Đề cập tới việc nhất thiết phải có một dòng phim lịch sử VN đã là quá muộn nhưng muộn còn hơn không, bởi như nhà văn Đình Kính nói- “nếu không kịp xây dựng những phim lịch sử VN thì chúng ta có tội với dân tộc”. Nhất là trong bối cảnh phim lịch sử Hàn Quốc, TQ tràn ngập sóng truyền hình, trẻ em VN thuộc sử Tàu hơn sử Việt... Nhưng điều đó phải bắt nguồn nhận thức “thông thoáng hơn” của các vị lãnh đạo. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát vẫn còn bức xúc về chỉ đạo “dãn tiến độ” đã khiến bao công làm phim truyện nhựa “Lý Công Uẩn” xôi hỏng bỏng không. Làm phim lịch sử nhưng phải tập trung vào giai đoạn cổ đại, trung đại là ý kiến nhiều đại biểu. Điều quan trọng là quan niệm làm phim lịch sử như thế nào? Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh cho rằng hãy lấy tinh thần, hồn vía của giai đoạn lịch sử đó nhưng sáng tạo bằng cái nhìn của mỗi nghệ sĩ bởi mỗi tác phẩm nghệ thuật phải có dấu ấn riêng. Hãy cứ làm phim đi rút kinh nghiệm cẩn thận để khắc phục những lỗi lầm (nếu có) về bối cảnh, phục trang cho phim sau. Một vấn đề thiết yếu để có phim lịch sử tốt vẫn là xây dựng trường quay. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc nhấn mạnh đây là vấn đề “sống còn”. Ông dẫn ra trường quay Hoành Điếm (TQ) mà nhiều đoàn làm phim VN phải thuê bối cảnh, với đầy đủ các bối cảnh đời Minh, đời Thanh... và hệt như một thành phố điện ảnh, với các dịch vụ ăn theo. PGS-TS Trần Duy Hinh cho rằng: Kho tàng lịch sử VN là vô tận, nhưng chưa được khai thác kỹ càng. Lịch sử là cái khung, nhưng hãy sáng tạo tưởng tượng trong cái khung ấy, hay như chữ dùng của nhà văn Pháp A.Dumas (cha) là mỗi nghệ sĩ hãy vẽ bức tranh riêng của mình trong cái khung cố định ấy. Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh phân tích các xu hướng, trào lưu làm phim lịch sử trên thế giới, liên hệ với điện ảnh VN và đề ra các giải pháp xây dựng, thực hiện các phim lịch sử VN trong đó nhà làm phim nhất thiết phải là chuyên gia am hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc cũng như ông nêu khả năng tăng cường hợp tác liên kết, liên doanh. Một đoạn video clip ghi lại cuộc toạ đàm về phim VN với đề tài lịch sử do phóng viên chương trình “Điện ảnh chiều thứ bảy” thực hiện đã lâu cũng được phát trong hội thảo. Nhà văn Chu Lai, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đều thống nhất ý kiến cho rằng hãy viết kịch bản, hãy làm phim về lịch sử, về quá khứ bằng nhịp đập của trái tim hiện đại. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nêu ý kiến: Hãy tôn trọng sự kiện, dấu mốc lịch sử khi sáng tác nhưng hãy biến các nhân vật lịch sử - các vị thánh - thành con người để tạo nên các tác phẩm sống động. Việc Cục Điện ảnh VN xây dựng một đề tài khoa học cấp nhà nước mang nhiều tính ứng dụng “phim truyện VN với đề tài lịch sử” mà hội thảo chỉ góp phần đào xới là một việc cần thiết. Mục đích như NSƯT Lại Văn Sinh Cục trưởng Cục Điện ảnh VN khẳng định là có một dòng phim lịch sử VN, để làm phim lịch sử không chỉ đợi vào dịp kỷ niệm, lễ lạt... Tuy nhiên thời gian hội thảo quá ngắn gọn, bởi thế mọi việc mới chỉ dừng ở những ý kiến chung nhất. Ngay như việc xây dựng một đội ngũ diễn viên chuyên đóng các nhân vật lịch sử- điều mà nhiều nước đã làm - hay việc thực hiện những bộ phim đa quốc tịch để huy động thêm nhiều nguồn vốn xã hội hoá cũng chưa được bàn tới... Theo Việt Văn - LĐ |