Song, mỗi một lễ hội khép lại, cũng là lúc càng thấy rõ hơn những người tham gia, thụ hưởng lễ hội (cũng như các hoạt động văn hoá cộng đồng nói chung) cần phải học cách vui, chơi lễ hội sao cho vui vẻ và đàng hoàng... 1. Với lễ diễu hành-hoá trang (carnival) được tổ chức rôm rả nhất “trong khả năng có thể” vào tối 24.7, Lễ hội văn hoá ẩm thực thế giới (WFF 2010) lần đầu tiên tổ chức ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kết thúc. Ghi nhận sự nỗ lực của những người đứng ra tổ chức, cũng như chứng kiến niềm vui của người dân tham dự WFF 2010, song phải nhìn nhận, trong và sau 5 ngày (21-25.7, theo nhận xét chung là thời gian diễn ra lễ hội như thế hơi dài), WFF 2010 đã bộc lộ đầy đủ những khiếm khuyết, sự lập cập, sơ sểnh, luộm thuộm - vài nét đặc trưng của hầu hết những lễ hội được tổ chức ở nước ta những năm qua - những điều khiến lễ hội kém vui. Trách nhiệm đầu tiên, tất nhiên thuộc về những người tổ chức. Hai ngày (23-24.7), sau khi xảy ra vài sự cố, tiếp nhận những phản ánh không hài lòng từ dư luận, BTC lễ hội đều gặp báo chí để rút kinh nghiệm trên tinh thần xây dựng. Trong đêm 24.7, ông Hồ Văn Niên -Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời cũng là Phó trưởng BTC WFF 2010 - khẳng định, tỉnh này vẫn sẽ tiếp tục tổ chức WFF thành một lễ hội thường niên. 2. WFF 2010 là một trong vài nghìn lễ hội của nước ta được tổ chức hằng năm. Nếu với một cái nhìn rộng mở về các hoạt động lễ hội, thiết nghĩ, trước hết cũng nên ghi nhận thành ý của những người đứng ra tổ chức các lễ hội - ngoài nguyên do như làm sống lại một hoạt động văn hoá truyền thống, phục vụ lễ hội để quảng bá, tuyên truyền, thì tham gia làm lễ hội cũng chính là học cách mang lại niềm vui, tạo không gian cho người dân được hưởng thụ văn hoá. Những người làm lễ hội, nếu cũng với một suy nghĩ rộng mở, tử tế, sẽ không coi việc tổ chức lễ hội là một dịp để “cấu véo” kinh phí nhà nước, tiền tài trợ từ các nguồn, sẽ không coi lễ hội là chốn để họ phô trương tham vọng “văn hoá ghi danh”... Với những người làm lễ hội, khi một lễ hội thành công (tương đối trọn vẹn), họ, ngoài lợi lộc về vật chất, còn thụ hưởng được niềm vui lớn lao là được thực sự phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, phần nhiều do “lực bất tòng tâm” của các BTC, ở nước ta, “lễ hội nhiều, nhưng niềm vui thì ít”... Mặt khác, nhìn vào cách hành xử của người dân trong các lễ hội, phải nói rằng, đối với người dân, việc đi hội nhưng không vui, rõ ràng cũng có lỗi của chính họ - chen lấn xô đẩy, cướp giật đồ, xả rác, ăn uống xô bồ... Có thể nói, với người dân chơi, dự một lễ hội nên coi cũng là một lần thực tập, việc đầu tiên là cách cư xử văn hoá nơi đông người, học cách bày tỏ cảm xúc, tham gia vào các trò chơi, sinh hoạt cộng đồng,... Chúng ta đang có nhiều loại cẩm nang: Mua sắm, thi đại học, đi xe bus... thế nhưng, trong nhiều giải pháp tìm cách tổ chức lễ hội cho tử tế, có một việc đơn giản và dễ làm, nhưng ít được để ý đó là việc soạn, in ra những “cẩm nang dự lễ hội”. “Cẩm nang” chỉ cần là những tờ bướm, in những lời chỉ dẫn thật ngắn gọn, nhưng phải chính xác, hữu ích, giúp người dân hiểu hơn về lễ hội họ tham gia. Ví dụ, với một lễ hội tôn giáo, ở một ngôi chùa địa phương, nên có giới thiệu lịch sử ngôi chùa, quan trọng là cách thực hiện nghi lễ... Hay trong một lễ hội ẩm thực, chẳng hạn như WFF 2010, khi bán một món ăn cho thực khách, nhất là món lạ của nước ngoài, nên kèm theo một tờ giấy ghi tên món ăn, thành phần, cách thưởng thức; nếu là món Việt truyền thống như nem, phở, cần quảng bá, thậm chí không giấu nghề, chỉ cả cách làm. Ở một lễ hội trái cây- giới thiệu về cây trái đặc trưng... Những tờ giấy mỏng, suy cho cùng cũng là một cách phổ cập kiến thức phổ thông, cơ bản cho người dân. Theo Thuỳ Ân - LĐ |