Mọi người đều biết, Lý Biên Cương lâm bệnh nặng từ lâu. Và biết, càng vô cùng thương cảm. Cuộc đời Lý Biên Cương là nghiệp dĩ của kẻ làm vườn, chỉ buông cuốc khi đã tàn hơi, không còn đủ sức đứng lên nữa.
70 năm, với gần 40 đầu sách - gia tài của Lý Biên Cương được xếp vào loại “phong lưu” không chỉ trong giới văn chương của riêng vùng mỏ Quảng Ninh. Lý Biên Cương từng trải nghiệm mình qua khá nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thơ, kịch bản phim... Nhưng cái cuối cùng đọng lại, cái mà người đời không thể không nhắc đến ông - đó là truyện ngắn - một phong cách nửa hào hoa, nửa dung dị, nhưng tinh tế, sâu lắng và đặc biệt, nó mang đậm sắc thái của một miền đất thợ thuyền nghiệt ngã và mơ mộng không thể trộn lẫn.
Khác hẳn nhiều cây bút truyện ngắn cùng thời, bút pháp Lý Biên Cương luôn điềm đạm và đôn hậu. Các nhân vật của ông dù đứng ở tuyến nào, hoàn cảnh u tối nào, vẫn được dành những “khoảng không” để hướng về ánh sáng. Lược bỏ sự “làm duyên” (đôi khi) - Lý Biên Cương vẫn là cây bút truyện ngắn có đẳng cấp.
Ở đây, không thể không nhắc tới truyện ngắn “Đêm ấy vùng than ai thức”. Một câu chuyện như không có gì để kể về hai con người trẻ tuổi bẽn lẽn yêu thương; lặng lẽ làm lụng và trụ lại giữa một thị xã bị bom thù tàn phá kiệt quệ. Họ sống xả thân và bình thản như không cần ai biết đến. Đó là những trang viết tài hoa, chân xác đến rớm máu mà nếu nhà văn chỉ đứng bên lề cuộc sống như một kẻ làm khách chắc chắn không thể nào đạt tới.
Tuy nhiên, Lý Biên Cương không chỉ bó hẹp cương vực ngòi bút trong phạm vi một vùng đất. Trong một bức thư gửi đồng nghiệp, ông tự bạch: “Thật ra trong cuộc đời sáng tác nửa thế kỷ của tôi, không chỉ viết mỗi về than. Tôi vốn người làm báo, đi đây đi đó, tích lũy và viết về nhiều vùng đất, nhiều loại người, phần lớn viết thành truyện ngắn".
Đi Điện Biên, tôi viết “Cháy một triền hoa ban Nậm Lay”; đi Lào Cai tôi viết “Sa Pa góc khuất”; lên Cao Bằng có “Dã quỳ”; tới Lạng Sơn ghi “Đồng Đăng có phố Kỳ... lạ”; ra Móng Cái có “Sâm cầm ơi sâm cầm”; đến Tuyên Quang có “Ngược Tuyên”; Thái Nguyên có “Vườn hoang”; Hải Phòng có “Mười hai cửa bể”; về Hải Dương quê nhà có “Trăng khuyết”, “Thu cảm”; vào Nam có: “Sữa thơm dòng Hương giang”; “Nhớ rét”; “Cà Mau mưa”... Đó chính là ân tình của nhà văn đối với những miền đất ông đã đi qua.
Nhưng dường như thành công trong văn chương bao nhiêu, được người đời yêu mến bao nhiêu thì số phận Lý Biên Cương càng hiu quạnh bấy nhiêu. Cuộc đời ông là cả một chuỗi dài bi kịch. Cho tới tận phút tàn hơi, nhà văn vẫn là một kẻ độc hành. Bên ông chưa bao giờ có bóng dáng của một người bạn đời đúng như tâm nguyện.
Nhà văn Tạ Kim Hùng - một đồng nghiệp từng gắn bó nhiều năm với Lý Biên Cương - nhận xét: “Lý Biên Cương sống với đồng nghiệp rất tận tụy và chân thành. Đặc biệt là việc chăm sóc bản thảo mỗi khi được bạn bè gửi gắm. Anh từng chữa tiểu thuyết đầu tay cho tôi. Chỗ nào chưa ưng ý, có khi mấy tuần sau giở lại bàn”.
Hội Nhà văn VN cho biết: 9h ngày 25.3, cuộc đưa tiễn nhà văn Lý Biên Cương được cử hành tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở Hà Nội và sau đó, thi hài ông sẽ được đưa về an táng tại quê nhà.
Vậy là vĩnh biệt một con người. Nhưng với Lý Biên Cương, một nhà văn “từng đổ mồ hôi, sôi giọt máu” với cộng đồng vùng mỏ, cũng như đồng nghiệp và bao người yêu mến ông, có lẽ đây chỉ là một chuyến đi dài như mọi chuyến đi.