Văn nghệ trong nước
Triển lãm hội họa bỗng thành đêm thơ quốc tế
16:04 | 31/05/2010
Màn đọc thơ ngẫu hứng được “quốc tế hóa” khi Martha Collins, nữ nhà thơ Mỹ đọc bài thơ “Thân thể người là một thế giới” bằng tiếng Anh, Nguyễn Hoàng Đức dịch trực tiếp. Kevin Bowen đọc bài “Sông Hương” cũng được Nguyễn Quang Thiều dịch trực tiếp uyển chuyển và có vần điệu…
Triển lãm hội họa bỗng thành đêm thơ quốc tế

Mô tả ảnh.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong "vòng vây" của các phóng viên

 Triển lãm “Con đường đến với cái đẹp” của 5 họa sĩ Trần Quân, Minh Tâm, Tất Long, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương được tổ chức tại Hội quán Trung Nguyên Hà Nội tối thứ Bảy (29/5) thu hút khá đông văn nghệ sĩ và phóng viên đến săn tin.

Sự chú ý này còn bởi lẽ, các nhà văn Mỹ sang Hà Nội dự Hội thảo “Văn học Việt – Mỹ sau chiến tranh” sẽ giao lưu với các nhà văn Việt Nam từng là khách mời của Trung tâm William Joiner. Vì vậy tuy đây là triển lãm hội họa nhưng nhân vật chính lại là các nhà văn, nhà thơ. Kevin Bowen, Bruce Weigl, Martha Collins, Fred Marchants… cùng với Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn, Hồ Ngọc Đại… Một sinh hoạt nghệ thuật không chính thống đã mang lại nhiều cởi mở, thân tình là điều dễ nhận ra.

Mô tả ảnh.
Nguyễn Hoàng Đức, Martha Collins, Đỗ Minh Tuấn trao đổi về tập thơ của Collins
Từng nhóm, mọi người xem tranh, uống cà phê và chia sẻ với nhau về thi ca, về cái đẹp và những kỷ niệm 20 năm gian nan đưa văn học Việt Nam đến nước Mỹ với rất nhiều nỗ lực của những người cầm bút từ hai phía.

Trong cái dễ dãi có phần tản mát của một buổi giao lưu giữa những người không chuộng hình thức, bỗng họa sĩ Lê Thiết Cương gọi to: “Nguyễn Duy sẽ đọc thơ! Đánh thức tiềm lực!”

Còn nhớ, nhiều năm trước có thể người ta không thích đọc thơ nhưng vẫn nhiệt tình nghe thơ và đến với những đêm thơ. Thời gian gần đây không hiểu vì sao những sinh hoạt tử tế như vậy thưa vắng dần và dường như chỉ còn tồn tại trong khuôn viên các trường đại học, trong môi trường sinh viên và các ngày hội thơ tổ chức năm/lần.

Ngẫu nhiên có một buổi đọc thơ thế này cũng lạ, mà nhà thơ Nguyễn Duy gọi là “bất ngờ và ấm áp”. Nhưng ông không đọc bài thơ nổi tiếng một thời Đánh thức tiềm lực. “Tôi đọc thơ về Hà Nội”. Và ông đọc Cơm bụi ca, bài thơ đã cho ông những khám phá về ngôn ngữ “rất Hà Nội và cũng rất thị trường” nghe hài hước, trầm luân.

Giọng đọc đầy mê dụ của Nguyễn Duy đã ngay lập tức hâm nóng không khí. “Kẻ phá bĩnh”, cách gọi vui mà giới văn chương dành cho Nguyễn Hoàng Đức vì những tuyên bố lập ngôn, đã xông ra bằng một bài thơ dài. Tiếp theo là Đỗ Minh Tuấn, rồi Vi Thùy Linh với “nụ hôn dài như một đại lộ”.

Màn đọc thơ ngẫu hứng được “quốc tế hóa” khi Martha Collins, nữ nhà thơ Mỹ đọc bài thơ “Thân thể người là một thế giới” bằng tiếng Anh, Nguyễn Hoàng Đức dịch trực tiếp. Kevin Bowen đọc bài “Sông Hương” cũng được Nguyễn Quang Thiều dịch trực tiếp uyển chuyển và có vần điệu…

Mô tả ảnh.
Martha Collins đọc thơ, Nguyễn Hoàng Đức chuyển ngữ trực tiếp
Mô tả ảnh.
Kevin Bowen đọc thơ, Nguyễn Quang Thiều dịch sang tiếng Việt
Mô tả ảnh.
Nguyễn Duy đọc "Đá ơi", Kevin Bowen dịch sang tiếng Anh

Cuối cùng là bài thơ song ngữ “Đá ơi” của Nguyễn Duy do ông đọc bằng tiếng Việt, Kevin Bowen đọc bản dịch sang tiếng Anh: Nghĩ cho cùng trong mọi cuộc chiến tranh/Nước nào thắng thì nhân dân đều bại...

Được biết Hội thảo quốc tế lần này do trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức đã nhận được sự ủng hộ và tài trợ của khá nhiều doanh nghiệp và cá nhân yêu văn học. Xu hướng xã hội hóa đã khiến các hoạt động nghệ thuật dần trở về với bản chất của nó là những nhóm nhỏ của những người cùng chí hướng và mang tính nghề nghiệp ngày một rõ hơn. Việc những cá nhân và thương hiệu thể hiện trách nhiệm cộng đồng trong lĩnh vực nghệ thuật dường như đang chứng tỏ một điều, đẳng cấp ở đây không phải “đẳng cấp tiền” mà là “đẳng cấp văn hóa” và tương tự, thước đo giá trị một doanh nhân không phải là một “đại gia tiền” mà là một “đại gia văn hóa”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ mong ước, một ngày nào đó sẽ tổ chức những đoàn nhà thơ quốc tế, đi xuyên Việt và đọc thơ ở các thành phố lớn, như là một hoạt động giao lưu mà tất cả công chúng yêu văn học đều xứng đáng được hưởng thụ một cách bình đẳng.

  • Hữu Việt - vietnamnet


Các bài mới
Các bài đã đăng