Con số đó không hề đơn giản, đi kèm với nó là nhiều nỗi băn khoăn, trong đó chất lượng phim vẫn là số một!
Khó cho đài địa phương
Thật ra tỉ lệ 30% này đã được quy định từ lâu, cũng như yêu cầu về chiếu phim Việt trên “giờ vàng”, nhưng để thực hiện trên diện rộng cả nước với tất cả các đài truyền hình thì đây mới là thời điểm.
Với các “ông anh cả” như Đài Truyền hình VN (VTV), Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và Đài Phát thanh - Truyền hình HN (HTV) thì tỉ lệ 30% không là bài toán khó, vì hai lẽ: Nguồn phim của họ dồi dào, với phim do nhà đài sản xuất “của nhà trồng được” và nguồn phim xã hội hoá. Nguồn thu từ các spot quảng cáo cho mỗi phim cũng mạnh mẽ, và thực tế là họ đã làm tốt. Cái khó nằm ở các đài địa phương, vì không thể đủ kinh phí sản xuất nhiều phim truyện truyền hình VN/năm phát sóng, lại đã nhiều năm nay “quen” mua các phim Hàn Quốc, Trung Quốc với giá khá rẻ (khoảng 2.000USD - 5.000USD/ phim) để phủ sóng.
Nếu trước đây, các đài địa phương chỉ cần phát lại “vô tư” các phim truyện VN của các đài lớn như VTV, HTV với logo của VTV, HTV thì nay buộc phải mua bản quyền. Nhưng họ thường cũng chỉ mua bản quyền mỗi phim 1 - 2 năm, với giá trung bình 4 đến 5 triệu đồng/tập; còn năm thứ ba có khi vẫn phát mà không trả tiền. Không lẽ các nhà phân phối phim lại đi kiện khách hàng của mình?
Lo về chất lượng
Chất lượng phim VN trên sóng truyền hình không cao trên mặt bằng chung, dĩ nhiên cũng có một số phim hay thu hút đông người xem nhưng số này quá ít. Nguyên nhân có nhiều. Anh Đỗ Hoàng Nam - Giám đốc dự án của Cty Nam Giao (đã mua bản quyền của 1.600 tập phim VN) - nêu ý kiến: Với kinh phí sản xuất phim truyền hình VN nhà đài giao có 200 triệu đồng/tập thì quả là khó có phim hay (dĩ nhiên Đài truyền hình TPHCM có cao hơn). Việc khai thác lại các phim truyện VN đã phát trên Đài THVN để phân phối lại cho các đài địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn.
Và việc phân định giá cả cũng phải rạch ròi hơn. Ví như ở một số nước, họ phân ra phim sản xuất 10 năm trở về trước, 10 năm gần đây và phim mới phát hành, với các mức giá khác nhau. Theo anh Nam, ở ta cũng chưa có những tổ chức độc lập (mà thực tế là hãng phim đứng sau) để thành lập các cơ sở dữ liệu phim, đảm bảo cập nhật thường xuyên, đầy đủ, phục vụ việc tra cứu. Viện phim VN cũng chỉ số hoá các phim truyện nhựa VN, chứ cũng chưa số hoá phim truyền hình VN.
Đạo diễn trẻ Phan Đăng Di thì cho rằng: Thực hiện tỉ lệ 30% là quy định đúng, rất tốt cho phát triển phim Việt, nhưng đồng thời với nó phải xây dựng quy chế tạo ra nguồn phim. Vì nếu không nâng cao chất lượng phim, thì khán giả sẽ phải chịu đựng xem những phim Việt dở, nhạt nhẽo! Đó là chưa kể khán giả sẽ phải xem lại quá nhiều một số phim Việt (dù là phim hay) bởi lẽ nhiều đài địa phương mua lại các phim đã phát sóng trên VTV trong khi bản thân VTV đã phủ sóng toàn quốc.
Nói vậy thôi, phim hay bao giờ cũng thiếu và nếu một năm chỉ có vài ba phim hay đã là quá tốt, miễn là khán giả được ăn kèm với tỉ lệ những phim khá và trung bình vượt trội phim dở!
Theo LĐ
|