Văn nghệ trong nước
Nỗi niềm tranh lụa
14:05 | 07/04/2010
Tranh lụa đã từng có thời kỳ làm nở mày nở mặt cho nền mỹ thuật Việt Nam, sánh vai cùng các cường quốc về tranh lụa như Trung Quốc, Nhật Bản. Vậy mà giờ đây, tranh lụa đã vắng bóng trên thị trường và các hoạt động mỹ thuật quan trọng ở nước ta. Không mấy họa sĩ trẻ theo đuổi vẽ tranh lụa, kế thừa những thành tựu đã được các họa sĩ lớp trước gây dựng bấy lâu nay. Vài thập kỷ qua, hầu như tranh lụa đã bị các thể loại tranh khác lấn át, đẩy lùi như một mặt hàng... lỗi mốt. Vì sao vậy?
Nỗi niềm tranh lụa
Tranh "Rửa rau cầu ao" của Nguyễn Phan Chánh.

Thời oanh liệt…

Mỗi khi nói đến tranh lụa, chẳng thể ai quên "ông tổ" của nó là danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984). Nói vậy, bởi trước đó trong lịch sử hội họa Việt Nam chưa hề có ai gây dựng được sự nghiệp qua dòng tranh cổ này. Cái tên Nguyễn Phan Chánh đã gây xôn xao Hội chợ Triển lãm Paris năm 1931 với các tác phẩm: "Chơi ô ăn quan", "Vo gạo", "Xem bói", "Lên đồng"…

Khi ấy, báo chí phương Tây còn nêu danh ông như một họa sĩ tiêu biểu cho cả nền hội họa Đông Dương. Sau này, số phận lưu lạc, nhiều tranh của ông cũng long đong, lận đận. Năm 1938, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh gửi 14 bức đi dự triển lãm tại Nhật, nhưng rồi do chiến tranh loạn lạc, số tranh trên đã mất tung tích. Quả đây là một sự thiệt thòi lớn cho nền hội họa Việt Nam.

Ngoài bức tranh "Chơi ô ăn quan" có thời được nhà sưu tầm Đức Minh lưu giữ, còn một số bức nổi tiếng khác như "Lên đồng", "Rửa rau cầu ao"… nằm ở một số nhà sưu tập Pháp, thì riêng bức tranh rất có giá trị "Róc mía", sau hơn 70 năm lưu lạc, gần đây người nhà của danh họa Nguyễn Phan Chánh mới biết địa chỉ người đang giữ và treo nó ở đâu.

Sau này, Nguyễn Phan Chánh còn để lại nhiều bức lụa tuyệt hảo khác, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: "Trăng tỏ", "Trăng lu", "Sau giờ trực chiến", "Chiều về tắm cho con", "Đan mây", "Đi chống hạn"…

Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu tiên năm 1996.

Sau danh họa Nguyễn Phan Chánh có một số cây cọ nổi tiếng khác chuyên vẽ tranh lụa như Nguyễn Thụ, Phan Thanh Liêm, Lê Ngân Chi… cũng đã tiếp tục tạo dựng "con đường tơ lụa" Việt Nam. Một số họa sĩ nổi tiếng khác cũng đã để lại những bức tranh lụa đẹp như: "Con đọc bầm nghe" của Trần Văn Cẩn; "Hành quân mưa" của Phan Thông; "Cá" của Vũ Giáng Hương. Bên cạnh đó còn có những cái tên như Mai Trung Thứ, Đỗ Phấn, Lê Kim Mỹ, Mộng Bích, Kim Bạch, Đặng Thu Hương, Trần Thanh Ngọc… cũng đã thành công với tranh lụa.

Nay còn đâu?

Tranh lụa thật sự đến thời sa sút, nhất là khi đối diện với cơ chế thị trường, với sự chọn lọc khá đa dạng và gay gắt của những người chơi tranh. Dễ đến hơn hai chục năm qua, người yêu tranh không thể nhớ nổi một cái tên sáng giá cho dòng tranh lụa.

Nhiều cuộc triển lãm hội họa đã vắng bóng các gương mặt tranh lụa; hoặc nếu có thì cũng tỏ ra lay lắt mờ nhạt, nếu không nói là lạc lõng, lép vế trước các tác phẩm sơn dầu, màu nước rực rỡ, hay lu mờ trước sự óng ả, long lanh của chất liệu sơn mài...

Nghĩa là nhiều họa sĩ không còn ham muốn thử thách trước những vận động phức tạp và đầy cam go của "con đường tơ lụa" này nữa. Vì thế mà tranh lụa ngày càng thưa thớt và vô tình đã bị xếp xuống hạng thứ cấp, trở thành dòng tranh souvenir rẻ tiền. Vì sao vậy?

Tranh “Thiếu nữ ngắm hoa sen” của Hà Bắc
và “Phụ nữ Hà Nội” của Lê Thị Kim Bạch.


Có người lý giải một cách thẳng thắn rằng, lụa là chất liệu "khó tính", kén chọn người ươm dệt, kén người vẽ và cả người thưởng ngoạn, vì tranh lụa biến ảo lắm. Lại có người cho là tranh lụa tự đánh mất mình bởi sự cũ kỹ mơ màng về nội dung, nhạt nhẽo về tình cảm.

Kèm theo đó là sự ỳ ạch về kỹ thuật, chất liệu và màu sắc. Có nhà chuyên môn còn nhấn mạnh về nội dung, bởi đa phần các tác giả vẽ lụa vẫn sa vào các chủ đề đã cũ nhàm như: phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo cài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt nông thôn, làng chài… với một lối vẽ êm đềm, thiếu nhịp sống mới.

Nhưng có lẽ các ông chủ kinh doanh lại mách bảo được nhiều điều có lý hơn ẩn khuất sau cánh cửa galery. Ấy là sự mờ nhạt về ấn tượng của tranh lụa đối với sự bắt mắt và hút khách của các chất liệu khác, kể cả ở dòng tranh trang trí, làm hàng. Bên cạnh đó, sự phát triển ồ ạt của các trường phái nghệ thuật như trừu tượng, biểu hiện, siêu thực, pop-art, đồ họa… đều bị dừng bước khi va vào cái gọi là "công nghệ" thủ công, với nhiều công đoạn khi thể hiện trên chất liệu lụa.

Hơn nữa, tranh lụa thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ẩm mốc, dễ cháy, khó giữ. Tranh lụa trở nên khó bán là vì vậy. Nhưng xét về khía cạnh nghệ thuật, hiện chưa có người dấn thân nhằm tìm ra cách giải thoát cho tranh lụa. Chẳng thế mà một chủ hàng tranh đã phải thốt lên, chính tranh lụa bị các họa sĩ bỏ rơi chứ không phải thị trường.

Thật ra trong 10 năm qua, lác đác có một số cuộc triển lãm chuyên về lụa được tổ chức nhằm thể hiện sự quan tâm của các nhà quản lý và sự cố gắng phi thường của một số họa sĩ còn nhiều tâm huyết với tranh lụa. Trước hết đó là phòng tranh lụa Nguyễn Phan Chánh (năm 2002), nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của danh họa, gồm 74 tác phẩm được bày tại TP HCM.

Hai năm sau là phòng tranh của họa sĩ Phạm Thanh Liêm, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội với 50 bức tranh lụa. Đáng chú ý, nhiều tác phẩm của họa sĩ Phạm Thanh Liêm đã có sự đổi mới về kỹ thuật chất liệu và màu sắc để làm cho tranh lụa không còn bị lạc hậu với sự hòa nhập chung trên thế giới.

Tiếp sau phòng tranh chuyên về lụa của nữ họa sĩ Lê Ngân Chi hồi năm 2006, mãi đến hai năm sau các nhà quản lý mới tổ chức được triển lãm tranh lụa toàn quốc, gồm 154 tác phẩm được chọn lọc từ 578 tranh của nhiều thế hệ họa sĩ trong cả nước, từ năm 1930 đến nay.

Đây là cuộc triển lãm tranh lụa đầu tiên của nước ta sau 80 năm chờ đợi, nhằm tôn vinh dòng tranh đang bị mai một theo thời gian và khích lệ các tầng lớp họa sĩ nhiệt tình tham gia khôi phục lại giá trị nghệ thuật hội họa mang thương hiệu nước nhà.


Đó là những hoạt động hết sức cố gắng của các nhà quản lý, nhưng đấy chỉ là bề nổi và chỉ có giá trị nhìn nhận lại những cái đã có. Còn về phương hướng phát triển, có lẽ còn phải đặt ra cách nhìn và tổ chức thực hiện triệt để mới giải tỏa được những điều đã mất đi trong hoài bão của các họa sĩ trẻ đối với tranh lụa. Bởi lẽ, hiện tại thị trường vẫn vắng bóng tranh lụa và các cuộc triển lãm vẫn mong chờ các họa sĩ dấn thân vào dòng tranh đầy chất biến ảo này.

Chấn hưng cách nào?

Tổ chức, đào tạo và đầu tư, có lẽ trước hết là như vậy, sau đó mới đến bước tập trung có trọng điểm về lực lượng và đề tài. Sự mai một và mất hút dòng tranh cổ Kim Hoàng và tình trạng lay lắt của dòng tranh thờ Hàng Trống, cũng như sự thấp thỏm của làng tranh dân gian Đông Hồ là những bài học rất đáng chú ý về công việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy vốn cổ của dân tộc.

Nếu chỉ đổ cho sự biến động của thị trường thì đó chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm. Dòng tranh lụa đang có nguy cơ mai một, nó đang ngưng trệ bởi sự hoang mang của các họa sĩ trước sự đổi mới nhanh chóng của các hình loại và chất liệu khác.

Tuy nhiên, lụa vẫn sẽ là lụa, đầy sức sống khi họa sĩ mạnh dạn sáng tạo, đổi mới về chất liệu, màu sắc. Đặc biệt và trước hết là sự cải thiện về nội dung. Không chỉ dừng lại ở nét sinh hoạt đời thường, chân dung, mà cần mở rộng biên độ đề tài như: lịch sử, công nghiệp, con người và thời cuộc…

Chính giải thưởng Mỹ thuật năm 2009 dành cho bức tranh lụa "Tam Bạc những ngày đánh Mỹ" của họa sĩ Việt Anh ở Hải Phòng là một sự cởi mở và đổi mới điển hình từ cách nhìn và tạo niềm hy vọng vào một cuộc chấn hưng đối với công cuộc phát triển trường phái tranh lụa Việt Nam trong tương lai không xa. Đặc biệt, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một cơ hội quý giá để các họa sĩ phát huy nghệ thuật của dòng tranh đậm chất Tràng An này.

                                                                                               Theo VNCA

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đến lượt (06/04/2010)