Văn nghệ trong nước
Thông điệp không sợ hãi trong việc xây dựng đất nước thời Lý
14:28 | 28/07/2010
Khi nhớ một ngàn năm Thăng Long không thể không nghĩ đến một nền tảng tinh thần trong việc xây dựng đất nước thời Lý, đó là tinh thần không sợ hãi bằng quán chiếu thể hiện qua bài Thị đệ tử của Thiền sư Vạn Hạnh.
Thông điệp không sợ hãi trong việc xây dựng đất nước thời Lý
Tượng Trần Nhân Tông trong khuôn viên chùa Bái Đính
Bài thơ như sau:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Nhà viết sử Phật giáo Nguyễn Lang dịch:

Thân như sấm chớp, có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng.

Khi đọc bài thơ trên, thường chúng ta chỉ để ý đến những khái niệm về vô thường, vô ngã. Khái niệm vô thường, vô ngã được đề cập nhiều trong các kinh điển đạo Phật, và bất cứ người học Phật nào cũng đều hiểu về khái niệm cơ bản đó.

Với một người đã hít thở được thực tại như Thiền sư Vạn Hạnh, những lời nhắn gởi của ngài, nhất là những lời nhắn gởi sau cùng, không thể chỉ là một bài học triết lý hay những khái niệm từ chương. Chắc chắn ngài biết rõ rằng, những khái niệm triết lý thì ai cũng có thể học và hiểu, nhưng việc giải thoát tâm ra khỏi sự ràng buộc của sợ hãi là điều không phải ai cũng có thể làm được. Do đó, lời nhắn gởi sau cùng của ngài qua bài thơ trên phải là tinh thần không sợ hãi bằng phép quán chiếu được nhấn mạnh trong câu "Nhìn cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi".

Qua lịch sử, chúng ta cũng biết rằng Thiền sư Vạn Hạnh là một trong những người sắp đặt kế hoạch cho việc thiết lập triều đại nhà Lý, xây dựng cho triều đại đó nói riêng và cho đất nước nói chung một nền móng vững chắc dài lâu. Kế hoạch đó đã được nung nấu từ Thầy, Tổ của ngài(1). Rõ ràng, trong hành hoạt, Thiền sư Vạn Hạnh không phải là người của một ngôi chùa, một Tổ đình hay một dòng phái, mà là người của thời đại, của toàn dân.

Do đó, thông điệp "không sợ hãi" của ngài cũng phải là một thông điệp chung cho thời đại và cho toàn dân.

Tinh thần không sợ hãi là nền tảng cho sự vươn lên của cá nhân cũng như tập thể. Khi một con người hay tập thể sống trong sự sợ hãi, những hành động và kết quả tiêu cực chắn chắn không thể tránh khỏi. Cá nhân sống trong sự sợ hãi, mất niềm tin, có thể tạo ra những hành động không kiểm soát, hại người, hại vật, hại mình, vi phạm pháp luật, chà đạp công lý, gây xáo trộn trong xã hội. Xã hội sống trong sợ hãi sẽ mất đi sự an bình, tội phạm nảy sinh, đạo đức xuống dốc, có khi còn đem nguy cơ đến cho thế giới. Sợ hãi thường đến từ sự không hiểu biết, và ngược lại, sợ hãi cũng nhận chìm con người vào sự u mê, tối tăm.

Một điển hình về hậu quả của tâm lý sợ hãi trong thời hiện đại, như Frances Moore Lappé đề cập, là sự sợ hãi của người Tây phương về tình trạng thiếu hụt. Tâm lý sợ hãi này đã đưa đến tình trạng không dừng lại được trong việc tranh đua khai thác, tranh đua cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng, nguyên nhân chính cho sự tàn phá môi trường, tạo ra tình trạng hâm nóng toàn cầu hiện nay.

Và dựa trên tinh thần sợ hãi của con người, những hăm dọa về ngày tận thế, về sự trừng phạt đã tạo ra những ám ảnh tiêu cực lên nhiều người Tây phương trong nhiều thế hệ.

Tương kính chứ không sợ hãi thụ động là một đặc tính của người Việt. Do đó việc gán ghép ông Trời của Việt Nam với một Thượng đế toàn quyền sinh sát như xảy ra gần đây hoàn toàn không đúng và không chính trực. Văn hóa Việt Nam không có chỗ cho sự sợ hãi thụ động trước thần linh, dù thần linh đó là ông Trời. Tinh thần đó thể hiện trong câu chuyện dân gian "Con cóc là cậu ông Trời", hoặc tư tưởng "Có trời mà cũng có ta", "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều"… qua lời của cụ Nguyễn Du, và trong nhiều giai thoại cũng như chuyện dân gian khác. Điều này còn nói lên tầm nhìn của người Việt. Từ xưa, người Việt đã có một nhân sinh quan lạc quan, bình đẳng, kết nối và chia sẻ, tự trọng và biết tôn trọng.

Với đạo Phật, sợ hãi là một trạng thái tiêu cực của tâm thức, dù dưới hình thức nào. Người Phật tử tôn kính Đức Phật bằng cách nhận ra sự kết nối bình đẳng giữa Phật và mình và tất cả chúng sanh.

Thiền sư Quảng Nghiêm thời Lý trong bài Thị tịch có hai câu thơ nói lên khí khái của người tu Phật:

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.
(Làm trai có chí tung trời thẳm,
Chớ bám Như Lai một lộ trình).

Theo đạo Phật, lòng sợ hãi phát xuất từ sự không hiểu biết, từ vô minh. Vì vô minh, con người nhìn lầm sợi dây thành con rắn và phát sinh sợ hãi.

Do đó, một tính chất nền tảng của đạo Phật là sự nhận thức tỉnh táo.

Kisagotami xuất thân từ một gia đình nghèo ở Savathi. Lớn lên, bà được gả cho một gia đình giàu có. Sau khi sinh được một người con trai, bà được gia đình nhà chồng nâng niu và quý trọng. Nhưng cậu con trai qua đời khi mới vừa chập chững biết đi. Kisagotami quá đau buồn sinh mất trí. Bà ẵm thây người con trai đi đến từng nhà xin thuốc cứu con. Rồi một người chỉ bà tìm đến Ðức Phật.

Khi bà cầu xin Ðức Phật cứu sống con mình, Ngài bảo bà hãy đi tìm một hạt cải trắng từ một nhà chưa từng có người chết. Bà lập tức đi đến từng nhà để hỏi và xin hạt cải trắng. Nhưng tất cả mọi nhà bà ghé qua, không nhà nào chưa từng có người chết. Bà tỉnh ngộ, nói với xác người con trai trên tay:

"Này con, mẹ tưởng rằng cái chết chỉ đến với một mình con; nhưng không phải vậy. Nó đến với tất cả mọi người."

Rồi bà ẵm thây người con, nhẹ nhàng đem đặt trong rừng, rồi trở lại chỗ Ðức Phật, xin Phật cho bà được xuất gia. Bằng sự chuyên cần tu tập, cuối cùng bà đã chứng quả A la hán.

Nếu chủ trương một tôn giáo thần quyền, dùng sự sợ hãi để áp chế và điều khiển người khác, Đức Phật đã nhân sự xuống dốc tinh thần do đau khổ phát sinh để nhồi vào tâm người đàn bà kia một sự sợ hãi, áp đặt vào đó một niềm tin mù quáng. Nhưng Đức Phật đã hành động hoàn toàn ngược lại. Ngài đã khai mở nhận thức tỉnh táo cho bà Kisagotami để bà tự cứu chữa cho mình.

Sợ hãi sinh ra từ vô minh và sợ hãi cũng bị tiêu diệt khi không còn vô minh. Cũng có nghĩa là sợ hãi phát sinh khi con người bám víu vào ngã và sợ hãi biến mất khi con người không còn bám víu vào ngã, tức vào tham, sân, si, mạn, nghi. Sợ hãi phát triển trên tham, sân, si, mạn, nghi, và ngược lại, tham, sân, si, mạn, nghi phát triển trên sợ hãi.

Phân tích về sợ hãi, Chogam Trungpa nói:

"Một trong những trở ngại chính cho sự không sợ hãi là những thói quen làm cho chúng ta đánh lừa bản thân. Thông thường, chúng ta không để cho mình chiêm nghiệm về bản thân một cách trọn vẹn. Điều đó có nghĩa là chúng ta sợ phải đối diện với chính mình. Ý thức về cái cốt lõi sâu thẳm nhất của sự hiện hữu của mình là điều khó khăn nhất đối với nhiều người. Nhiều người cố gắng đi tìm một con đường tâm linh ở đó họ không phải đối diện với chính họ" (Đối diện với chính mình).

Theo đó, tinh thần không sợ hãi là tinh thần dám đối diện, dám nhìn thẳng. Nhìn thẳng vào chính mình cũng như nhìn thẳng vào thực tại.

Và trong tinh thần không sợ hãi đó, khác với những tôn giáo khác trên thế giới luôn luôn né tránh những khám phá mới của khoa học, những tiến bộ thực tiễn của loài người, đạo Phật có một thái độ ung dung và tỉnh táo trong đối thoại và tìm hiểu. Đó cũng là tinh thần không sợ hãi của người trí thức, người đi tìm cái chân, thiện, mỹ với tấm lòng chân thật, ngay thẳng, nghiêm túc và kiên cường.

Lá đề in nổi hình 2 con rồng chầu mặt trời, niên đại  nhà Lý


Trở về với thời đại của Thiền sư Vạn Hạnh. Chúng ta thấy các triều đại Ngô, Đinh, tiền Lê là những triều đại đầy bất ổn và dĩ nhiên lòng người trong thời buổi đó cũng mang đầy nỗi bất an. Việc dùng sấm ký để tạo lòng tin, xây dựng ý chí, một việc không mấy thích hợp với đạo Phật, một tôn giáo chú trọng vào nhận thức tỉnh táo để nhìn thẳng vào thực tại, vào sự việc đang xảy ra, của các Thiền sư, các vị cao Tăng trong giai đoạn này cho chúng ta thấy lòng tin của con người trong thời buổi đó đã xuống thấp.

Lòng tự tin của Ngô Quyền mà chúng ta cảm nhận qua bài Dự đại phá Hoằng Thao chi kế (Bày kế đánh tan quân Hoằng Thao) bị mai một sau loạn Mười hai sứ quân. Lòng tự tin của Đỗ Pháp Thuận qua bài Đáp Quốc vương quốc tộ chi vấn (Trả lời nhà Vua khi Vua hỏi về ngôi nước) một lần nữa bị lung lay do hành động tàn ác của Lê Long Đỉnh. Và Thiền sư Vạn Hạnh đã phải sử dụng sấm ký để khôi phục lại lòng tin của con người, của thời đại.

Việc biết trước điều xảy ra có thể nằm trong khả năng của những con người đặc biệt, nhưng sử dụng khả năng đó trong đời sống thế tục có vẻ không thích hợp với đạo Phật. Do đó, khi Vạn Hạnh, một người sống với chân lý vô trụ, "không nương tựa vào nơi có thể nương tựa, cũng không nương tựa vào nơi không thể nương tựa"(2), sử dụng nó, chúng ta thấy sự cần thiết của việc xây dựng lại lòng tin trong giai đoạn lịch sử này.

Nói như Lý Khôi Việt, "Sau đêm dài man rợ, rùng rợn của thời đại Bắc thuộc, sau thời kỳ loạn lạc suy tàn của ba chế độ pháp trị và bạo trị ngắn ngủi Ngô, Đinh, Lê, tất cả đều phải được làm lại, tất cả đều phải được bắt đầu lại, đó là sứ mạng của thời đại. Trước họa nội chiến, trước nạn ngoại xâm, trước chế độ độc tài, tàn bạo, dân tộc cần được cứu nguy, đất nước cần được quang phục, con người cần được giải phóng. Đó là tiếng kêu, đó là nhật lịnh của lịch sử. Dưới sự cai trị bạo ác của chế độ Lê Long Đỉnh, dân tộc ta bị kéo lê lết, lầm lũi đi xuống vực thẳm, họa nội chiến chực xô đẩy dân tộc xuống đầm lầy, nạn ngoại xâm chực đạp đầu dân tộc xuống bùn đen" (Thiền Sư Vạn Hạnh và Sự nghiệp Việt Nam).

Và khi Lý Công Uẩn lên ngôi sau một thời gian loạn lạc liên miên, chính thể mới vừa bắt đầu đặt lại nền móng, chắc chắn những vấn đề xã hội và chính trị không thể có ngay một sự ổn định hoàn toàn. Khi sự bất ổn đó cộng thêm với lòng người bất ổn thì sẽ đem đến những hậu quả trầm trọng. Thiền sư Vạn Hạnh đương nhiên phải thấy rõ điều đó.

Trong tình trạng xã hội như vậy, chúng ta thấy tinh thần không sợ hãi thông qua sự quán chiếu là một nhu cầu cần thiết.

Tính chất vô thường, vô ngã của mọi pháp, mọi hiện tượng là một tính chất phổ quát không chừa một con người, một Thánh thần, một Thượng đế hay một sự vật nào. Tính chất đó được Đức Phật nói ra cho con người ở mọi nơi, mọi thời đại để giải thoát họ ra khỏi mọi vướng chấp, đưa tâm thức ra khỏi mọi bám víu, đạt đến Niết bàn tự do tuyệt đối. Việc nhấn mạnh của Vạn Hạnh đối với tính chất "không sợ hãi", một trong nhiều tính chất của Niết bàn, nói lên phần nào sự ám ảnh của thời đại.

Vì không nhìn thẳng vào thực tại, vào sức mạnh đoàn kết dựa trên bề dày văn hóa và lịch sử của dân tộc, chúng ta thường mặc cảm với sức mạnh bên ngoài. Giờ đây phải là lúc vực dậy tinh thần không sợ hãi nền tảng của dân tộc.

Ba phương diện cần thiết cho một công cuộc xây dựng tốt đẹp là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Để xây dựng nhân hòa, xây dựng lòng tin để thiết lập tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên của toàn dân, một trong những phương tiện đầu tiên của Vạn Hạnh là dùng sấm ký, dù không thích hợp với đạo Phật như đã nói ở trên. Việc tu tập Mật giáo trong truyền thống Thiền Mật song tu của các Thiền sư phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã mang lại khả năng siêu nhiên nơi các vị Thiền sư, nhưng áp dụng khả năng này vào việc thế sự là một điều bất đắc dĩ.

Do đó, sau khi đã tạo dựng lại phần nào lòng tin của nhân dân vào sức mạnh của dân tộc thông qua triều đình do Lý Công Uẩn lãnh đạo, đất nước dần dần ổn định, nhu cầu không sợ hãi đúng nghĩa và đúng Chánh pháp phải được đem ra áp dụng để xây dựng một đất nước hùng cường có nền tảng và dài lâu.

Hơn ai hết, Thiền sư Vạn Hạnh biết rằng sấm ký không thể sử dụng để xây dựng sự bền vững lâu dài, vì theo đạo Phật, đó không phải là trí tuệ chân thật. Đã đến lúc đất nước cần một thứ trí tuệ chân thật, vững chãi để xây dựng một nền tảng vững chãi. Đó là trí tuệ của Phật giáo Đại thừa, trí tuệ gắn liền với từ bi để nở ra tinh thần không sợ hãi.

Qua thơ văn thời Lý - Trần, chúng ta thấy từ khi dời đô về Thăng Long, điểm nhấn mạnh của các Thiền sư cũng như vua quan là tinh thần Bát nhã, hay trí tuệ chân thật. Trí tuệ đó là một thứ trí tuệ không tách rời với từ bi. Vì vậy, trí tuệ đó cũng là trí tuệ không sợ hãi. Không sợ hãi và ban cho sự không sợ hãi là hạnh của Bồ tát Đại thừa.

Không sợ hãi ở đây bao gồm hai phương diện: Tỉnh táo đối diện và ứng phó không vọng động trước những thử thách, và không do dự trong việc cứu thế độ nhân, phò nguy trừ bạo. Và chúng ta thấy trong suốt lịch sử Việt Nam, đặc biệt dưới hai thời Lý-Trần, các Thiền sư đã không cố bám vào đời sống bình an nhàn hạ khi đất nước cần. Có thể tinh thần này được nhen nhúm từ Lục độ tập kinh được viết ra và truyền tụng trong thời gian mất nước.

"Chữ nhân theo lời Phật dạy do đó không chỉ áp dụng cho cá nhân, mà là một chính sách sáng suốt để trị nước, dùng điều nhân để làm hoài bão xây dựng một quốc gia lý tưởng dựa trên lòng thương về năm giới và mười điều lành, và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Lục độ tập kinhI. Sự lặp đi lặp lại này thể hiện một mối quan tâm đặc biệt của các thế hệ người Việt Nam thời Lục độ tập kinh đối với vấn đề xây dựng một đất nước bền vững có khả năng giữ nước, không còn để mất nước nữa. Để giữ nước, phải dùng đến lòng nhân, như trong truyện 11, tờ 6a25 ghi: "Lấy nhân trị quốc" (trị quốc dĩ nhân); hay truyện 9, tờ 5a12-13 viết: "Lấy năm giới mười lành làm quốc chính" (ngũ giới thập thiện dĩ vi quốc chính); mong mỏi có được: "Vua nhân, tôi trung, cha nghĩa, con hiếu, chồng tín, vợ trinh" (quân nhân, thần trung, phụ nghĩa, tử hiếu, phu tín, phụ trinh), như truyện 70 tờ 37a24-25; "theo trời làm điều nhân, không giết dân mạng, không tham bậy làm khổ dân đen, kính người già như cha mẹ, thương dân như con, cẩn thận thực hành giới răn của Phật, giữ đạo cho đến chết". (Tắc thiên hạnh nhân, vô tàn dân mệnh, vô cẩu tham khốn lê thứ, tôn lão nhược thân, ái dân nhược tử, thận tu Phật giới, thủ đạo dĩ tử)(theo truyện 30, tờ 18a6-8, Lê Mạnh Thát).

Như chúng ta được biết, Thiền sư Vạn Hạnh thuộc dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tu ở chùa Lục Tổ. Lịch sử ghi lại: "Vạn Hạnh thiền sư ở chùa Lục Tổ, thuở nhỏ ông đã khác thường, thông hiểu ba môn học, nhưng coi công danh phú quý lạt lẽo, năm 21 tuổi xuất gia với thầy Định Huệ, theo học thiền ở chùa Lục Tổ, ngoài giờ phục vụ, học hỏi quên mệt mỏi. Sau khi tu hành đắc đạo, nói câu nào ắt thành lời sấm".

Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi là đệ tử được ấn chứng của Tam tổ Tăng Xán. Tuy nhiên, bên cạnh sự giác ngộ được trao truyền từ Tam Tổ, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn có khuynh hướng Mật giáo. Hai quyển kinh được ngài dịch và dĩ nhiên với mục đích dạy dỗ là kinh Tượng đầu và kinh Tổng trì. Kinh Tượng đầu là kinh nói về chỗ trụ tâm của Bát nhã, đó là Vô trụ, nền tảng của thiền Đông độ; và kinh Tổng trì là kinh về Mật giáo. Tinh thần Thiền Mật song tu này đã gắn liền với vận mệnh của đất nước.

Nối chí tiền nhân, Vạn Hạnh, ngoài việc là một cao tăng tu hành đắc đạo, đã xắn tay áo thực hành hạnh Bồ Tát theo quan điểm Việt Nam thể hiện qua Lục độ tập kinh để làm tròn bổn phận một công dân, xây dựng một quốc gia lý tưởng.

Trí tuệ đạo Phật Việt Nam được Thiền sư Vạn Hạnh vận dụng để thiết lập một nền chính trị, văn hóa, xã hội độc lập và tốt đẹp làm nền tảng cho sự tồn tại dài lâu của đất nước. Trí tuệ đó được vận dụng vào đời sống hiện thực qua tinh thần "Mặc cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi".

Không sợ hãi của Vạn Hạnh nói riêng và đạo Phật nói chung đặt nền tảng trên tinh thần vô trụ của Bát nhã.

Và chúng ta thấy những hành động của Thiền sư Vạn Hạnh luôn luôn được quyết định trên tinh thần không sợ hãi đó.

Từ thời Lê Đại Hành, Thiền sư Vạn Hạnh đã làm cố vấn cho nhà vua. Với những lời khuyên tỉnh táo và tự tin của ngài, bờ cõi phương Bắc cũng như phương Nam của đất nước đã được giữ yên.

Sự quyết định dứt khoát trong tinh thần không sợ hãi đó của Thiền sư Vạn Hạnh thể hiện hùng hồn qua việc sắp đặt cho Lý Công Uẩn lên ngôi và qua việc dời đô về Thăng Long. Đưa Lý Công Uẩn lên ngôi là thực hiện một cuộc cách mạng lớn, dời đô về Thăng Long là bắt đầu một chiến lược lớn. Đó là hai công trình lớn trong lịch sử của dân tộc.

Sau khi vua Lê Đại Hành mất, Lê Long Đỉnh cướp ngôi anh rồi thi hành chính sách bạo ngược. Ngài Vạn Hạnh lúc đó không giúp gì cho triều đình nhưng vẫn âm thầm sắp xếp kế hoạch để đưa đất nước thoát khỏi bước điêu linh. Kế hoạch đó là đưa Lý Công Uẩn lên làm vua. Công cuộc này không phải là một công việc dễ dàng trong một xã hội đầy bất ổn. Nếu không có một quyết tâm sắt đá, không có một ý chí kim cương thì không dễ gì theo đuổi đến cùng. Đặc biệt là quyết tâm sắt đá, ý chí kim cương đó không phát xuất từ hận thù, tham vọng hay từ tinh thần phe nhóm. Nó phát xuất từ Từ bi và Trí tuệ, là lòng thương không ngăn ngại và cái thấy không phân biệt.

"Khi làm như thế, Thiền sư Vạn Hạnh không phải làm vì Phật giáo, vì thời đó, qua ba chế độ độc lập Ngô, Đinh, Lê thì Phật giáo đã là Quốc giáo ở Việt Nam, rõ ràng Thiền sư đã làm vì dân tộc, vì muốn chuyển hóa xã hội bạo trị thành một xã hội đức trị, biến một quốc gia Việt Nam mong manh, suy vi thành một quốc gia Việt Nam hùng cường, hưng thịnh. Thiền sư đã ra tay hành động, vừa là để tránh cho dân tộc khỏi rơi vào vực thẳm, khỏi trầm luân trong đầm lầy, vừa để xây dựng trên đống tro tàn, gạch vụn đổ nát của thời Bắc thuộc và thời chiến tranh, loạn lạc, độc tài, bạo trị, một lâu đài Việt Nam nguy nga, tráng lệ, một sự nghiệp Việt Nam trường tồn bất tử ngàn năm." (Lý Khôi Việt, Thiền sư Vạn Hạnh và Sự nghiệp Việt Nam)

Từ thông điệp "không sợ hãi" của một người dựng nên một triều đại, đã sản sinh ra một thời đại không sợ hãi, với những con người không sợ hãi.

Chẳng những con người thời đó không sợ hãi trong những trận thư hùng trên chiến trường, mà còn không sợ hãi trong những quyết tâm xây dựng một nền văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội độc lập và lành mạnh, trong việc thân dân, gần gũi với dân, trong những công cuộc bình định, mở mang bờ cõi.

Tinh thần không sợ hãi đó còn thể hiện trong thái độ sống. Một trong những thái độ sống đó là không coi trọng đời sống vật chất, biết đủ trong sự vui hưởng niềm hạnh phúc thanh cao của đời sống tinh thần. "Vua quan thời đại này luôn luôn biết tìm ở đồng quê, hoặc ở chùa chiền những giờ phút êm đềm để di dưỡng tinh thần, để suy nghĩ về lẽ sống. Và những cuộc tuần du hay vi hành như vậy xem chừng cũng chưa đến nỗi làm cho đời sống hàng ngày của nhân dân phải quá phiền hà" (Đặng Thai Mai, Thơ Văn Lý-Trần 1, trang 37).

Một xã hội được hướng dẫn bởi những con người không sợ hãi đó thì đương nhiên những hình thái tiêu cực như tham nhũng, bóc lột, hà khắc… sẽ không có chỗ dung thân.

Tinh thần không sợ hãi đó đã đem đến thái độ tích cực lạc quan trong đời sống. Các vua quan thời Lý - Trần đã sống một đời sống vô cùng tích cực và lạc quan.

Đặng Thai Mai nhận xét: "Chế độ vương triều nhà Lý (1009-1225) cũng như nhà Trần (1225-1400), nói chung có những vị vua xứng đáng với dân tộc anh hùng. Hào hứng đó bao gồm một niềm tin, một quyết tâm. Tin vào tiền đồ của đất nước, quyết tâm bảo vệ bờ cõi, xây dựng cơ đồ. Tâm trạng ấy đã được ghi lại bằng những nét sâu đậm trong nhiều văn thơ của thời đại. Bài Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ từ đầu thế kỷ XI và sau đó là bài thơ "Nam Quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt khi cầm quân chống nhà Tống, và sau đó nữa, đời Trần văn thơ của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão (ấy là chỉ nhắc tới những tên tuổi lừng lẫy nhất), đều bộc lộ một niềm tin, một tinh thần quyết thắng và một ý chí sắt đá qua nhiều vần thơ bất hủ" (Thơ Văn Lý-Trần 1, trang 35).

"Hồi ấy người ta biết sống, biết sống vui trong tình thân, trong tin tưởng." (
Đặng Thai Mai, Thơ Văn Lý-Trần 1, trang 38)

Tinh thần không sợ hãi này cũng xuất phát từ tinh thần bình đẳng trong xã hội. Trong thời đại này, vua, quan, dân chúng rất gần gũi với nhau. "Một nhà vua nổi tiếng là anh minh thời Trần đã nhiều lần nhắc nhở con cháu mình chớ quên rằng tổ tiên họ xưa kia cũng chỉ là những người dân đen. Lý lịch của các quan to, các tướng lãnh không phải chỉ toàn là dòng dõi quí tộc. Vai trò của quần chúng nhân dân về việc nước không phải chỉ là thụ động. Tính đoàn kết từ trên xuống dưới không những chỉ biểu hiện trong những dịp nguy biến…" (Đặng Thai Mai, Thơ Văn Lý - Trần 1, trang 37).

Tinh thần bình đẳng đó cũng đưa đến lý tưởng coi việc nước là việc chung, thể hiện trong Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lý Thái Tổ(3), trong Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần.

Đến đây chúng ta thấy rõ được sức mạnh của tinh thần không sợ hãi bằng quán chiếu. Tinh thần đó không những đã xây dựng được một đất nước hùng cường, mà còn tạo nên một xã hội hạnh phúc với những con người biết sống, biết phục vụ, biết yêu đời, yêu người.

Lời kết

Trong khúc quanh lịch sử của ngày hôm nay, một lần nữa, tinh thần không sợ hãi thông qua sự quán chiếu lại trở nên một nhu cầu cần thiết.

Những quyền biến trong giai đoạn giành độc lập và thống nhất đất nước, giống như việc sử dụng sấm ký của Thiền sư Vạn Hạnh, đã làm xong sứ mạng lịch sử của chúng. Giờ đây là lúc chúng ta cần trở về với tinh thần không sợ hãi chân thật, tinh thần không sợ hãi bằng sự tỉnh táo, là vốn liếng có sẵn của dân tộc ta, để xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Đất nước chúng ta đang đi vào một giai đoạn đổi thay nhanh chóng. Thế giới ngày nay là một thế giới toàn cầu và chúng ta đang quyết tâm hội nhập vào thế giới đó để sinh tồn và vươn lên. Trong thế giới đó, bên cạnh những cơ hội là vô số những thách thức và cạm bẫy.

Sự đổi thay nhanh chóng chắc chắn sẽ tạo nên những sóng gió ngoài xã hội kèm theo những sóng gió trong lòng, làm lung lay ý chí của con người.

Và câu thơ "Nhìn cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi" của Vạn Hạnh chúng ta có thể đổi lại thành "Nhìn cuộc đổi thay, đừng sợ hãi" để áp dụng cho hoàn cảnh ngày hôm nay.

Không sợ hãi để có thể tỉnh táo tìm ra một hướng đi thích hợp cho chúng ta, và để vững vàng tiến bước trên con đường xây dựng tương lai đặc thù thích hợp cho chúng ta.

Không sợ hãi để chúng ta có thể nói "không" với những tiêu cực, những cám dỗ xảy ra hàng ngày trong giai đoạn chuyển tiếp, quá độ này.

Không sợ hãi để có một thái độ thong dong tự tại và cởi mở, để trong và ngoài, trên và dưới có thể mở rộng cõi lòng dung chứa nhau, cùng nắm tay nhau bước vào vận hội mới của đất nước, khai dòng cho vận hội mới đó đi đúng hướng dân tộc và thời đại.

Làm được điều này chắc chắn chúng ta sẽ tạo dựng được một nền tảng tốt đẹp dài lâu cho đất nước.

Chúng ta sẽ chọn lựa học hỏi những cái mới, thích hợp từ bên ngoài để bồi bổ cho những tinh túy mà cha ông chúng ta để lại. Chúng ta dùng những tinh túy có từ gia tài của cha ông, trong đó có tinh thần tỉnh táo không sợ hãi, để soi rọi tình trạng của chúng ta, và cũng là phương thuốc giúp chúng ta tiêu hóa tốt đẹp những thực phẩm chưa quen.

Có một nhận xét của người bạn tôi xin ghi lại ở đây. Theo bạn ấy, sự hội nhập của chúng ta với phương Tây trong thời đại mới xảy ra vào một thời điểm thuận lợi, lúc mà người phương Tây bắt đầu nhìn về phương Đông với một cái nhìn mới. Họ bị thu hút bởi những giá trị tâm linh và cái thấy minh triết về nhân sinh và vũ trụ của đạo Phật. Riêng về tâm linh, họ tìm thấy ở đạo Phật một con đường đưa đến lối thoát cho sự bế tắc tinh thần do sức ép của một guồng máy tàn bạo không ngừng nghỉ của một nền văn minh xây dựng trên vật chất và chủ nghĩa cá nhân. Và đó là bài học quan trọng đối với chúng ta để không lãng quên, phí phạm viên minh châu trong túi áo của mình, để tránh những vết xe đổ của họ.

Theo đạo Phật, muốn có được sự tỉnh táo cần thiết cho tinh thần không sợ hãi, chúng ta cần có chánh niệm. Chánh niệm là khả năng nhìn thẳng vào thực tại, vào sự việc đang xảy ra, và nhìn thẳng vào chính mình. Đó là cái nhìn chân thành, cởi mở, vô tư, thẳng thắn và dĩ nhiên là can đảm. Đó là tinh thần không sợ hãi thông qua sự quán chiếu.

Và chỗ tận cùng của chánh niệm là nhìn thấy Phật tánh một cách rõ ràng, trong trẻo và luôn sống trong Phật tánh đó.

Cũng theo đạo Phật, mọi chúng sanh, mọi hiện tượng đều có Phật tánh hay nền tảng của chân, thiện, mỹ, và kết nối nhau qua nền tảng đó. Cũng có thể nói Phật tánh là tố chất nền tảng của mọi sự vật, mọi hiện tượng, cũng là nền tảng cho mọi kết nối, mọi dung hợp. Đó là sự kết nối chân thật, quân bình và hài hòa. Không có tố chất đó, sự kết nối, dung hợp, sẽ không thành tựu, không ăn nhịp.

Phật tánh đó thể hiện bàng bạc trong đời sống, nó hé lộ qua sự chia sẻ quan tâm đến người khác, qua nụ cười cởi mở đầu năm, qua tấm lòng hòa hợp trên-dưới, trong-ngoài, qua sự hài hòa của một nền văn hóa, của những lễ hội truyền thống, qua những câu ca dao đẹp, qua lòng yêu dân, yêu nước, yêu con người… Cái gì hướng đến chân, thiện, mỹ là tố chất của sự sống, là Phật tánh, tánh giác ngộ.

Một ngàn năm trước, tinh hoa văn hóa Việt đã phát triển vượt bực trên tố chất đó cùng với những chất liệu của thời đại ấy.

Ngày nay, đứng trước trăm ngọn gió thổi về từ nhiều hướng, việc quan trọng để không bị bứng đi là hãy xác định về mình, xác định cái tố chất làm nên con người, đất nước và lịch sử của chúng ta. Tố chất đó sẽ là ánh sáng và chất nước cho những hạt mầm nào thích hợp thì sẽ mọc lên tươi tốt, để trở thành cái riêng của chúng ta, để một lần nữa kiến tạo một nền tảng mới cho một ngàn năm mới.

Tố chất đó sẽ tạo nên bản lãnh của chúng ta, tạo nên tinh thần không sợ hãi của chúng ta, để vững vàng tiến tới và không ngã gục trước những cám dỗ tiêu cực lúc nào cũng chực sẵn trong một xã hội đang đổi mới để vươn lên.

Dựa theo ý Giáo sư Masato Mitsuda thuộc Đại học San Francisco State, xin đề nghị một lời khuyên cho thế hệ trẻ hôm nay: Hãy coi cái học ở nhà trường chỉ đáp ứng được năm mươi phần trăm nhân cách của người học. Cần phải học thêm năm mươi phần trăm từ cuộc sống, từ lịch sử để hoàn thành một con người trí thức toàn diện.(4) Cái học đó sẽ làm giàu nhân cách của các bạn với tinh thần chính trực, thẳng thắn, chân thành, cởi mở, bao dung, cảm thông và can đảm. Nó sẽ là đôi cánh chắp vào cái học ở nhà trường giúp các bạn bay xa, bay cao cùng dân tộc trong tinh thần tỉnh táo, không sợ hãi.

Theo Thị Giới (Nguyệt san Gíác Ngộ số 172) - GNO

(1) Thiền sư Ðịnh Không là người đầu tiên tạo niềm tin về sự độc lập quốc gia bằng một bài sấm, cho rằng làng ngài ở sẽ có minh vương xuất hiện. Khi sắp viên tịch, ngài dặn đệ tử là Thông Thiện giữ gìn, không để phá hoại long mạch. Ðệ tử của Thông Thiện là Thiền sư La Quí An tiếp nối ý chí của thầy tổ bằng hai việc: Ðúc tượng Lục tổ bằng vàng để dùng khi có bậc minh vương ra đời và trồng cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn giữ cuộc đất và dặn đệ tử đắp nền xây tháp ở đây để có thể cất giữ tượng vàng. (2) Trước khi qua đời, Thiền sư Vạn Hạnh dặn đệ tử: "Các vị nên nương tựa vào đâu? Tôi thì tôi không nương tựa vào nơi có thể nương tựa và cũng không nương tựa vào nơi không thể nương tựa". (3) Bài chiếu toát ra một sự trịnh trọng, quan tâm đến người nghe, cuối bài còn bày tỏ sự muốn nghe ý kiến của quần thần: "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để làm chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?" (Nguyễn Đức Vân dịch). (4) "Nền giáo dục nổi có tính chất cứng nhắc, trong khi nền giáo dục ngầm không có đường lối cố định. Với thiền của Phật giáo, nền giáo dục ngầm hay "thực hành," không phải là thấp kém hơn nền giáo dục nổi. Vì "thực hành" vượt thoát khỏi những hệ thống quy luật, người học có phạm vi lớn hơn và có thể được hưởng và hiểu rõ giá trị của cả nền học vấn nổi và việc "thực hành" trong đời sống hàng ngày. Một người bị lôi kéo một cách mê mờ theo con đường học vấn nổi hay sách vở là đánh mất một nửa còn lại. Kết quả là sự học của người đó chỉ hoàn tất năm mươi phần trăm. Xin đừng coi những gợi ý này là những lời phê phán; hãy coi đó là một sự khuyến khích việc thực hành và biết tôn vinh những sự việc thông thường hàng ngày để hoàn tất năm mươi phần trăm đang bị khiếm khuyết. Và như vậy, viêc học sẽ trở nên hoàn hảo hơn." (Cái nhìn của Thiền về nền giáo dục hiện đại).




Các bài mới
Các bài đã đăng