Văn nghệ trong nước
Cảm xúc đẹp trong đêm nhạc giao hưởng của Vĩnh Cát
14:32 | 13/07/2010
Người thưởng thức cảm nhận đây là một đêm âm nhạc trọn vẹn, đầy ắp âm thanh giao hưởng của một tác giả, một người con như muôn người con của đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, vô cùng tự hào và yêu quý mảnh đất lịch sử hào hùng với những con người hào hoa, lịch lãm.
Cảm xúc đẹp trong đêm nhạc giao hưởng của Vĩnh Cát
Nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Đêm 4.7 vừa qua, chương trình âm nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Vĩnh Cát đã được giới thiệu trân trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Là một trong những hoạt động khởi đầu 100 ngày trước đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chương trình đã được sự đầu tư tài chính của thành phố và sự đóng góp đáng kể của Dàn nhạc Giao hưởng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (HVÂNQGVN) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản tên tuổi Shuichi Komiyama. Chương trình gồm bản giao hưởng 5 chương có tiêu đề “Không chỉ là huyền thoại”.

Mỗi chương đều có tiêu đề cụ thể như: Đế đô cho muôn đời; Tình người Thăng Long – Hà Nội; Những thiên sử vàng; Sức sống kinh kỳ; Đất nước tiên rồng cất cánh. Bản concerto cho đàn violon và dàn nhạc giao hưởng “Đây sông Hồng – sông Cái” gồm 3 chương với các tiêu đề: Soi bóng kinh thành, Lấp lánh đỏ sóng phù sa và Mãi dạt dào, ơi dòng sông.

Từ những ngày hè năm 2008, nhạc sĩ Vĩnh Cát bắt đầu chấm phá những nốt nhạc đầu tiên của hai tác phẩm lớn. Tác giả đã từng mời bạn bè, đồng nghiệp, trong đó có tôi đến chơi nhà để giới thiệu những ý đồ, bút pháp, cấu trúc của hai tác phẩm, lắng nghe những ý kiến đóng góp để hoàn thiện, chuẩn bị cho ngày ra mắt công chúng thủ đô.

Riêng tôi, mới chỉ qua một đêm thưởng thức không thể có những đánh giá quá sâu, quá nhiều qua hai tác phẩm đồ sộ này, mà chỉ là những cảm nhận nóng hổi, đã có những giây phút làm con tim tôi thực sự rung động, mong muốn được viết bài này để chia sẻ niềm vui cùng bạn bè, cùng thính giả và đặc biệt với tác giả thân quý của tôi.

Tác giả thực sự có tay nghề cao, nhuần nhuyễn và sắc bén trong bút pháp giao hưởng, già dặn trong sử dụng hòa thanh, phối khí, tinh tế trong kết hợp khai thác chất liệu dân ca với sự phát triển của các âm hưởng đó một cách phảng phất bằng bút pháp hòa thanh, phối khí hiện đại dễ cảm nhận.

Đối với người nghệ sĩ biểu diễn, tác giả đã tạo cho họ không ít những khó khăn trong kỹ thuật xử lý diễn tấu bởi ngôn ngữ hiện đại không thuận lợi như bao tác phẩm giao hưởng thời cổ điển, lãng mạn của thế giới mà các nghệ sĩ đã từng biểu diễn. Trong bản concerto “Đây sông Hồng – sông Cái”, tác giả đã khai thác triệt để kỹ thuật ưu việt của cây đàn violon để chuyển tải nhiều nội dung, ý đồ tư tưởng của tác phẩm. Chương II của bản concerto để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp hơn cả bởi những giai điệu đẹp, nhiều dạng tiết tấu tương phản khá hấp dẫn, thủ pháp phối khí cho dàn nhạc rất độc đáo, tôn vinh được tiếng đàn violon solo. Đoạn cadanza (solo) của violon thực sự có giá trị cao về kỹ thuật đa dạng để nghệ sĩ độc tấu trổ tài.

Tuy nhiên, tác giả cần giảm bớt thủ pháp “mô phỏng” trong một số nét nhạc và một số khúc nhạc, giữa solist và dàn nhạc còn chơi đồng âm hơi nhiều, làm hạn chế vai trò độc tấu của đàn violon. Đây là một tác phẩm có giá trị cao về chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật, là tác phẩm thuộc thể loại khí nhạc lớn khá nổi trội trong kho tàng âm nhạc VN, sẽ không chỉ vang lên một lần mà sẽ còn được nhiều nghệ sĩ violon biểu diễn sau này.

Qua hai tác phẩm với những bút pháp riêng rất “Vĩnh Cát” lần này, một lần nữa khẳng định trình độ, bản lĩnh về kỹ thuật, khả năng diễn tấu của Dàn nhạc Giao hưởng Học viện ÂNQGVN được nâng lên tầm cao mới.

Bằng tài năng và bản lĩnh kỹ thuật của mỗi nghệ sĩ giữ vai trò solist như kèn trompette, flute, clarinette, bộ gõ... cùng các bè trong bộ đàn dây đã thực hiện xuất sắc vai trò tái tạo giá trị của tác phẩm, đem đến cho người nghe nhiều cảm xúc đa chiều, đa dạng thú vị và thể hiện tốt cái hồn của những tư tưởng, tình cảm lớn của tác giả đã gửi gắm vào tác phẩm của mình.

Nghệ sĩ Nhật Bản Shuichi Komiyama là một nhà chỉ huy dàn nhạc tên tuổi đầy kinh nghiệm và bản lĩnh. Ông đã làm việc với giàn nhạc Học viện ÂNQGVN nhiều lần với nhiều tác phẩm giao hưởng kinh điển của thế giới và đã đem lại những thành công đáng trân trọng và góp phần vào sự trưởng thành của dàn nhạc. Lần này, ông đã phải đảm nhận hai tác phẩm lớn rất mới, rất xa lạ về nhiều mặt trong sáng tác của tác giả Việt Nam. Tôi thán phục và cảm ơn nhà chỉ huy với tấm lòng, tình cảm và tài năng của mình góp phần rất lớn vào sự thành công này.

Nguyễn Mỹ Hương là nghệ sĩ độc tấu violon thực sự có tài và bản lĩnh vững vàng. Lần này, bản concerto “Đây sông Hồng – sông Cái” với 3 chương có độ dài gần 40 phút đồng hồ là một thành công lớn và cũng là một thử thách đáng ghi nhớ trong tiểu sử nghệ thuật của chị. Bằng tài năng, bản lĩnh nghệ sĩ vững vàng, chị đã chuyển tải một cách xuất sắc cái hồn của tác phẩm bởi những ngón kỹ thuật rất điêu luyện trên cây đàn violon.

Lời kết của bài viết này là đôi dòng chúc mừng chân thành đến nhạc sĩ Vĩnh Cát với dấu son rất sáng đẹp của hai tác phẩm lớn của ông, khẳng định một lần nữa tên tuổi của ông, một nhạc sĩ có nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác giao hưởng, góp phần vào niềm tự hào trong kho tàng âm nhạc Việt Nam mang tính truyền thống và hiện đại.

Theo GS-NSND Bùi Gia Tường - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng