Thiếu kịch bản hay
Ai cũng biết kịch bản là khâu đầu tiên, rất quan trọng quyết định sự thành công của một vở diễn. Một kịch bản yếu, không hay thì cho dù đạo diễn có tài năng bậc thầy cũng không thể “phù phép” biến thành vở diễn hay được. Ở nước ta với hơn 80 triệu người, trong đó người viết văn chuyên nghiệp có tới hàng ngàn, người viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp cũng tới vài trăm, chưa kể biết bao cây bút không chuyên, ấy vậy mà không có nổi một giải A của kịch bản sân khấu trong đằng đẵng 7 năm trời. Phải chăng đang tồn tại một thực tế khách quan, chúng ta thiếu những tài năng thực sự trong lĩnh vực viết kịch bản sân khấu.
Rất nhiều đạo diễn, giám đốc các nhà hát kịch cho biết kịch bản sân khấu không khan hiếm, nhiều là đằng khác, nhưng tìm ra được kịch bản hay thì như mò kim đáy bể. Các tác giả quen thuộc lớn tuổi thì không có gì mới, tác giả trẻ thì thiếu vốn sống, mông lung, nhiều khi đọc xong không biết họ nói cái gì... Trong một phát biểu gần đây, đạo diễn - NSND - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Đình Quang, một trong những bậc thầy của sân khấu Việt Nam hiện đại, có nói đại ý: Chúng ta không có những tác phẩm lớn bởi một trong những nguyên nhân là do thiếu một nền tảng triết học...
Một luồng ý kiến khác, những kịch bản đoạt giải A chưa hẳn đã là những kịch bản xuất sắc, mới chỉ là phù hợp với tiêu chí này kia trong giai đoạn ấy, của ban giám khảo ấy, hội đồng tuyển chọn, thẩm định ấy... mà thôi. Thực tiễn đời sống sân khấu và thời gian sẽ minh chứng đâu là tác phẩm kịch bản có giá trị... Đời sống sân khấu một số năm gần đây cho thấy, có những vở diễn đoạt giải cao nhất của một hội diễn chuyên nghiệp, nhưng biểu diễn trước công chúng thì quá ít người xem rồi cất vào kho và ngược lại. Vậy đâu là thước đo chính xác nhất giá trị của một tác phẩm sân khấu? Các nhà chuyên môn hay công chúng, ai mới là chủ thể thật sự thẩm định giá trị của tác phẩm! Vấn đề này không đơn giản, càng không dễ khi sự minh bạch, công tâm, khách quan không còn như những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản bắt buộc phải tuân thủ dẫn đến những giá trị ảo nhiều khi thắng thế giá trị thật.
Vì sao nên nỗi...
“Cái cũ kỹ, sáo mòn trong một số kịch bản vẫn còn tồn tại. Điều này nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa khắc phục được. Đáng buồn nhất, có tác giả trước khi đi dự trại viết lại mang tác phẩm mình đã viết hàng chục năm trước ra phủi bụi rồi sửa chữa và gửi về cho ban tổ chức”.
Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang
|
Sân khấu đã từng có thời gian đi tiên phong trong các loại hình nghệ thuật. Đó là vào những năm trước và giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới. Những vở diễn Mùa hè ở biển của Xuân Trình, Nhân danh công lý của Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang, Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ... đã đề cập trúng những vấn đề của thời đại, những bức xúc, tâm trạng của con người. Bởi thế, sân khấu được coi là thánh đường của nghệ thuật. Người xem đến với sân khấu để được thỏa mãn những khát khao, ước vọng... Ngoài nhiều yếu tố tạo nên kịch bản hay của các tác giả tài năng, bao trùm và xuyên suốt vẫn chính là tính nhân văn của tác phẩm, cho dù kịch bản đề cập đến nhiều mặt trái của xã hội.
Ngày hôm nay, đội ngũ những người viết kịch bản sân khấu rõ ràng đông hơn, có nhiều kiến thức hơn, nhưng như nhiều tác giả trẻ thì hiểu biết về sân khấu dường như ít quá, lại viết như cưỡi ngựa xem hoa, không tâm huyết, không kiên trì. Tác giả Chu Thơm, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đã có nhận xét rất xác đáng: “Chúng ta hay có thói quen đổ lỗi cho nhà nước, cho các tổ chức, cho cơ chế... Theo tôi, ở đây cần nhìn rõ vấn đề là chúng ta đang thiếu những người tài năng, tâm huyết tham gia vào sân khấu...”.
Đây là một thực trạng cần được nhận thức kịp thời. Tài năng không tự nhiên mà có. Tài năng phần lớn do khổ luyện mà thành. Nhưng nếu như đã có chút tài mà người viết kịch bản sân khấu không tiếp tục khổ luyện thì cũng chẳng có tác phẩm hay. Ngành sân khấu năm nào cũng tổ chức những trại viết rất rôm rả, năm nào cũng trao giải cho những kịch bản hay rất chu đáo, nhưng kịch bản hay vẫn còn... ở phía trước. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, ông cha đã dạy như thế, thiết nghĩ các nhà viết kịch nên tự trách mình trước, nếu đã có chút tài thì hãy thật đam mê, tâm huyết để có những tác phẩm xứng đáng.
Đạo diễn, NSND Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì cho rằng: “Phải phân định thế nào là người tài trong lĩnh vực này và cách sử dụng người tài cùng những sản phẩm của họ như thế nào...!”. Để có những kịch bản sân khấu hay, có tầm vóc, ngoài khả năng thiên phú của người viết, có lẽ còn cần những hoạch định mang tính lâu dài, chu đáo của ngành sân khấu, của xã hội, nhằm kích thích những khả năng trở thành tài năng thể hiện trong các kịch bản sân khấu.
Theo Cao Minh - SGGP |