Văn nghệ trong nước
Giải thưởng âm nhạc Việt ngày càng “mất thiêng”!
09:35 | 06/04/2010
Dù có tới trên dưới chục giải thưởng lớn dành riêng cho nhạc nhẹ VN, nhưng phần lớn các giải đang mất dần thương hiệu bởi ngày càng khó kiếm những ngôi sao ca nhạc thực thụ để trao.
Giải thưởng âm nhạc Việt ngày càng “mất thiêng”!
Nhiều nghệ sĩ có tên tuổi đã xin rút tên khỏi đề cử giải vì mất niềm tin ở các giải thư

Nghệ sỹ thi nhau rút tên đề cử giải thưởng!

Bắt đầu từ scandal Đan Trường - ca sỹ ruột của Làn sóng xanh và Mai Vàng - cùng lúc xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử của cả hai giải thưởng này vào năm 2006, tiếp sau đó là những cái thư từ chối được đề cử của Phương Thanh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương…, chuyện các ca sỹ xin rút tên đã trở nên phổ biến và quen thuộc.

Thậm chí, cứ đến mỗi kỳ trao giải của các Giải thưởng âm nhạc, báo chí và công chúng lại chỉ quan tâm xem ai sẽ rút tên mà không còn để ý ai được đề cử.

Sự vắng mặt dần đi của những tên tuổi có uy tín trong làng nhạc Việt khiến cho nhiều giải thưởng đã không còn giá trị như ban đầu.

Làn sóng xanh của Đài Tiếng nói Tp.HCM là một thất vọng điển hình của người yêu nhạc. Ra đời từ năm 1997, Làn sóng xanh nhanh chóng khẳng định vị thế của một giải thưởng âm nhạc lớn, có uy tín và danh giá số 1. Những ca khúc, ca sỹ, nhạc sỹ lọt vào bảng xếp hạng hàng tháng của Làn sóng xanh đồng nghĩa với việc ca khúc đó, ca sỹ đó, nhạc sỹ đó sẽ trở nên nổi tiếng.

Tuy nhiên, từ khoảng năm 2004, 2005, Làn sóng xanh đã không còn duy trì được phong độ cũ. Những bài hát nhạt nhẽo của các ca sỹ là hot girl, hot boy thay thế dần cho các tác phẩm âm nhạc có chất lượng. Nhiều nghệ sỹ từng gắn bó lâu năm với Làn sóng xanh lần lượt ra đi. Và BTC thì ngày càng tỏ ra khó khăn và bất lực trong việc tìm kiếm những cái tên mới đủ sức nặng thuyết phục công chúng.

Đàm Vĩnh Hưng - người trụ bảng “Ca sỹ của năm” tới 4 năm liên tiếp trong tổng số gần 10 năm có mặt tại bảng xếp hạng bày tỏ: “Nhận được giải tôi rất vui vì những cố gắng của mình đã được công chúng và những người làm nghề công nhận, song tôi cũng buồn đôi chút khi mấy năm qua, BTC không tìm được người thay mình”.

Các giải thưởng âm nhạc cũng tự mình xoá bỏ đi cá tính riêng khi danh sách vinh danh nghệ sỹ, tác phẩm, album ở các giải hằng năm cứ na ná như nhau. Quanh đi quẩn lại là những cái tên Đan Trường, Cẩm Ly, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn…

Bài hát Việt và giải Cống hiến là hai giải thưởng hiếm hoi
còn giữ được sự trân trọng từ nghệ sỹ và công chúng hiện nay


Không khó để nhận ra rằng, cuộc đua vào danh sách đề cử các giải thưởng từ lâu đã trở thành cuộc chiến “nhắn tin bầu chọn” của các fanclub hùng hậu. Mà trong đó không chỉ có những fanclub hoạt động tự nguyện (vốn kém ưu thế) mà còn là nhiều fanclub hoạt động bằng chi phí do chính ca sỹ (được nâng lên thành thần tượng) bỏ ra.

Cho nên mới xảy ra chuyện người được giải có khi không phải là người xuất sắc nhất mà là người có nhiều fan nhất (kể cả fan ảo hay nói chính xác là người có tiềm lực kinh tế lớn nhất để nuôi fan ảo). Vì không lẽ gì lại ra đời và phát triển mạnh mẽ dịch vụ cung cấp người hâm mộ cho nghệ sỹ. Cuộc chiến đó bản chất không lành mạnh bởi không xuất phát từ tình yêu âm nhạc trong sáng. Và vì thế, kết quả các giải thưởng khó có độ chính xác cao.

Những lùm xùm hậu giải thưởng như: kết quả công bố không trùng với ý kiến bầu chọn của các nhà báo được mời tham gia, tên của ca sỹ này đột ngột bị bật ra nhường chỗ cho ca sỹ khác mà không rõ lý do, những khuất tất trong cách làm việc của BTC, những bất thường trong lễ trao giải… ngày càng làm suy giảm trầm trọng uy tín của những cái tên như Làn sóng xanh, Mai Vàng, Diva thế hệ mới…

Tần suất trao giải dày đặc cũng khiến cho các giải thưởng “mất thiêng”, đơn cử như Giải Album Vàng. Album là một sản phẩm lao động kỳ công và mất nhiều thời gian lẫn tiền bạc, do vậy không thể tháng nào các nghệ sỹ cũng “đẻ ra vàng” cho khán giả bầu chọn và BTC đưa vào danh sách đề cử. Việc tháng nào cũng phải ép cho ra được “vàng” khiến cho sân chơi này trở nên mất giá và để cho ngày càng nhiều sản phẩm âm nhạc cẩu thả, “vàng giả” lọt vào.

Có tìm lại được thương hiệu?

Nếu vẫn giữ cách làm phổ biến hiện nay là dựa vào phiếu bình chọn của công chúng (mà đa số là các fan trẻ) thì các giải thưởng đã từng có thương hiệu không thể tìm lại được giá trị của thương hiệu đó.

Mặc dù, về lý thuyết, bình chọn công chúng là cách làm công bằng nhất vì âm nhạc sinh ra là để phục vụ khán giả và khán giả phải có quyền quyết định. Thêm vào đó, giữa công chúng và giới phê bình luôn có độ “chênh” trong việc thưởng thức và đánh giá.

Tuy nhiên, nếu như ở nước ngoài, độ chênh đó không nhiều bởi công chúng các nước văn minh có trình độ văn hoá cao và gu thẩm mỹ cao thì mặt bằng về trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng Việt Nam không cao. Chưa kể những ganh đua thiếu lành mạnh trong nhắn tin bầu chọn như đã nói.

Song, điều quan trọng nhất là, các giải thưởng âm nhạc Việt không có khả năng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng ở nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề và vận động họ tham gia vào bầu chọn.

Chính điều này dẫn đến việc các ca sỹ non trẻ của dòng nhạc thị trường thì được có mặt trong hầu khắp các bảng đề cử, còn các ca sỹ có “gu” trong từng sản phẩm âm nhạc thì vẫn “nằm ngoài vùng phủ sóng” của giải thưởng. Và công luận thì không mấy khi tỏ ý đồng tình với những cái tên được vinh danh.

Nhạc sỹ Tôn Thất Lập - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ TP.HCM cho rằng: “Các giải thưởng cần phải tìm sự cân bằng giữa bầu chọn của khán giả và hội đồng nghệ thuật. Mấy năm gần đây, vai trò của hội đồng nghệ thuật ngày càng mờ nhạt, không có sức định hướng cho giải thưởng. Đó cũng là lý do khiến cho các giải thưởng không có gu riêng, giải nào cũng giống giải nào. Cách trao giải thì thiếu chỉn chu, khiến người được đoạt giải không cảm thấy hãnh diện và tự hào khi bước lên bục nhận giải. Sự gắn bó hay hờ hững của các nghệ sỹ với giải thưởng nằm chính ở chỗ giải thưởng đã có cách tôn vinh họ như thế nào. Tôi nghĩ điều này rất cần được thay đổi”.

Đã có một số giải thưởng đang tích cực thay đổi để giữ uy tín và thương hiệu cho mình như Bài hát Việt, giải Cống hiến. Bài hát Việt với 5 năm tổ chức đã phần nào nhạt trong mắt người xem với nhiều tác phẩm lọt vào chung kết tháng không đủ sức thuyết phục. Do đó, sự thay đổi fomat chương trình với 3 tháng 1 liveshow trong năm 2010 là việc làm cần thiết để sân chơi này chọn lọc, gọt giũa kỹ càng, chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, giải Cống hiến dù chưa đủ sức phát hiện, tạo dựng những gương mặt mới song nhìn vào những cái tên được vinh danh qua 4 kỳ tổ chức như Mỹ Tâm, Trần Thu Hà, Tùng Dương, Thanh Lam, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo… cũng chứng tỏ cái "gu" thẩm mỹ và đẳng cấp của giải thưởng này.

Ca sỹ Tùng Dương cũng nhận định: “Bài hát Việt và giải Cống hiến là hai giải thưởng hiếm hoi còn giữ được sự trân trọng từ nghệ sỹ và công chúng hiện nay. Tuy nhiên, Bài hát Việt là giải dành cho tác phẩm mới, còn giải Cống hiến chưa có tầm phủ sóng lớn cần thiết. Vẫn cần lắm một giải thưởng có quy mô lớn và uy tín cao để đánh giá và tôn vinh lao động của những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc một cách công bằng và xứng đáng”.

Song để làm được điều đó, mỗi giải thưởng âm nhạc cần được thực hiện một cách nghiêm túc bởi những người có tâm huyết thực sự với sự phát triển của nhạc Việt, chứ không phải nhằm mục đích đánh bóng thương hiệu./.

                                                                                                                     Theo Toquoc







Các bài mới
Các bài đã đăng
Đến lượt (06/04/2010)