“Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe, nghe tiếng đàn của tôi. Ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe. Đàn tôi hát câu gì, mà sao cô bé cười ngộ ghê. Đàn tôi hát câu gì, mà sao chú bé ngồi mơ màng…”. Tôi đã từng yêu xiết bao những lời ca như thế. Những lời ca của một giai đoạn nhạc trẻ (tạm gọi đó là thứ âm nhạc hừng hực sức sống) từ những năm 1976 – 1990. Nó tràn đầy sức trẻ, nó trong sáng đến kinh ngạc và luôn đi tìm cái đẹp đơn sơ trong cuộc sống. Tôi học ở các nhạc sĩ đàn anh ở những điều ấy. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, nhưng nghệ thuật đúng đắn phải giúp con người ta vươn tới màu hồng, vươn tới chân thiện mỹ. Nghệ thuật đúng đắn không thể làm con người ta ngày càng u tối về tâm hồn, bạc nhược sức sống. Suốt những năm trung học, tôi cùng nhóm bạn ôm đàn nghêu ngao hát những ca khúc ấy, những ca khúc trong sáng, yêu đời và hừng hực sức sống, dù cho cuộc sống lúc ấy còn rất khó khăn. Không thể nào quên: Mặt trời bé con, Hát với chú ve con, Bước chân tròn trên cát, Ơi cuộc sống mến thương, Ngõ vắng xôn xao… Con đường âm nhạc của tôi được lát những viên gạch đầu tiên như thế. Những viên gạch của thế hệ nhạc sĩ đàn anh, đã cho tôi cái nền của nghệ thuật vì tình yêu, một thứ tình yêu rộng lớn hơn, vượt xa hơn, tình yêu cho mọi người. Bất cứ điều gì cũng sẽ biến đổi theo thời gian, nhưng tình yêu là bất biến. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa bình thường mà là tình yêu đồng loại, chia sẻ nỗi đau đồng loại. Thế hệ của tôi trở về sau luôn có lợi thế về phương tiện, công nghệ, việc sáng tác trở nên dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn. Nhưng dù hiện đại thế nào thì thông điệp của người nhạc sĩ đưa tới công chúng cũng không ngoài tình yêu thương. Công nghệ hiện đại chỉ là phương tiện giúp sáng tạo nhanh hơn, nhưng nó không thể mang lại cảm xúc cho người sáng tác. Cảm xúc từ trái tim. Và khi thiếu cảm xúc, nó sẽ tạo ra những bản nhạc computer không hơn không kém. Nhưng nếu vận dụng công nghệ hiện đại khéo léo dưới cái nền cảm xúc, ta có thể chạm đến những cảm giác mới mẻ, những chiều không gian mới lạ, mà trước kia thế hệ nhạc sĩ đàn anh không có điều kiện thực hiện. Nếu ta vay mượn cảm xúc của người khác, dù có biến đổi cỡ nào đi nữa, vẫn là những bản nhạc chắp vá khập khiễng. Bởi vì cảm xúc của mình luôn tuôn trào liền mạch và chân thật. Nhưng tôi thật lo ngại khi quan sát quanh tôi, tình yêu đích thực dường như ngày càng ít đi, thay vào đó là đầy rẫy những cảm giác hoang mang, trống rỗng, tự kỷ, hoang tưởng… Tôi vẫn đang hy vọng có một lớp nhạc sĩ kế cận lựa chọn con đường tình yêu. Dù phương tiện sáng tạo của họ có là gì đi nữa thì tình yêu luôn là đích đến của họ. Họ nên chia sẻ nỗi đau với người khác hơn là suốt ngày chỉ mơ tưởng cho bản thân. Họ biết một tình yêu rộng mở hơn là tình yêu đôi lứa. Hãy chọn con đường tình yêu. Theo Như Hoa - SGGP |