Văn nghệ trong nước
Mong đợi một bộ phim hay về tuổi học trò
14:08 | 07/04/2010
Sau những bộ phim như 12A – 4H, Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời,... có một thời gian dài, phim về lứa tuổi học sinh- sinh viên hầu như vắng bóng trên sóng truyền hình.
Mong đợi một bộ phim hay về tuổi học trò
Cảnh trong phim “Bước nhảy xì tin”

Nhận thấy sự thiếu vắng này, vài năm gần đây, các nhà làm phim đã nhanh chóng trở lại với những đề tài xung quanh lứa tuổi học trò. Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có được một bộ phim thật hay dành cho lứa tuổi này.

Dễ nhận thấy, sự trở lại của các phim về lứa tuổi teen đều được PR khá ồn ã. Ngay từ khi chưa lên sóng, hình ảnh hậu trường, thông tin liên quan đến diễn viên, đạo diễn của phim đã được các hãng phim chú trọng quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Không chỉ gây chú ý bằng các bài phỏng vấn, những sự kiện ra mắt..., chính đạo diễn, diễn viên của phim cũng tự PR cho chính mình. Tuy nhiên, sau khi mục kích sở thị phim, sự hào hứng của người xem đã bị “xì hơi”.

Đơn cử như Bước nhảy xì tin được phát sóng trên VTV3 cách đây không lâu. Đây là bộ phim đầu tiên đi sâu vào khai thác niềm đam mê các điệu nhảy của lứa tuổi teen. Có thể nói, bộ phim đã bắt kịp với xu hướng và sở thích của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, việc khai thác sâu một lĩnh vực như vậy là điều không dễ dàng. Mặc dù Bước nhảy xì tin được một trong những nhóm nhảy hiện đại tốt nhất VN hỗ trợ nhưng theo nhận xét của nhiều bạn trẻ, những màn biểu diễn trong phim vẫn còn rất đơn giản và sơ sài. Nó khiến cho bộ phim không thực sự trở thành một món ăn tinh thần thỏa mãn những khán giả trẻ yêu sự sôi nổi và hết mình của các điệu nhảy.

Tiếp đến là Bộ tứ 10A8. Phim được xây dựng từ kịch bản của một nhóm tác giả còn rất trẻ. Biên kịch và đạo diễn của phim đều thuộc thế hệ 8X. Có lẽ vì vậy, bộ phim thành công ở việc tạo được một không khí trẻ trung, vui nhộn, hóm hỉnh của lứa tuổi học trò. Nhưng bên cạnh những điểm sáng ấy, Bộ tứ 10A8 vẫn còn những vấn đề khiến nhiều khán giả băn khoăn. Vẫn biết rằng tuổi học trò hiện nay đã khác nhiều so với các thế hệ trước đây. Nhưng khi xem Bộ tứ 10A8 nhiều phụ huynh đôi khi vẫn giật mình với cách ăn nói, cư xử của các nhân vật trong phim. Nhiều bậc cha mẹ không khỏi suy nghĩ khi thấy các nhân vật dù đang ở lứa tuổi học sinh nhưng lại quan tâm quá nhiều tới việc ăn diện, tiêu tiền.

Các câu thoại trong phim nhiều khi “hồn nhiên” một cách quá đà. Và những phụ huynh nghiêm khắc sợ rằng con cái mình cũng sẽ ăn nói như vậy. Ngoài ra, Bộ tứ 10A8 đi theo hướng xây dựng câu chuyện và nhân vật một cách hơi khoa trương và cường điệu nên đôi khi diễn xuất của các diễn viên trẻ thường bị “lố”...

Bộ phim được quảng cáo rầm rộ nhất và lên sóng gần đây nhất là phim Thiên thần áo trắng của đạo diễn Lê Hoàng. Ngay từ khi mới bắt đầu khởi quay, các “thiên thần” và chính đạo diễn Lê Hoàng đã xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông để PR cho bộ phim của mình. Có thể nói năm 2009, hầu hết các bạn teen đều mong ngóng ngày Thiên thần áo trắng lên sóng. Lý do vì công ty sản xuất phim BHD đã quảng bá rất tốt. Một phần nữa bộ phim được đóng mác bởi đạo diễn Lê Hoàng – người lần đầu tiên làm phim truyền hình vì “phim truyền hình hiện nay dở quá” (phát biểu của đạo diễn Lê Hoàng trên một tờ báo)...

Tuy nhiên ngay sau vài tập đầu phát sóng, hầu hết các khán giả xem truyền hình, đặc biệt là các bạn khán giả ở tuổi học trò tỏ rõ sự thất vọng về bộ phim. Sự thiếu tự nhiên của Thiên thần áo trắng một phần do những cảnh lớp học được quay hoàn toàn trong trường quay, thiếu những không gian rộng, đông đúc của một trường học. Chính vì vậy mà bộ phim thiếu đi sự sống động và nét chân thực của thế giới học trò. Hơn thế, lời thoại trong phim là yếu tố bị nhiều khán giả phản ứng nhất. Bởi hầu hết các khán giả trẻ - những khán giả còn ở độ tuổi đi học đều cho rằng: Các bạn học sinh trong phim ăn nói quá triết lý và xa rời thực tế.

Có nhiều lý do để giải thích về những yếu tố chưa hay trong các bộ phim này. Nhưng chắc chắn yếu tố kỹ thuật, kinh tế mà các nhà làm phim thường hay than vãn trước kia không phải là lý do để khiến bộ phim dở. Bởi hầu hết các phim hiện nay đều được đầu tư tương đối đầy đủ. Một lý do có lẽ nên được nhắc đến là sức ép về tiến độ và tiền bạc trong quá trình sản xuất phim. Ngày càng có nhiều kênh truyền hình và có nhiều giờ phát sóng hơn cho phim Việt đồng nghĩa với việc các hãng phim phải sản xuất ra một lượng phim lớn hơn rất nhiều so với vài năm trước. Chính điều này đã tạo nên một áp lực về tiến độ và tiền bạc cho các đạo diễn, các nhà làm phim,... và chính các diễn viên.

Đặc biệt ở các hãng phim tư nhân, áp lực này càng lớn vì các nhà sản xuất phim tư nhân khi đã bỏ tiền ra, họ đòi hỏi phải có lãi ngay. Tại phía Nam, hầu hết các phim truyền hình hiện nay được sản xuất với tốc độ 3 ngày/ 2 tập. Nếu đoàn phim có lỡ kéo thời gian quay một tập lâu hơn tiến độ được phép thì ngay sau đó phải tìm cách ép tiến độ quay nhanh hơn.

Với tốc độ sản xuất như vậy và việc các nghệ sĩ, diễn viên tham gia nhiều phim cùng lúc thì chất lượng phim không được như mong muốn là điều dễ hiểu. Và câu hỏi, bao giờ khán giả mới được xem những bộ phim hay về lứa tuổi học trò xem ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

                                                                                                           Theo VH

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đến lượt (06/04/2010)