Văn nghệ trong nước
Nỗi buồn của các nhà làm phim
09:38 | 22/07/2010
Tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam (diễn ra vào ngày 21 và 22.7 tại Hà Nội), các nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch... vẫn trăn trở về việc tiếp cận của khán giả với các bộ phim điện ảnh nước nhà.
Nỗi buồn của các nhà làm phim



Một thực trạng tồn tại nhiều năm là phim Việt ra rạp ít được khán giả quan tâm. Trong ảnh: cảnh phim Chơi vơi - Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Từ nhiều năm nay, vẫn luôn tồn tại một thực trạng là phim Việt ra rạp không được nhiều khán giả quan tâm. Có nhiều nguyên nhân như đề tài không hấp dẫn, chất lượng phim thấp... Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn bày tỏ: "Việc dàn dựng, quay phim, dựng phim của chúng ta không bằng các bộ phim nước ngoài. Trong khi đó, phim nhập nhiều như vậy thì làm sao khán giả lại không so sánh, chọn phim hay để xem".

Có nhiều ý kiến cho rằng, một nguyên nhân khác của việc khán giả chưa có thói quen xem phim Việt ở rạp là vì thiếu phim. "Trung bình mỗi năm chúng ta chỉ làm 12 phim. Nếu muốn có khán giả thì phim phải làm thường xuyên. Chẳng hạn, nếu làm được số phim gấp 4-5 lần hiện nay thì mỗi tuần khán giả được xem 1 bộ phim" - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nói. Thường đến dịp Tết thì các bộ phim (hầu hết đều thuộc dòng phim giải trí) mới được trình chiếu. Và tới ngày lễ kỷ niệm thì các bộ phim được làm chủ yếu để chào mừng, tuyên truyền mới được thực hiện. Chính vì vậy, theo nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh, chúng ta vẫn chưa tạo được dòng chảy làm phim điện ảnh. Chẳng hạn như trong dòng phim lịch sử, theo ông, ở ta vẫn chưa có sự nghiên cứu kỹ về trang phục, hóa trang chưa tốt, năng lực làm phim còn yếu, trong khi đó "năng lực làm phim là phải được mài giũa thường xuyên, làm nhiều mới thạo nghề".

Có mặt trong đoàn đại biểu của TP.HCM ra Hà Nội dự đại hội, diễn viên Mỹ Uyên mong muốn trong BCH khóa mới này sẽ có nhiều người trẻ, để có một làn gió mới trong cách làm phim và tiếp cận với các khán giả trẻ.
Bên cạnh việc khán giả thờ ơ với phim nội và thiếu phim, còn tồn tại một nghịch lý: khán giả muốn xem phim Việt cũng không biết xem ở đâu. Nhiều bộ phim được Nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng nhưng chỉ chiếu trong thời gian ngắn rồi xếp xó. Không chỉ lãng phí mà nhiều người dân cũng không có cơ hội tiếp cận. Một trong những nguyên nhân khác là thiếu rạp chiếu phim. Theo nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn: "Hiện các rạp chiếu còn quá ít. Khán giả nhiều địa phương còn xa lạ với điện ảnh. Chúng ta đã quên mất vùng nông thôn".

Phát biểu tại đại hội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân so sánh ở Hàn Quốc, trung bình mỗi người dân đến rạp xem phim một lần một năm, ở Mỹ, Pháp là 3 - 4 lần, ở Việt Nam thì thấp hơn rất nhiều. Ông cho biết chương trình hỗ trợ phát triển điện ảnh trong 5 năm tới sẽ tập trung vào 5 vấn đề: hỗ trợ đào tạo (đào tạo nhà làm phim ngắn và dài hạn tại nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy...); tiếp tục đặt hàng các tác phẩm điện ảnh, rà soát lại cơ chế đặt hàng để chất lượng cao hơn; đầu tư dự án phát triển cơ sở vật chất; nâng cao công tác phát hành (để đưa các tác phẩm đến với khán giả, đặc biệt ở vùng nông thôn, đưa phim Việt ra nước ngoài...); đánh giá chất lượng các tác phẩm điện ảnh (phát huy vai trò của điện ảnh, các giải thưởng điện ảnh quốc gia...).

                                                                                                           Theo TNO









Các bài mới
Các bài đã đăng