Dư luận đã cảnh báo về tình trạng loạn sách và những yếu kém về hình thức như: trình bày lố lăng, không thẩm mỹ; về nội dung nhiều cuốn cóp nhặt, sao chép và hết sức cẩu thả... Bên cạnh đấy là thực trạng bán giấy phép tràn lan, tên các NXB chỉ còn là thứ trang sức, còn nội dung thì nhiều cuốn quá tầm thường hoặc nhố nhăng. Vừa rồi, NXB Trẻ của TP Hồ Chí Minh mua bản quyền 5 cuốn: Hà Nội cõi đất con người; Hà Nội phong tục, văn chương; Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây hồ của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là một điều đáng mừng, đáng quý. Theo ông Phúc, trước đó nhà văn Tô Hoài cũng đã bán bản quyền một số đầu sách cho nhà sách Phương Nam. Ông Phúc khẳng định: “Sách của tôi in ở TP Hồ Chí Minh tôi cảm thấy vinh dự vì số bạn đọc ở đây cao hơn Hà Nội. Sách của tôi in ở Hà Nội khoảng 1.000 cuốn bán rất chậm, khoảng 3-4 tháng mới hết, trong khi đó NXB Trẻ in vài nghìn cuốn, vài tháng hết veo. Sách của NXB Trẻ tổ chức in ấn rất tốt, giấy đẹp, co chữ đẹp, dàn trang đẹp, bìa sang trọng, lịch sự... NXB còn rất quan tâm đến vấn đề ảnh tư liệu nên làm tăng giá trị trực quan cũng như giá trị của sách lên rất nhiều...”. Từ sự nhìn nhận, đánh giá của nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Vinh Phúc, có thể thấy công tác xuất bản ở hai thành phố, hai vùng văn hóa lớn nhất nước còn tồn tại những “vùng trũng” trong cách nghĩ, cách làm, nhằm hướng tới mục đích chung là phát triển văn hóa, mang văn hóa đến độc giả cả nước. Thứ nhất: các NXB của trung ương, của Hà Nội hay chuyên ngành đóng trên địa bàn Thủ đô chưa có “thói quen” mua hay sang nhượng bản quyền tác phẩm, tác giả. Đó là chưa kể các NXB phía Bắc coi việc săn đón tác giả, bản thảo hay và chất lượng vẫn như là việc của ai chứ không phải của mình. Đây là một điểm yếu của các NXB phía Bắc. Thứ hai: sách của một số NXB phía Nam từ khâu tổ chức thực hiện đến biên tập, in ấn, trình bày... mang tính chuyên nghiệp khá cao (những năm gần đây, một số NXB phía Bắc cũng có sự đầu tư mang tính chuyên nghiệp, tuy nhiên không đều). Chính vì thế đã có những khác biệt giữa hai thị trường sách lớn này. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp đến gần. Ngay từ những năm trước, nhiều NXB trong cả nước đã có kế hoạch tổ chức xuất bản những tác phẩm viết về Hà Nội. Tuy nhiên, việc xuất bản những tác phẩm viết về Hà Nội cũng gặp nhiều điều kiện không thuận lợi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Điệp (NXB Văn hóa - Thông tin) bỏ công sức hàng chục năm, cùng một hội đồng biên soạn uy tín, làm bộ sách Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long hơn 12.000 trang sách, 4 tập than: Sách ra, Hà Nội mua được 500 bộ, NXB không có tiền để trả nhuận bút tác giả (người viết là các chuyên gia trong từng lĩnh vực). Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dồn tâm sức, trí tuệ trong hơn 30 năm để viết hai bộ tiểu thuyết về triều đại nhà Trần và nhà Lý. Bộ tiểu thuyết về triều đại nhà Trần đã xuất bản. Bộ về triều nhà Lý (Lý Bát Đế) viết xong từ năm 2009, nhưng đến nay chỉ còn khoảng trăm ngày nữa đến Đại lễ, sách chưa được xuất bản. Lạ lùng thay, tiểu thuyết viết về nhà Lý, mà Lý Công Uẩn là vị vua quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (Thăng Long), nhưng bộ sách vẫn chỉ là bản thảo! NXB Hà Nội, nói công bằng đã có thịnh tình, tuy nhiên không thỏa thuận được với tác giả. Thật đáng tiếc, giá như hiện giờ độc giả cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, có trong tay bộ tiểu thuyết hơn 3.000 trang về triều Lý, hẳn rằng sẽ hiểu sâu, hiểu kỹ về một triều đại hùng mạnh, hưng thịnh của lịch sử dân tộc, qua đó nhân lên biết bao nhiêu lòng tự hào về đất nước, con người Việt Nam. Phải chăng, kinh tế thị trường cùng cách nhìn, tầm nhìn, vô hình chung đã khiến cho người đọc chịu thiệt thòi tại một vùng văn hóa có bề dày lịch sử và phong phú bậc nhất. Quy luật cuộc sống, khi thời cơ đến mà không biết chớp lấy thời cơ thì người khác sẽ chớp mất thời cơ ấy. Theo Cao Minh - SGGP |