Văn nghệ trong nước
"Huyền sử thiên đô" - thêm một phim về Lý Công Uẩn
10:45 | 02/06/2010
Những tưởng các dự án phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã được “khóa sổ” bởi thời gian từ nay đến ngày đại lễ còn rất ngắn, nhưng bất ngờ đầu tháng 5 qua, bộ phim truyền hình dài 70 tập Huyền sử thiên đô được khởi quay.
Một cảnh quay Huyền sử thiên đô ở Mai Châu - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Huyền sử thiên đô thể hiện quãng thời gian từ năm 1004 đến 1009 trong cuộc đời Lý Công Uẩn gắn với những biến động của triều đình và đất nước. Và nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn trở thành tác giả kịch bản của cả hai phim truyền hình dài tập đề tài lịch sử được thực hiện để phát sóng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long: Thái sư Trần Thủ Độ Huyền sử thiên đô. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với anh xung quanh bộ phim này.

* Thưa anh, việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La trong lịch sử diễn ra vào năm 1010, vì sao chuyện phim lại dừng lại ở năm 1009?
 
Huyền sử thiên đô do Công ty cổ phần Sao Thế Giới đầu tư, nhà sản xuất là Hãng phim truyện I và Công ty cổ phần sản xuất Phát Nam Thiên; hai NSƯT Phạm Thanh Phong và Đặng Tất Bình đồng đạo diễn với sự tham gia của các diễn viên Công Dũng (Lý Công Uẩn), Trung Dũng (Lê Long Đĩnh), Bebe Phạm (Giáng Bình, vợ Lý Công Uẩn), Hà Xuyên (Minh Đạo Hoàng hậu)... Bộ phim sẽ phát sóng 20 tập đầu từ tháng 10.2010 trên kênh VTV3.
 
- Kịch bản không tập trung thể hiện việc dời đô, mà tôi muốn lý giải và thể hiện quá trình dẫn tới việc dời đô. Lý Công Uẩn, sau nhiều lần ra Đại La, với tầm nhìn của mình, đã thấy sự cần thiết phải dời đô, và ông luôn ấp ủ ý định này trong quá trình làm quan cho nhà Lê (đây cũng là quá trình thể hiện tài năng, đức độ, tính cách của Lý Công Uẩn), nhưng vua Lê Đại Hành lúc còn sống và cả Lê Long Đĩnh khi lên ngôi đều chỉ muốn ở lại Hoa Lư - nơi họ coi là đất thiêng của họ Lê. Năm 1009 là năm Lý Công Uẩn lên ngôi, khi đó người xem có thể hiểu là Lý Công Uẩn sẽ thực hiện khát vọng của mình. Thêm vào đó, nếu thể hiện việc dời đô trên phim, tôi e là sẽ trùng với một số bộ phim khác về Lý Công Uẩn đã và đang được triển khai, và cũng sẽ gây tốn kém thêm cho đoàn làm phim.

* Như vậy, Lê Long Đĩnh - một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh luận thời gian qua - cũng sẽ là nhân vật quan trọng của phim?
 
"Chúng tôi đang quay rất khẩn trương. Đoàn phim có một trường quay ở Cổ Loa. Nhiều gương mặt mới xuất hiện trong dàn diễn viên 127 người cho hơn 60 nhân vật chính, phụ có tên và cũng ngần ấy nhân vật không tên. Tôi không sợ bị chê, nhưng chê không chuẩn, không đúng là tôi... la làng đấy và không nể phục đâu. Thế hệ đạo diễn chúng tôi làm phim lịch sử có thể chưa hay thì con em chúng ta phải làm hay, để không phải xấu hổ với phim lịch sử Hàn Quốc, Trung Quốc" - đạo diễn Đặng Tất Bình.

Trần Tùng Linh (ghi)
 
- Đúng vậy! Tôi đã đọc nhiều sách vở viết về nhân vật này, và cảm thấy có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Chẳng hạn, có sách viết rằng, vị vua này hoang dâm vô độ mà bị bệnh trĩ, do đó không thể ngồi thiết triều mà cứ phải nằm. Có chút hiểu biết về y học sẽ biết rằng bệnh trĩ không thể là hậu quả của sự hoang dâm vô độ. Hơn nữa trong 4 năm làm vua thì ông đã nhiều lần thân chinh cầm quân đi đánh dẹp các nơi, người chỉ nằm một chỗ làm sao làm được việc ấy? Sách nói rằng Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu sư, tàn phá đạo Phật, vậy tại sao chính ông đã sai người sang Trung Quốc xin kinh Đại Tạng về; và ông vẫn dùng Lý Công Uẩn - người xuất thân là một Phật tử?... Tôi đã thể hiện một Lê Long Đĩnh vẫn có sự tham quyền, tàn ác, háo sắc, nhưng cũng là người biết trọng nghĩa và nhìn ra tài năng kẻ khác. Tôi cũng cố gắng lý giải hành vi giết anh (vua Lê Trung Tông) và việc “phải nằm một chỗ” của Lê Long Đĩnh theo cách của mình. Có thể người xem sẽ thấy phim có những tình tiết không giống với trong sách vở nhưng lại hợp với logic của nhân vật và câu chuyện.

* Trước Huyền sử thiên đô đã có ít nhất 3 dự án phim về Lý Công Uẩn đã và (được tuyên bố) sẽ triển khai, nên bị một số người kêu là “bội thực Lý Công Uẩn”. Anh cảm thấy thế nào khi chấp bút cho một kịch bản nữa về Lý Công Uẩn?

- Ở Trung Quốc, riêng về Tào Tháo đã có 87 phim, riêng Võ Tắc Thiên đã có 6 phim truyền hình dài tập. Điều quan trọng là mỗi phim có cách thể hiện, cách lý giải nhân vật riêng và không hề giống nhau. Hơn nữa, gọi là “nhiều” phim Lý Công Uẩn, nhưng đã có phim nào ra mắt đâu, chưa được xem phim nào thì sao đã bảo là “bội thực”?

Theo Phạm Thu Nga - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng