Hơn nữa lúc đó các nhiếp ảnh gia trong nước không có điều kiện tiếp cận nhiều thông tin, nên việc dự thi ảnh quốc tế chỉ là sân chơi nhỏ của những người biết ngoại ngữ. Sau này, có những nhiếp ảnh gia tâm huyết tạo điều kiện để anh em giới nhiếp ảnh thường xuyên dự thi những cuộc thi ngoài nước, từ đó mà các giải thưởng quốc tế trở nên phổ biến.
Nhưng rồi cái uy tín của những giải thưởng quốc tế cũng không được giữ lâu. Mỗi năm, hàng loạt nhiếp ảnh gia VN được thông báo là đoạt giải này, giải nọ, nhưng về uy tín thì chẳng thấy ai tăng lên. Có những trường hợp người mới cầm máy chơi cũng “gặt hái” những giải quốc tế, tuy trong giới gọi là “ăn may”, nhưng xem ra việc được những giải thưởng quốc tế như vậy lâu rồi cũng trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Lúc này người ta mới ngờ ngợ, tại sao ảnh đoạt giải của VN chỉ quanh đi quẩn lại những hình ảnh như trẻ em, người già dân tộc thiểu số da dẻ nhăn nheo, cầu khỉ lắt leo, đồi cát…
Trong lúc uy tín các giải thưởng quốc tế đang ngày càng tụt dốc thì các nhiếp ảnh gia phải đối đầu với một hiện trạng là chi phí dự thi nhiếp ảnh ngày càng tăng cao. Để dự thi, người gửi ảnh phải tốn tiền rọi ảnh, chịu tiền cước gửi ảnh, rồi lại nộp phí dự thi. Một người chơi ảnh quốc tế lâu năm cho biết, gần đây phí dự thi của các giải thưởng quốc tế dao động từ 50 đến 70 USD, nếu một người thi nhiều chủ đề thì số tiền càng tăng. Với chi phí ngày càng cao, người chơi ảnh quốc tế ngày càng rơi rụng.
Một số nhiếp ảnh gia chuyển sang tìm kiếm những cuộc thi ảnh quốc tế không phải nộp phí dự thi, thể lệ gửi ảnh qua internet thay vì gửi bưu điện. Cách này đỡ tốn kém hơn, nhưng cũng chưa được phổ biến lắm. Trong tình hình như vậy, nhiều người đã nhìn lại các cuộc thi trong nước. Các cuộc thi này dễ dàng dự thi, được quảng bá rộng rãi để đông đảo mọi người biết đến, số tiền thưởng cũng đáng khích lệ…
Tâm lý chuộng ngoại bị lung lay, những nhiếp ảnh gia thức thời đang rỉ tai nhau câu châm ngôn muôn thuở: “Ta về ta tắm ao ta”...
Theo Thuận An - TN
|