Tại ngã ba sông Đồng Nai, đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa, có một vùng đất đặc biệt, nơi còn lưu rõ dấu chân của cha ông trên bước đường Nam tiến. Vùng đất này có tên gọi là Cù Lao Phố. “Con sông Đồng Nai như cặp vợ chồng thuận thảo dìu nhau vượt qua bao thác ghềnh vất vả, vậy mà khi êm ả, dòng sông giận dỗi tách làm đôi. Cũng may hai nhánh sông đã kịp làm hòa với nhau trước khi tan vào biển lớn. Phút giây đỏng đảnh ngắn ngủi ấy đã để lại cho đời một cù lao trù phú và màu mỡ”. Nơi đó chính là Cù Lao Phố, phố thị đầu tiên của cư dân Việt ở phương Nam. Ngày nay người ta hay nhắc đến Đức ông Trần Thượng Xuyên và Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, vì Trần Thượng Xuyên có công tạo nên thương cảng sầm uất trên cù lao và Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh có công định biên miền đất này vào năm 1698. Nhưng trước khi Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, đã có nhiều người Việt sinh sống tại đây. Họ là những người có công khai phá đất cù lao. Một trong những người có công đầu là Công chúa Ngọc Vạn. Vì sứ mệnh tổ quốc giao phó phải bang giao với phương Nam, Công chúa Ngọc Vạn đành gạt lệ bỏ lại sau lưng hoàng cung lầu son gác tía để vào miền sông nước này. Thời gian đã xóa đi dấu vết của người. Cũng may một nhà sử học xứ Biên Hòa, ông Lương Văn Lựu đã cất công sưu tầm và ghi lại vài dòng về vị công chúa đã bị lịch sử lãng quên. Trong cuốn Biên Hòa sử lược, ông viết: “Theo gia phả của chúa Nguyễn, được Tôn Thất Hân sưu nghi, thì chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên sanh năm Quý Hợi (1563), vương tôn bà Mạc Thị Giai làm chánh hậu. Bà này sanh hạ ba lệnh nữ, Công chúa Ngọc Vạn là con thứ hai. Năm 1620, Lạp Vương Chây Chét Ta II xin cầu hôn hoàng nữ nước Việt. Sãi Vương thuận gả Công chúa Ngọc Vạn cho Chân Lạp. Về sau, bà là Hoàng Thái hậu. Nhân lúc tình hình Chân Lạp rắc rối, nhân dân cầu cứu, bà đã nhờ chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần can thiệp. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân xin nhượng đất Nông Nại cho phủ chúa. Kể từ đây các cư dân Đại Việt đặt chân đến vùng “gạo trắng nước trong” dưới sự bảo trợ của bà Ngọc Vạn”. Những người sinh sống trên đất cù lao ngày hôm nay, ai là hậu duệ của đoàn người theo chân Công chúa Ngọc Vạn ngày ấy? Cù Lao Phố hôm nay vẫn bình an thanh thản, hiền lành và thủy chung như hàng trăm năm trước, như ông lão đưa đò đã chở chúng tôi đi quanh cù lao. Ngày xưa mẹ ông cũng đưa đò ở bến sông này, và bây giờ hết đời mình, ông lại truyền cho con cháu. Những cây cầu hiện đại chẳng thể làm thay đổi thói quen trong tâm thức người Việt với hai tiếng “đò...ơi” thân thương trong hành trình mở cõi. Ông lão đưa đò còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình kỳ lạ bên ngôi chùa cổ nhất miền Nam, một câu chuyện làm chúng tôi kinh ngạc, dù có thể nó chỉ là truyền thuyết: Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành (không rõ năm sinh) là nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong quốc sư. Với kiến thức Phật học uyên bác, ông được vời về kinh để giảng dạy cho hoàng tộc. Tại kinh đô, người cô ruột của vua Minh Mạng thọ giới bồ tát, được ông ban pháp danh Tề Minh Thiện Nhựt. Trong những ngày theo học đạo có vị Hoàng cô em ruột của vua yêu ông say đắm. Năm 1821, sư phụ của ông là hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch, ông trở về miền Nam chịu tang rồi ở lại. Những tưởng tránh được oan tình ràng buộc, nào ngờ vị Hoàng cô si tình tìm đến tận nơi. Ông quyết định nhập thất hai năm, tránh không gặp mặt, nhưng Hoàng cô quyết liệt xin được nắm tay ông. Cảm động trước tấm chân tình ấy, ông đưa tay ra cửa sổ cho bà hôn. Ngay trong đêm, ông đã tự thiêu sau khi ghi lại bài kệ trên vách để bày tỏ tấm lòng trong sạch của mình. Điều lạ là mọi thứ cháy hết nhưng bài kệ ông ghi trên vách vẫn còn, đến nay nhiều nhà sư vẫn thuộc bài kệ này. Ba ngày sau khi an táng thiền sư, Hoàng cô cũng uống độc dược quyên sinh tại chùa Đại Giác. Chúng tôi lên bờ và tìm đến với ngôi chùa được xác định là ngôi chùa của người Việt cổ nhất miền Nam. Theo thư tịch còn lại thì chùa Đại Giác thành lập từ giữa thế kỷ 17, trước sự có mặt của Công chúa Ngọc Vạn. Ngày đó ngôi chùa là một cái am nhỏ thờ Phật của người Việt, dần dần dân cư đến sinh sống đông đúc, họ xây trên mảnh đất ấy một ngôi chùa lớn. Chùa Đại Giác còn có tên gọi khác là chùa Tượng. Ni sư Diệu Trí Huệ giải thích: Chữ “tượng” ở đây có nghĩa là voi vì năm 1802, vua Gia Long đã cho đàn voi đến chở đất đắp sân xây lại chùa. Khi công trình hoàn thành, ông cho thợ tạc pho tượng Phật Di Đà bằng gỗ quý cao gần 2 mét, đến nay vẫn còn được thờ tại chính điện. Số là năm 1779, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) đã đến trú ẩn tại đây. Trong bầu đoàn thê tử của ngài có Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh là người uyên thâm về Phật học. Công chúa đã xuất gia đầu Phật và ở đây cho đến khi vua cha lên ngôi và triệu hồi về kinh. Theo nhà sư Huệ Thiền thì không ai rõ tên Đại Giác tự có từ lúc nào, khi công chúa về kinh, bà đã để lại bài kệ giải thích ý nghĩa hai chữ Đại Giác. Từ câu chuyện về Đại Giác tự và Công chúa Ngọc Vạn, có thể khẳng định những cư dân Việt có mặt tại đây từ năm 1650. Ngày nay trên cù lao vẫn còn những cảnh hoang sơ như thời mở cõi, những làng quê thanh bình yên ả bên dòng Đồng Nai bốn mùa xanh thẳm... Theo Nguyễn Một - TN |