Ngày 9.6, tại TPHCM, ông đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng suốt đời 5 tựa sách của mình cho NXB Trẻ, nhận 100 triệu đồng tiền bản quyền đầu tiên.
Đó là 5 cuốn: “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”, “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”, “Hà Nội-cõi đất, con người”, “Hà Nội-phong tục, văn chương” và “Mặt gương Tây Hồ”. Trong kế hoạch sắp tới, NXB Trẻ sẽ in thêm 3 cuốn mới của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, là: “Quốc đô VN qua các thời kỳ”, “Văn Miếu VN” và “Lễ hội Thăng Long-Hà Nội”. Ngoài ra, NXB Trẻ cũng có chiến lược in thêm 1.000 cuốn “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”, có đánh số từ 1 đến 1.000, bìa đẹp, có chữ ký của tác giả.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ: “NXB Trẻ đã làm một việc khá mạo hiểm là ký hợp đồng bản quyền với một ông già ngoài 80 như tôi, có lẽ đó là do sự ưu ái đối với tác giả cũng như tình cảm đối với một người Hà Nội. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ mình viết cho người Hà Nội đọc, không nghĩ rằng độc giả TPHCM cũng hướng về Hà Nội với tấm lòng yêu mến như thế.
Tôi bắt đầu nghiên cứu về Hà Nội từ năm 1955. Khi ấy, tôi là thầy giáo dạy văn - sử - địa cấp 3, chỉ mong tìm tài liệu về Hà Nội để mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa cho các em học sinh. Không ngờ càng tìm hiểu, càng chưa thỏa mãn với những tài liệu đã có, thế là tôi bắt đầu có những công trình nghiên cứu riêng của mình, lần lượt đăng báo (mỗi tuần có đến 15 tờ báo in bài), về sau tuyển lại in thành sách.
Cho đến nay, tôi đã có 20 cuốn sách viết về Hà Nội. Đấy, cơ duyên của tôi viết về Hà Nội là như thế. Cho đến lúc này, tôi đang biên soạn hai cuốn nữa, một là “Lịch sử Thăng Long” (GS Phan Huy Lê chủ biên), hai là “Địa chí vùng Tây Hồ” (do tôi chủ biên, với hơn 1.000 trang viết về nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hoá, địa chất, địa lý...). Mỗi ngày, tôi vẫn dành thời gian viết 15 trang sách. Tuy năm nay đã 84 tuổi, nhưng tôi thấy mình làm việc như vậy vẫn chưa đủ.
Đã có nhiều người viết sách về Hà Nội, nhưng theo ông, vì sao ông vẫn giữ vị trí “nhà Hà Nội học” hàng đầu?
- Cũng có nhiều người rất am hiểu Hà Nội, như Tô Hoài, Trần Quốc Vượng, nhưng họ vẫn là nhà văn, nhà khảo cổ học. Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, có một điều trái ngược là ít người có thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu về Hà Nội và cũng ít người mới xuất hiện. Lý do là muốn viết về Hà Nội, mà chuyên về Hà Nội cổ, thì phải giỏi chữ Hán và giỏi tiếng Pháp mới có thể đào sâu vào tài liệu cũ. Bạn trẻ hiện nay lại sao nhãng hai thứ ngôn ngữ này. Đứng về góc độ Hà Nội học thì đó là điểm yếu và hiện nay tôi chưa thấy ai là người kế tục cả.
Liệu ông còn điều gì băn khoăn và vẫn cho mình chưa viết đủ ở khía cạnh nào đó về Hà Nội...?
- Hà Nội bây giờ còn nhiều điều để nói lắm. Tôi đang viết về con người Hà Nội. Hiện nay, người Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, phải đưa tư duy con người đến một mức cao hơn, thay vì như bây giờ. Ngay như cách ứng xử của người dân thủ đô trong thời gian gần đây không được văn minh, nhiều người quy cho dân ngoại tỉnh, nhưng theo tôi thì không phải. Dân ngoại tỉnh cũng có văn hóa của họ. Người Hà Nội hôm nay đề cao cái tôi, vốn trước kia từng bị xóa nhòa dưới thời phong kiến, nên nảy sinh tính ích kỷ, quên mất cộng đồng. Tìm hiểu bản chất để đề xuất làm sao giải phóng người Hà Nội khỏi tầm nhìn ngổn ngang như hôm nay, và nâng cao mặt bằng dân trí lên.
Xin cảm ơn ông.
Theo Minh Thi- LĐ
|