Công chúng biết tới nhạc của Vĩnh Cát qua rất nhiều tác phẩm bằng lời viết về Hà Nội, nhưng ít được thưởng thức nhạc giao hưởng của ông viết về mảnh đất Ngàn năm này? - Quả thực sau bản “Hái hoa dâng Bác” năm 1960, tôi được cử đi học ở Liên Xô, sau đó về nước công tác tại nhạc viện Hà Nội, sau đó làm giám đốc sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hà Nội. Thời gian làm quản lý ngốn hết thời gian rồi nên không đủ sự tĩnh tâm viết giao hưởng. Viết nhạc giao hưởng phải “nhốt mình” trong nhà hàng tháng trời mới ra tác phẩm được. Tôi có viết vài tác phẩm về Hà Nội nhưng chỉ có tính chất liên quan đến Hà Nội. Bản “Cuộc đối đầu lịch sử”, tôi viết năm 1969. Nội dung chính của bản giao hưởng là phản ánh cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ra miền Bắc nhưng Hà Nội là trung tâm của cuộc tàn phá ấy nên những gì tôi chứng kiến cảnh chết chóc, tang thương của người dân và tinh thần đấu tranh anh dũng đều là ở Hà Nội. Sau này tôi viết bản “Ngàn năm khoảnh khắc” vào giao điểm thiên nhiên kỷ 2 và 3. Viết tại Hà Nội, cảm xúc lâng lâng đó là của Hà Nội. Cho nên, những tác phẩm ấy dù không viết trực tiếp bằng cảm thức về Hà Nội nhưng mang hơi thở rất riêng của Hà Nội. Hai bản giao hưởng “Đây sông Hồng – Sông Cái” và “Không chỉ là Huyền thoại” của ông mới hoàn thành thời gian gần đây khi ông về hưu được gần 10 năm. Phải chăng, viết giao hưởng về Hà Nội quá khó? - Khó chứ. Tôi từng “trà dư tửu hậu” với nhà thơ Vũ Quần Phương và Bằng Việt và có trao đổi rằng chúng tôi nên viết nhạc hoặc làm thơ bằng lời thuần túy để công chúng dễ hiểu hơn. Các ông ấy cũng muốn viết trường ca về Thăng Long – Hà Nội nhưng mãi không thấy đâu. Thời gian đến gần ngày kỷ niệm Đại lễ rồi nên tôi cố gắng sáng tác 2 bản giao hưởng. Hai bản này tôi mất gần 2 năm để gõ nốt nhạc, soạn nhạc, sửa chữa, công phu lắm. Theo tôi, ở đâu mà lời nói bất lực thì hãy vang lên tiếng nói bằng âm nhạc. Chính điều đó thôi thúc tôi viết nhạc giao hưởng. Và cuối cùng cũng có sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, nếu ai không hiểu sự cần thiết của nhạc giao hưởng thì họ xua tay ngay: “Ai hiểu nhạc giao hưởng mà viết”. Mỗi một sáng tác của ông là quá trình tìm tòi vốn cổ, lịch sử và văn hóa. Qua giọng điệu và âm hưởng của 2 bản giao hưởng “Đây sông Hồng – Sông Cái” và “Không chỉ là Huyền thoại”, người nghe có thể thấy được lịch sử Hà Nội như thế nào? - Bấy lâu nay chúng ta vẫn làm sân khấu hóa lịch sử nhưng đối với nhạc không lời nói chung và nhạc giao hưởng nói riêng không viết lại lịch sử thông qua tác phẩm. Riêng tôi, tôi không viết lại lịch sử mà chỉ lấy cái cảm thức đối với lịch sử. Bản giao hưởng “Đây sông Hồng – Sông Cái” viết về sông Hồng – chảy qua Hà Nội hơn 40 km, bồi đắp nên vùng châu thổ rộng lớn ở miền Bắc Việt Nam. Con sông gắn bó với cuộc sống người Thăng Long từ bao đời nay với bao nhiều tình cảm yêu thương, vui buồn, da diết, mãnh liệt. Con sông phản ánh muôn mặt đời sống người Hà Nội. Viết về dòng sông Hồng bằng nhạc giao hưởng thì chưa ai viết cả. Có lẽ lịch sử trao vào tay mình chăng? Tôi làm thôi. Chất Hà Nội, con người Hà Nội thể hiện như thế nào trong hai bản giao hưởng này? - Con người Hà Nội tiêu biểu cho con người Việt Nam. Cung bậc hào hoa, thanh lịch, dũng cảm, chí khí được tôn lên vì mảnh đất này là kinh đô, hơn nữa là nơi lắng tụ văn hóa của mọi miền đất nước. Chương II của bản “Đây sông Hồng – Sông Cái” mang tên “Lấp lánh đỏ sóng phù sa” không chỉ thể hiện màu đỏ đặc trưng của sông Cái, lấp lánh dưới ánh trời một vẻ đẹp kỳ ảo mà bao đời nay, con người đắp đê phòng lụt, rồi giặc ngoại xâm xa, gần kéo đến, vượt sông vào kinh thành bao nhiêu lần thì bấy nhiêu lần chịu thảm bại ê chề rút lui về cố quốc, máu đã nhuộm dòng sông đỏ thêm. Con người Hà Nội hiện lên đầy kiêu hãnh thế đấy. Xin cảm ơn nhạc sĩ! Theo Đức Chính - vietnamnet |