Nhiều thách thức mới Từ khi đất nước đổi mới, các nhà xuất bản đã chuyển đổi hoạt động theo sự vận hành của cơ chế thị trường, do đó “văn hóa đọc” của trẻ em đã đón nhận một “phát minh thời đại” đó là “truyện tranh hiện đại, khôi hài và liên hoàn” (quốc tế gọi là comic hoặc manga) được dịch và du nhập từ nước ngoài. Là thành tựu văn hóa trẻ em của thế giới, nhiều bộ truyện tranh có ích đã trở thành người bạn thân thiết của trẻ em Việt Nam. Có thể nói rằng, đó là một thành công lớn của ngành xuất bản, nhưng lại là một thách thức lớn với các nhà văn, đặc biệt là nhà văn viết cho thiếu nhi Việt Nam. NXB Kim Đồng đã cố duy trì sức sáng tác của văn học thiếu nhi trong nước với những Tủ sách vàng, Tủ sách thơ với tuổi thơ… Những cố gắng duy trì tình yêu văn học bằng cách tái bản liên tục các tác phẩm cổ điển cũng đã phần nào lưu giữ bạn đọc trẻ, với những giá trị thẩm mỹ có ý nghĩa bồi dưỡng nhân cách. Nhưng mặt trái của việc làm ấy là tạo ra sức ỳ trong sáng tạo các tác phẩm mới. Đây cũng là một trong nhiều yếu tố khiến cho hàng loạt các cây bút viết cho thiếu nhi xuất hiện vào cuối thập kỷ 80 đã không còn đi tiếp con đường sáng tạo khó khăn này. Theo thời gian chỉ còn trụ lại một số tác giả nổi bật chinh phục được bạn đọc trẻ, đứng vững được trên thị trường và đến bây giờ vẫn ở trong số các tác giả ít ỏi viết cho thiếu nhi. Sự xuất hiện của hàng loạt các công ty sách mới, cùng với các dịch giả trẻ tuổi, đã tạo điều kiện cho sách thiếu nhi thế giới đủ các phong cách khác nhau được dịch và tuyên truyền quảng bá rầm rộ ở nước ta. Ví dụ như Công ty Truyền thông Nhã Nam đã xuất bản gần 50 đầu sách văn học thiếu nhi, nhưng 100% là sách dịch của nước ngoài. Chưa bao giờ trẻ em nước ta và cả bạn đọc lớn tuổi được thụ hưởng những cuốn sách đẹp đến thế về hình thức, hấp dẫn, đa dạng đến vậy về nội dung đến từ nước ngoài… Đó cũng là một thách thức đáng kể cho người cầm bút trong nước. Trong khi đó, người viết hiện nay của chúng ta có vốn đời sống tuổi thơ khác biệt nhiều với hiện tại (chủ yếu là gian nan khổ cực và trải qua chiến tranh), cũng hạn chế sự tiếp cận với nhu cầu của thiếu nhi hiện tại. Nhà văn Trần Hoài Dương, trong dịp Hội Sách thiếu nhi hè 2009 tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đã từng phát biểu: “Bảo tôi viết về chơi game chắc là tôi chịu chết”. Quan tâm hơn nữa Thử thách nhiều nhưng không có nghĩa là các nhà văn viết cho thiếu nhi Việt Nam hoàn toàn đầu hàng. Sách Trần Hoài Dương vẫn được trẻ em đón nhận hàng ngàn bản. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn làm sôi động các hội chợ sách tại TP Hồ Chí Minh. Các anh Trần Quốc Toàn, Cao Xuân Sơn và nhiều anh chị em trẻ như Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên… rồi cả những người “không có tuổi” như cụ Tô Hoài, anh Trần Đức Tiến, anh Bùi Chí Vinh, chị Quế Hương, chị Nguyễn Thị Bích Nga… liên tục trong các năm 2008, 2009, 2010 đều có sách mới. Tuy nhiên, số lượng thì dù có khá như của anh Nguyễn Nhật Ánh thì cũng như “muối bỏ biển” so với số lượng trên 15 triệu học sinh cả nước. Trong một cuộc họp về văn học thiếu nhi năm 2008, nhà văn Tô Hoài đã phát biểu: “Nếu giải thưởng văn học thiếu nhi là 1 tỷ đồng, thì tôi cho rằng tình hình văn học thiếu nhi sẽ khác”. Nhà văn Võ Quảng trong một bài viết để lại cho thế hệ sau có nói đại ý: “Phải có một cơ quan lo cho thiếu nhi (đặc biệt là về văn học) to ngang với một bộ”. Trên thế giới, có tổ chức Ủy ban Quốc tế sách cho thanh thiếu nhi (International Board on book for young people-IBBY) được thành lập từ năm 1953. Ở Mỹ, Hiệp hội Thư viện Mỹ hàng năm trao giải thưởng văn học thiếu nhi cho tác giả có sách xuất sắc nhất cho trẻ em là giải thưởng Newbery, được bắt đầu từ năm 1922. Ở Anh, giải thưởng văn học thiếu nhi được bắt đầu từ năm 1996, giải này nằm trong hệ thống giải thưởng Sách quốc gia Anh. Nêu những thông tin trên, tôi mong muốn chúng ta thấy rằng ở các nước càng phát triển, văn học thiếu nhi càng được chú ý thông qua việc tôn vinh các nhà văn viết cho thiếu nhi bằng các giải thưởng thích đáng. Đứng trước những khó khăn thách thức hiện nay, nhà văn viết cho thiếu nhi Việt Nam mong muốn các dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi của các cơ quan đoàn thể và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, cần được nâng cao hơn nữa cả về lượng và chất. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong năm 2009 - được Thư viện Quốc gia Thụy Điển mời đến giao lưu với bạn đọc thiếu nhi nước bạn. Sau khi về nước, anh nói: “Nếu ở Việt Nam văn học thiếu nhi cũng được coi trọng như thế thì chẳng cần phải vận động nhiều các nhà văn trẻ có tài sẽ viết cho thiếu nhi”. Tôi hy vọng rằng, Đại hội Nhà văn Việt nam lần thứ VIII sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức với sự phát triển văn học nước nhà. Sau đại hội, văn học dành cho thiếu nhi sẽ được nhà nước và toàn xã hội quan tâm hơn nữa. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa tới sẽ có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để văn học thiếu nhi có một bước ngoặt mới đầy triển vọng trong tương lai. Theo Nhà văn LÊ PHƯƠNG LIÊN - SGGP (Trưởng ban Văn học thiếu nhi- Hội Nhà văn Việt Nam) |