Việc xướng lời giải phải tuân theo tiếng trống của thầy thai (người điều khiển cuộc chơi). Khi đồng ý cho người giải xướng, thầy thai gõ một nhịp trống. Cứ thế cuộc chơi lúc nào cũng được điều khiển bằng các nhịp trống của thầy thai. Hiện nay, ở ĐBSCL, thú chơi này đang còn được tổ chức ở thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng)... Anh Tô Thanh Bình - công tác ở HĐND huyện Mỹ Xuyên - cho biết: “Từ thời thị trấn Mỹ Xuyên còn gọi là Bãi Xàu, mỗi khi đến rằm hay cúng đình (kỳ yên), cúng miễu, đám con nít tụi tui đón canh tiếng trống tùng tùng nhịp hai là biết có đố thai. Ráng ăn cơm sớm để vọt đi giải đố, kiếm chút quà”. Hiện tại, người giữ vai trò thầy thai là cụ Nguyễn Văn Nhung (76 tuổi). Dáng người nhỏ nhắn, tóc bạc phơ nhưng vô cuộc chơi, ông luôn giữ vai trò thầy thai cầm trống giải đố, giải nghĩa, nhắc tuồng cho người chơi với giọng nói sang sảng; đôi lúc thật hài hước khiến người chơi ôm bụng mà cười. Trong cuộc chơi thai, không phải ai cũng rành chuyện thi phú, đoán chữ nghĩa, ý tứ của câu thai. Vì vậy, mỗi cuộc chơi đều có một “ông thầy phá thai” (người giải câu đố, gợi ý lời giải cho người chơi). Hơn 30 năm nay, vai trò này do “ông lầu bầu” Trịnh Văn Bé đảm trách. Năm rồi, cuộc đố thai được tổ chức vào đêm 10.5 tại Đình thần Bãi Xàu (cũ) như mọi khi. Cụ Nhung vẫn cầm chân thầy thai, “ông lầu bầu” vẫn chạy lăng xăng để nhắc tuồng cho đám con nít. Tổ chức một đêm chơi thai không tốn nhiều tiền lắm, chỉ cần 1-2 triệu đồng sắm quà thưởng. Cấp độ khó của mỗi câu thai sẽ tương ứng với giá trị quà mà người giải đúng được nhận. Thông thường, mỗi buổi chơi sẽ có 3 canh, canh đầu mở màn cho đêm chơi thai là những câu thai dễ, phần thưởng là 2 gói mì gói, vài bịch kẹo... Mỗi câu thai giải xong sẽ được gỡ xuống để dán lên câu thai khác. Canh đầu sẽ mở màn sau tiếng trống hiệu từ đình thần, thường vào lúc 18h chiều. Thường thì những câu thai dễ nhất đám thanh niên dành cho bọn trẻ nít. Nếu bọn trẻ không giải nổi thì sẵn sàng nhắc tuồng. Cánh thanh niên thường chọn những câu thai khó vì như thế mới “xứng mặt anh hùng” với các nàng cùng đi chơi. Đa phần những câu thai đều thuộc dạng văn vần, phổ biến là lục bát. Tuy lời văn mộc mạc nhưng đậm chất giáo huấn, nhắc nhở mọi người lẽ đời ở sao cho phải. Thú nhất, vui nhất là giai đoạn xướng lời giải. Tất cả đều phải theo tiếng trống của thầy thai. Bất kỳ ai muốn giải đố thì sau khi đọc số câu thai, thầy thai đồng ý bằng một tiếng trống “tùng” thì bắt đầu đọc nhưng phải đọc đúng nhịp điệu, đúng vần. Dứt mỗi câu, chỉ được đọc khi thầy thai đệm một tiếng trống. Nếu đúng thì thầy thai sẽ thưởng bằng một hồi trống mà kết thúc bằng tiếng gõ xèng thật lớn. Còn nếu lời giải gần đúng thì hồi trống sẽ không có tiếng “xèng” mà chỉ có tiếng gõ vào tang trống “cắc” như thở dài tiếc nuối. Còn nếu chỉ có 3 tiếng gõ vào tang “cắc... cắc... cắc” thì kể như... trật lất! Những người tâm huyết với trò chơi độc đáo này ở Mỹ Xuyên hiện còn nhiều. Trò đố thai ở Sóc Trăng hiện chỉ còn duy nhất ở ấp Chợ Cũ. Nên chăng trò chơi này cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và bảo tồn vì là một trò chơi đậm nét văn hoá của lớp người đi “mở đất” khi xưa. Theo Phương Quang - LĐ |