báo, tranh ảnh của những người phương Tây viết về Nhật Bản.

Các bạn có tin không, tôi chưa từng đến Nhật Bản cho đến khi viết xong “Lụa”. Và thật may mắn là người đọc cũng không quá khắt khe khi những chi tiết về Nhật Bản của tôi có khác chút ít so với thực tế. Tôi có thể viết theo nhiều phong cách khác nhau và tôi luôn tìm ra phong cách để phù hợp với mỗi cốt truyện.

Khi viết thì ông thích tác phẩm của mình là một best-seller hơn hay được nhận những phản hồi tốt từ phía những nhà phê bình hơn, thưa ông?

- Đương nhiên là cả hai, nhưng chắc chắn là sẽ rất khó để đạt được cả hai rồi. Nhưng nếu phải chọn giữa độc giả và những nhà phê bình, tôi sẽ chọn độc giả. Không phải vì tôi kiếm được nhiều tiền từ họ, mà là tôi cảm thấy dễ chịu khi đối diện với độc giả hơn là những nhà phê bình.

Được biết ông đã là thành viên sáng lập và đang giảng dạy tại trường viết văn của Italia năm 1993. Vậy ông nghĩ như thế nào về việc dạy viết văn hiện nay, khi một số ý kiến cho rằng điều đó là không cần thiết?

- Trường mà bạn đang nói đến là Trường Scuola Holden. Ở trường học đó, chúng tôi dạy cho các học viên biết cách kể chuyện. Họ đang làm ở nhiều ngành nghề khác nhau như quảng cáo, truyền hình, làm phim... thì cái cốt lõi là phải biết cách kể chuyện. Trường chúng tôi còn dạy cho họ nhận thức, cho họ thêm sức mạnh, phá bỏ sự cô đơn ở mỗi con người, để có thể chuyển những vốn sống của mình thành những câu chuyện khác nhau.

Một trường dạy viết văn không phải là không thể thiếu, nhưng sẽ là rất có ích. Và thực tế, hơn 15 năm qua, chúng tôi đã quan sát được những học viên sau khi ra trường họ đang làm gì và đã làm được những gì, thì thấy rất khả quan.

Nhân nói đến sự phá bỏ cô đơn ở mỗi cá nhân, ông có nhận thấy là trong mỗi người viết thì thường có hai thế giới chia cắt khá rõ là thế giới của nội tâm và thế giới của cuộc sống hiện tại với nhiều lo lắng, bộn bề. Ông nghĩ như thế nào về hai điều này và với cá nhân ông, ông sẽ chọn sống trong thế giới nào?

- Khi tôi bắt đầu viết, tôi đã có một thời gian làm quảng cáo trước đó. Tôi nhận ra rằng quảng cáo không phải là nghề của tôi và tôi thất vọng. Mỗi buổi tối sau khi đi làm về thì tôi ngồi và viết ra những cáu kỉnh và giận dữ của mình. Và điều đó cũng có mặt trong tên cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi là “Lâu đài nổi giận”.

Bây giờ thì bên cạnh viết văn, tôi cũng làm trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình... Ở đó có những mối quan hệ rất khác nhau. Nhưng bạn không thể so sánh nó với những  mối quan hệ trong suy nghĩ của nội tâm bạn. Khi viết một cuốn sách, bạn có thể “cô đơn” trong vài năm, khi tôi viết, cũng không ai biết được tôi đang làm cái gì, đó là lúc tôi sống với những cảm xúc điên rồ!

Như vậy, đối với một người viết, khi cho ra đời một tác phẩm là một sự nỗ lực rất lớn, cần phải có đam mê, sự tự tin và kỳ vọng rất lớn. Nghiệp văn, theo tôi là một nghiệp dành cho số ít. Tất nhiên, không phải cho những người giỏi nhất, mà là những người đam mê nhất, tự tin nhất.

Alessandro Baricco sinh năm 1958 tại Turin – Italia, là một tác giả đáng chú ý của văn học Italia đương đại. Ngoài viết tiểu thuyết, ông còn soạn nhạc làm phim và viết phê bình. Tiểu thuyết “Lụa” được Alessandro Baricco viết năm 1993 và ngay sau đó trở thành một cuốn sách chinh phục hàng triệu độc giả Châu Âu.

Lụa” là một bài thơ được viết bằng văn xuôi. Đó là một bài thơ của tình yêu kỳ diệu,  cháy bỏng mà mong manh, say đắm mà hư vô, bí hiểm. Ở “Lụa”, giá trị của hạnh phúc là cái mà vượt qua sóng gió người ta mới biết quý trọng nó... Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim cùng tên do đạo diễn nổi tiếng Francois Girard thực hiện.

Theo Thái Anh - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng