Văn nghệ trong nước
“Nghiên cứu tâm lý” (*) của BS Nguyễn Khắc Viện: Cuốn sách của mọi nhà
16:18 | 01/08/2010
Sau ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em (gọi tắt là N-T) 1989, nhiều công trình nghiên cứu tâm lý của bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Viện đã được công bố, nhưng đây là lần đầu, các công trình quan trọng nhất được tập hợp lại trong một bộ sách dày dặn (dự định in 2 tập).
“Nghiên cứu tâm lý” (*) của BS Nguyễn Khắc Viện: Cuốn sách của mọi nhà
Tâm lý con người là cả một thế giới bí ẩn và luôn biến đổi, chịu tác động mạnh trước những xáo trộn trong gia đình, văn hóa, xã hội, nên trong cuộc sống hiện nay, vấn đề rối nhiễu tâm lý (chú ý BS Nguyễn Khắc Viện không dùng từ “bệnh lý” hay “bệnh tâm thần”) - nhất là của trẻ em, của thanh thiếu niên, trở thành vấn đề cả xã hội quan tâm, chứ không chỉ riêng với ngành giáo dục và các bệnh viện.

Đây cũng là quan điểm nghiên cứu tâm lý của BS Nguyễn Khắc Viện đã được BS Claude Pigott, Chủ tịch Viện Phân tâm nhóm và gia đình Paris, nhấn mạnh trong “Lời mở đầu” cuốn sách. Mặt khác, do tốt nghiệp bác sĩ nội trú (có thể hiểu là loại bác sĩ cao cấp) tại Paris và sống ở Pháp nhiều năm, khi về nước lại đảm nhiệm công việc liên hệ với nhiều nhà khoa học, trí thức tên tuổi phương Tây, sau ngày thành lập Trung tâm “N-T”, BS Nguyễn Khắc Viện lại có thêm những cơ sở thực hành, đối chiếu lý luận và thực tế Việt Nam, nên cuốn sách vừa giúp người đọc hiểu những lý thuyết, những phương pháp nghiên cứu tâm lý cơ bản, vừa có nhiều dẫn chứng, ví dụ sinh động, gần gũi với hoàn cảnh Việt Nam.

Vì thế, tuy chỉ mới là tập 1, nhưng với dung lượng 560 trang, người đọc có thể tìm thấy trong “Nghiên cứu tâm lý” (tập 1) của BS Nguyễn Khắc Viện từ “Những khái niệm cơ bản của phân tâm học”, “Nỗi khổ ông Freud”…, đến các công trình nghiên cứu của nhà khoa học Thụy Sĩ “Jean Piaget (1896-1983) - bậc thầy của thế giới về tâm lý học trẻ em và giáo dục học”; từ cách “Chăm dạy trẻ bị nhiễu loạn tâm lý” đến trẻ “Lỡ học”, “Đái bậy, đái dầm”“Quá trình phát triển tâm lý ở trẻ em” ở các lứa “Tuổi bế bồng”, “Tuổi mẫu giáo”, “Tuổi học sinh”… Chỉ đọc qua nhan đề các tiết mục vừa dẫn, chúng ta đã có thể thấy cuốn sách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu tâm lý con người và nhất là tâm lý trẻ em của nhiều loại độc giả, trên nhiều phương diện.

Đặc biệt, hai công trình “Ngây thơ” và “Nỗi khổ của con em” khi in thành tập sách mỏng riêng lẻ trước đây đã được dư luận rất chú ý, nay cũng được chọn in trong bộ sách này.

“…Em bé khi bú vừa được no, vừa có khoái cảm, vừa được tiếp xúc với cái vú, mắt được nhìn mẹ, tay được mân mê da thịt của mẹ, tai nghe mẹ trò chuyện, và không kém quan trọng, mũi được ngửi hơi hám của mẹ…”. Đó là một đoạn BS Nguyễn Khắc Viện viết về “Nỗi khổ của con em”, do “sự xáo trộn cuộc sống hàng ngày của toàn thể xã hội, toàn thể loài người; do công nghiệp hóa, do đô thị hóa gây nên”.

Những “rối nhiễu tâm lý” như thế (và nhiều tình cảnh khác nữa) đã dẫn đến những chấn thương, những tính cách “khác người” của không ít trẻ em và thanh thiếu niên, nhiều khi làm đau lòng bố mẹ và gây phiền phức cho cả xã hội. Những trang sách như thế, có lẽ là mọi gia đình đều muốn được đọc…

(*) NXB Văn hóa Sài Gòn & Công ty Văn hóa Hương Trang xuất bản tháng 6-2010.

Theo Trung Sơn - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng