Văn nghệ trong nước
Nhà cổ Bạc Liêu: Thấy mà thương!
14:40 | 25/05/2010
Bạc Liêu không nhiều nhà cổ như các tỉnh khác ở ĐBSCL, nhưng những ngôi nhà xây dựng từ thế kỷ 19 vẫn còn đó để minh chứng cho sự phồn vinh của một thời. Kiến trúc của những ngôi nhà này không tráng lệ, nhưng đã từng là niềm mơ ước của biết bao người dân tại mảnh đất này.
Nhà cổ Bạc Liêu: Thấy mà thương!
Ngôi nhà cổ hoang phế tại góc đường 30.4-Lê Văn Duyệt bị chiếm dụng làm quán nước-Ảnh: N.H
Theo thời gian, những ngôi nhà cổ đang xuống cấp trầm trọng, một số khác bị bàn tay của con người biến thành những... căn nhà bình thường. Thấy mà thương!

Đập phá và... chiếm dụng

Một trong những ngôi nhà được xếp vào loại cần được lên danh sách bảo tồn theo đúng Luật Di sản văn hóa là ngôi nhà của viên quận trưởng Bạc Liêu, tọa lạc tại phường 5, thị xã Bạc Liêu. Toàn bộ ngôi nhà này được xây dựng theo kiến trúc Pháp pha lẫn với kiến trúc phương Đông. Những họa tiết trên trần nhà vẫn còn nguyên vẹn. Ngồi trong nhà mát mẻ, dù ngay mùa nắng nóng cũng chẳng phải bật máy điều hòa nhiệt độ.
 
Tuy nhiên, điều này đã vĩnh viễn đi vào quá khứ vì cách nay 2 năm, lãnh đạo thị xã Bạc Liêu đã cho đập phá hoàn toàn để lấy đất xây dựng trụ sở HĐND -UBND phường 5. Toàn bộ xác nhà được bán cho một nhà thầu chuyên thu mua bêtông, xác nhà trong thị xã. Điều khá bất ngờ là chính nhà thầu đã bị lỗ vốn vì toàn bộ ngôi nhà sau khi đập ra, lấy chưa được 300 ký sắt vụn. Họ nào có biết, những ngôi nhà tường ngày xưa làm gì có nhiều thép như bây giờ.

Số phận của ngôi nhà cổ tại góc đường 30.4 - Lê Văn Duyệt cũng không kém phần bi thảm. Trước đây, nó được tận dụng làm trụ sở của Phòng Văn hóa -thông tin thị xã Bạc Liêu. Do xuống cấp và diện tích hẹp nên UBND thị xã giao cho 2 cơ quan là TAND thị xã Bạc Liêu và UBND phường 3 quản lý. Theo năm tháng, dây leo đã mọc lên tường, rêu phong phủ kín gần hết căn nhà. Mà nó cũng chẳng do ai quản lý cả. Một người bán quán nước đã tận dụng hành lang đặt bàn ghế, thậm chí lấn chiếm dùng để làm nhà kho, chỗ sinh hoạt.

Đó là những ngôi nhà hoang vắng chủ, hầu hết số nhà cổ còn lại đều được giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng. Do được giao quản lý, sử dụng (có sổ đỏ) nên những ngôi nhà này thường xuyên được cơi nới, xây dựng theo chế độ sửa chữa hàng năm. Chính vì vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, rất khó phát hiện đây là những ngôi nhà cổ. Điển hình nhất là tòa nhà ở góc đường Trần Phú - Hà Huy Tập, được xây dựng khang trang không khác gì nhà mới.

Ngôi nhà tại số 31, đường Lê Văn Duyệt nằm trong danh sách nhà cổ, nhưng cũng được đơn vị sử dụng cho xây dựng hai toà nhà kế cận, đấu nối vào tòa nhà chính, làm mất hết không gian nhà cổ; ngôi nhà Công tử Bạc Liêu cũng được sửa chữa lại, thêm thắt nhiều nhà phụ, dẫu vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cũ...

Khó quản lý

Cụm nhà Công tử Bạc Liêu được sử dụng làm nhà hàng khách sạn


Năm 1998, toà nhà Công tử Bạc Liêu được phép chuyển đổi công năng làm khách sạn, dư luận tại Bạc Liêu vô cùng bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng Bạc Liêu đối xử thô bạo với kiến trúc cổ. Tuy vậy, căn cứ vào các quy định vào thời điểm bấy giờ thì việc này không sai.
 
Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc lấy nhà Công tử Bạc Liêu làm khách sạn là một cách quản lý nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch. Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, ngôi nhà này đã thu hút khá đông khách du lịch, dù rằng người ta đến xem nhà Công tử Bạc Liêu nhiều hơn là xem ngôi nhà cổ.

Theo điều tra của Bảo tàng Bạc Liêu, hiện trên toàn tỉnh có 21 ngôi nhà cổ cần được bảo vệ theo đúng Luật Di sản văn hóa, trong đó thị xã Bạc Liêu chiếm hơn 15 căn. Cũng theo cơ quan này, hầu hết những ngôi nhà cổ đều được các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng cho nên Bảo tàng lập danh sách là một chuyện, còn có đầu tư trùng tu, cải tạo, khai thác hay không lại là một chuyện khác.

Ông Phạm Văn Tắc - Phó Giám đốc Bảo tàng Bạc Liêu - cho biết: "Theo Luật Di sản văn hoá, những ngôi nhà có niên đại 80 năm trở lên đều đưa vào danh sách để lập hồ sơ bảo tồn, bảo tàng. Từ 100 năm trở lên, được xếp hạng là nhà cổ và có kế hoạch bảo vệ. Hiện chúng tôi đang lập hồ sơ di tích từng căn nhà một và sẽ tổ chức hội thảo vào thời gian thích hợp".

21 căn nhà  tại Bạc Liêu rồi đây sẽ được liệt vào nhà cổ, còn hiện tại nó vẫn là nhà bình thường với đầy đủ giấy tờ của các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng. Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc có quá nhiều ngôi nhà cổ được "hiện đại hóa", ông Tắc thừa nhận, hiện cơ quan Bảo tàng vẫn chưa có con số chính thức.

Mặt khác, Bảo tàng không có chức năng phạt vi phạm hành chính. Nếu có đơn vị, cá nhân nào lấn chiếm, phá bỏ thì Bảo tàng cũng chỉ phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa. Có lẽ chính vì những bất cập trong việc quản lý này nên dù Bảo tàng Bạc Liêu đã có hàng loạt văn bản gửi UBND thị xã Bạc Liêu, nhưng cơ quan này vẫn cứ cho đập nhà cổ dùng làm trụ sở HĐND –UBND phường 5 để lấy đất xây trụ sở mới.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh "số phận" những ngôi nhà cổ, bà Lê Thị Ái Nam - Giám đốc Sở VHTTDL Bạc Liêu - cho biết: Sắp tới, sở sẽ tập hợp lại và có hướng đề xuất với UBND tỉnh xử lý theo nhiều hướng khác nhau. Những ngôi nhà nào đang là trụ sở của các cơ quan thì vẫn tiếp tục, nhưng không được tác động nhiều. Những ngôi nhà nào có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa thì đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh để có kế hoạch trùng tu bảo vệ.

Hi vọng rằng với việc phân loại quản lý những ngôi nhà cổ vốn ít ỏi của Bạc Liêu sẽ được nhanh chóng thực hiện để vốn cổ ngày xưa còn chút vấn vương đến lớp trẻ sau này.

Theo Nhật Hồ - LĐ


Các bài mới
Các bài đã đăng