Chưa bám sát thực tiễn Giữa bối cảnh mạng Internet phát triển mạnh mẽ, các nhà văn, nhà thơ hầu như ai cũng có trang điện tử (web) riêng để giới thiệu tác phẩm của mình hay ít nhất là gửi tác phẩm lên những trang web văn nghệ, thì thật đáng tiếc, HNVTP hoàn toàn không có trang web riêng cho mình. Thậm chí, nhà văn Lê Thúy Ái còn phải kêu lên, không chỉ trang web đến cả thư điện tử (email) hội cũng không có, khiến nhà văn khi muốn gửi bài hay trao đổi liên lạc đều rất bất tiện. Không ứng dụng tin học còn tác động đến cả việc theo dõi sự biến đổi của văn học mà điển hình nhất là văn học mạng. Nhà báo – nhà văn Huỳnh Dũng Nhân nêu lên ý kiến, HNVTP chưa đề cập đúng đến văn chương mạng, một loại hình sáng tác mà theo nhà văn đang phát triển mạnh mẽ. Hội có tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến văn chương mạng, nhưng những cuộc trao đổi đó còn quá ít so với thực tế phát triển của loại hình này. Nhà văn Lê Văn Thảo, Chủ tịch hội nhiệm kỳ 5 vừa qua cũng thừa nhận, thời gian qua văn chương được chuyển tải qua mạng đã lấn áp cả văn chương giấy (xuất bản, in báo…), trong khi đó hội vẫn chỉ nắm được dòng văn chương giấy còn hầu như bỏ lửng văn chương mạng. Điều này đã dẫn đến nhiều vụ văn chương mạng gây xôn xao dư luận, cả tích cực lẫn tiêu cực, hội hầu như không biết để có phản ứng thích hợp. Việc chưa có trang web còn gây cho HNVTP những vấn đề đôi khi nằm ngoài việc văn chương. Cụ thể như trong đại hội trù bị diễn ra ngày 22-6, việc bầu chọn Ban Chấp hành đã phải diễn ra rất phức tạp do các đại biểu không nắm được thông tin liên quan đến các đại biểu ứng cử, do đó việc đề cử, xin rút khỏi danh sách đề cử, diễn ra khá lộn xộn. Vấn đề này có thể không xảy ra nếu trước đó các thông tin về các đại biểu được đưa cụ thể trên trang web của hội. Một vấn đề khác cũng được các đại biểu nêu ra, thị trường sách văn học TPHCM là một trong những thị trường phát triển mạnh nhất nước cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó sách dịch chiếm đa số, thế nhưng HNVTP lại không có hội đồng dịch, không có giải thưởng cho dịch thuật! Văn học trẻ - Điểm son chưa đủ thắm Trong những nhận xét về thành công của HNVTP nhiệm kỳ qua, văn học trẻ có thể nói là điểm son nổi bật nhất. Các nhà văn trẻ TP từ các thế hệ đi trước như Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Sỹ Sáu và sau này có Trương Nam Hương gần đây có Trần Lê Sơn Ý, Phan Hồn Nhiên, Phan Trung Thành… đều để lại những dấu ấn sâu đậm nơi bạn đọc. Các nhà văn, nhà thơ trẻ mới xuất hiện cũng đang dần khẳng định mình với những tác phẩm tạo dư luận, đoạt giải thưởng. Trong những thành tựu đó, bên cạnh tài năng còn có phần đóng góp không nhỏ của HNVTP. Trong nhiệm kỳ qua, hội đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về văn học trẻ, tổ chức hai cuộc hội nghị lớn gắn kết với đi thực tế, trao đổi bàn luận từ các đề tài, chủ đề trong sáng tác kinh nghiệm in ấn phát hành sách, kỹ thuật quảng bá sách, thơ đến công chúng cho các nhà văn, nhà thơ trẻ. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức cho các nhà văn trẻ có dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các thế hệ nhà văn đàn anh, tránh những sai lầm, lặp lại trong sáng tác. Tuy nhiên, điểm son văn học trẻ vẫn chưa đủ để thực sự trở thành nét đỏ thắm điểm tô cho thành tựu của hội. Nhà văn Trương Nam Hương, Trưởng ban Văn học trẻ, cũng thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại của văn học trẻ TP hiện nay. Đó chính là tính cá nhân trong đề tài sáng tác của các nhà văn trẻ. Các nhà văn trẻ bây giờ chủ yếu tập trung xoáy sâu vào tâm lý ngổn ngang, hoang mang, cô đơn của mỗi cá nhân trong sự biến đổi mạnh mẽ của xã hội. Những đề tài này không dở, nhưng nó khiến sáng tác của nhà văn tách rời khỏi khát vọng chung của tầng lớp trẻ hiện nay. Đó là chưa kể, dư thừa tính cá nhân mà thiếu mất tính khái quát của văn học khiến cho các tác phẩm trẻ hay bị hiểu nhầm là xa rời thực tế. Một trong những lý do khiến văn học trẻ chưa thể thực sự bùng nổ, theo nhà văn Trương Nam Hương, là do thiếu vắng lý luận phê bình văn học, nhất là phê bình văn học trẻ. Thi thoảng có bài phê bình đối với các sáng tác trẻ thì đều từ các nhà phê bình lão thành, những người nhìn các nhà văn trẻ với con mắt riêng, hoàn toàn vắng bóng các nhà phê bình văn học trẻ, những người có thể nhìn văn học trẻ bằng chính cặp mắt của thế hệ mình. Chính vì thế, đã không thể có sự nhận diện văn học trẻ hiện nay một cách đúng đắn, khách quan và gần gũi nhất. Thay mặt lãnh đạo TP, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, trong bài phát biểu tại đại hội đã nhấn mạnh: “HNVTP cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển hội, nhất là phát triển những nhà văn, nhà thơ trẻ. Từ đó hội sẽ tạo nên sự quy tụ mạnh mẽ, đa dạng và dân chủ các thành phần trong sáng tác… Đem đến những sản phẩm văn hóa tốt nhất cho người dân, góp phần phát huy văn hóa đọc ở TP, song hành với sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay”.
Theo Tường Vy - SGGP |