Văn nghệ trong nước
“Hiện đại hóa” truyện cổ tích hay làm lệch lạc trí tưởng tượng của trẻ thơ?
09:46 | 03/08/2010
Chị Phương Oanh, giáo viên Trường Ngoại ngữ Saigontech chia sẻ: Tôi có hai con trai nhỏ 3 tuổi và 4 tuổi rất thích được nghe truyện cổ tích. Vừa rồi, tôi dạo một số nhà sách thấy có bán nhiều truyện tranh màu sắc rất đẹp, nhưng khi đọc kỹ tôi thấy nội dung sai lệch cũng như hình ảnh có chỗ rất kỳ quặc. Nếu đã gọi là truyện cổ tích thì nên để như nó vốn có, đó là kho tàng truyện cổ vô giá của Việt Nam; "hiện đại hóa" truyện cổ tích như kiểu này sẽ làm hỏng thế giới tâm hồn của trẻ em. Là mẹ, tôi không chọn mua cho con những truyện tranh này bởi truyện đã trở thành một loại truyện gì đó khác xa truyện cổ tích.
“Hiện đại hóa” truyện cổ tích hay làm lệch lạc trí tưởng tượng của trẻ thơ?
Thế giới ước mơ bay bổng

Truyện cổ tích là sách mà bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn đọc, khám phá và gởi gắm tâm hồn vào những câu chuyện thần tiên, ngây ngô và trong sáng. Thư viện nhỏ của những ngôi trường tiểu học ở miền quê, dù nhỏ hẹp vẫn dành một góc để trưng bày trang trọng những quyển truyện cổ tích, và ở đó chưa bao giờ vắng những đứa trẻ mê mẩn với những trang sách cũ nhàu được giữ từ năm này sang năm khác. Ở thành thị, nhiều sân chơi cho trẻ em hơn nhưng truyện cổ tích luôn là thế giới sinh động, sắc màu và được trẻ nhỏ say mê đọc, chìm đắm trong thế giới thần tiên.

Những đứa trẻ tuổi lên 6, lên 7 như chúng tôi thuở trước đã từng hồi hộp, lo sợ từng giây khi đọc truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn, khi nàng bị mụ dì ghẻ tìm cách sát hại, cũng từng khao khát mình trở thành cô Tấm hiền lành, được gặp Bụt để được xin những điều ước… Trong thế giới thần tiên đó, trẻ em bắt gặp mình trong những nhân vật ngây ngô, trong sáng như: chú bé mồ côi hiếu học, cô Tấm bước ra từ quả thị, cô bé quàng khăn đỏ, chú ếch biến thành hoàng tử, là nàng tiên, là công chúa... Từ những câu chuyện bay bổng này, trẻ em được vây quanh bên bà để được xem bà têm trầu cánh phượng để biết mâm trầu mà nàng Tấm mời vua lúc ở nhà bà lão nghèo như thế nào và í ới với nhau đọc những câu văn giàu giai điệu: "Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người", hay "Thị ơi thị rơi bị bà, bà về bà ngửi chứ bà không ăn"… đã thuộc nằm lòng.

Theo năm tháng, tâm hồn những đứa trẻ tuổi 13, 14 cũng được nuôi dưỡng lớn dần lên theo những trang sách mộc mạc nhưng lung linh và đầy mầu nhiệm. Trẻ sẽ thấy mình muốn trở thành những nhân vật hiện thực hơn, có khát vọng, nhân hậu, tốt bụng và lòng trắc ẩn. Đó là người anh cả hiền lành trong Ăn khế trả vàng, là anh hùng Thạch Sanh giết chằn tinh, là Sơn Tinh, hay Mai An Tiêm… để giúp người và giúp đời.

Thế giới thần tiên, linh diệu của Bụt trong câu chuyện cổ tích đã chắp cánh cho những ước mơ bay bổng mà những đứa trẻ muốn có mình ở đó. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, trẻ em luôn mơ ước, tưởng tượng, hồi hộp và khóc cười như chính mình có mặt trong từng trang sách, ở đó chính mình trở thành những nhân vật có lòng vị tha, tốt bụng, anh hùng. Thế giới mầu nhiệm đã phân định rõ ràng giữa cái tốt và cái xấu, giữa người tốt và người xấu… Và, trẻ em muốn làm việc tốt và muốn trở thành người tốt.


"Hiện đại hóa" hay là làm lệch lạc trí tượng tượng của trẻ thơ?

Thời gian gần đây, một số nhà sách phát hành những tập truyện cổ tích bằng hình ảnh, màu sắc rất bắt mắt làm phong phú thêm góc đọc cho thiếu nhi. Với hình ảnh được gọi là "hiện đại hóa" truyện cổ tích làm người đọc nhất là phụ huynh rất mừng vì sẽ giúp cho trẻ em tiếp cận thêm kho tàng truyện cổ quý và bổ ích cho thế giới mơ mộng của trẻ. Thế nhưng càng đọc kỹ, những ai từng nằm lòng truyện cổ tích càng thất vọng và cảm thấy vô cùng khó chịu khi truyện "ngày xửa ngày xưa" được "hiện đại hóa" một cách… kỳ quặc.

Với lý do cố gắng "hiện đại hóa" truyện cổ tích, thời gian gần đây Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp NXB Giáo dục cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam xuất bản hai bộ truyện tranh cổ tích. Phần I gồm 20 truyện cổ tích chọn lọc Việt Nam, phần II gồm truyện thần thoại và cổ tích nước ngoài. Một loạt những câu chữ ngớ ngẩn thuộc hàng quái dị trong nhiều tình tiết: vợ An Tiêm nói chuyện với chồng: "Anh nói đó nha", An Tiêm bán dưa cho khách và nói: "hàng hiếm mà ông anh" (Sự tích quả dưa hấu), đến ngôn ngữ nửa ta nửa tây "Ok, xong ngay" (Nàng tiên thứ chín), tình tiết chàng Thạch Sanh bị Lý Thông xô rớt xuống hố sâu và công chúa con vua Thủy Tề nói: "anh đẹp trai gì ơi" (Thạch Sanh). Hay, ngôn ngữ gây "điếng người" của thế giới tuổi teen như: "Hô hố, bái bai", "thấy cái gì chết liền", dì ghẻ chửi bới Tấm "Tấm mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm" (Tấm Cám)… không thể xuất hiện trong truyện cổ tích. Và vô vàn chi tiết làm sai lệch nội dung theo kiểu câu văn ba xu như: chàng hoàng tử út Liêu Trai trong Bánh chưng bánh dày mơ thấy thần linh về báo mộng bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha đã được "sáng tạo" thành cảnh liêu trai mơ thấy mình lạc vào cuộc thi Vào bếp với người nổi tiếng, hay chi tiết Mai An Tiêm nghĩ chim ăn được thì người cũng ăn được bị biến thành Mai An Tiêm tự gieo trồng, chăm bón rồi mới cho cả nhà ăn thử, hoặc tình tiết không có trong truyện truyền thống là vợ An Tiêm dùng sắc đẹp của mình để dẫn dụ đàn cá về… những tình tiết vô cùng nhảm nhí này được "đặt để" trong những lý lẽ làm "hiện đại hóa" truyện cổ tích hay "thể hiện dưới dạng hài hước, hóm hỉnh" để có lối cảm thụ mới (!?) như lời nói đầu của sách.

Về mặt hình ảnh, Art Sign vẽ theo phong cách hiện đại, tuy nhiên nhiều chi tiết vẽ phi lý rất buồn cười, đó là hình ảnh dì ghẻ của Tấm gọi hai con về bằng cách nói qua… micro, hay chi tiết dì ghẻ khuyến khích chị em bắt nhiều tép sẽ thưởng cho một chiếc yếm đỏ mang... biểu trưng của đồng tiền-$ (Tấm Cám), vua Hùng, cha Mỵ Nương thì được vẽ đeo kiếng mát và được giải thích bằng câu thoại: "Con gái ta có sắc đẹp rạng rỡ như ánh mặt trời đến ta còn không thể nhìn trực tiếp nữa là" (Sơn Tinh Thủy Tinh), hay như hình ảnh đống vàng bốn số 9999 trong truyện Chiếc bật lửa vàng; và rất nhiều hình ảnh nhân vật sử dụng vũ khí hiện đại mang hơi hướm bạo lực.


Trong nỗ lực làm phong phú thêm thế giới cổ tích cho thiếu nhi, Công ty Sách Nhã Nam kết hợp với NXB Mỹ thuật xuất bản loạt truyện cổ tích vào tháng 6-2010 là điều đáng mừng, thế nhưng có những câu chuyện với tình tiết "chửi bới" rất tai hại lại xuất hiện trong truyện, như "mèo là đồ chó", "mèo nó đểu giả lắm"…(Đeo nhạc cho mèo).

Đầy dẫy tình tiết, hình ảnh vô lý, áp đặt, khiên cưỡng trong truyện tranh cổ tích "hiện đại hóa" làm cho thế giới trong sáng, bay bổng, lung linh và ngôn ngữ mộc mạc, giản dị của truyện cổ tích biến thành thế giới "tả pí lù". "Hiện đại hóa" truyện cổ tích theo kiểu này chẳng khác nào xuyên tạc truyện cổ tích, làm méo mó thế giới tâm hồn, khát vọng trẻ thơ. Một điều đáng lo ngại nữa là, hiện nay trên các diễn đàn mạng xuất hiện truyện cổ tích bị làm méo mó nội dung, hình ảnh được vẽ theo lối game online Võ Lâm Truyền Kỳ đầy hình ảnh bạo lực, ngôn ngữ hết sức ngớ ngẩn, xuyên tạc làm chệch hẳn nội dung theo lối…nhảm nhí và thiếu hiểu biết. Đối tượng "sáng tạo" này là những cô cậu tuổi teen muốn làm giang hồ trong truyện cổ tích. Nếu để trẻ vô tình đọc những truyện này sẽ làm trẻ có cái nhìn sai lệch, tâm hồn bị khô cứng… thật tai hại lắm thay.

Việc tái hiện truyện cổ tích bằng tranh sẽ giúp trẻ dễ tiếp nhận hơn qua hình ảnh trực quan sinh động là một cách làm đáng trân trọng. Thế nhưng, cách làm này đã bị đi chệch theo hướng có hại, làm mất đi hình ảnh trong sáng, ngôn ngữ mộc mạc, tình tiết, kết cấu giản dị và cả một thế giới lung linh trong truyện cổ tích. Sự "hiện đại hóa" cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phán đoán, phân biệt đúng sai, thật giả khi đây là những hình ảnh ban đầu mà trẻ tiếp nhận. Vô tình hay cố ý, các NXB và các đơn vị liên kết xuất bản đã bỏ qua những tình tiết có vấn đề trong khâu biên tập hoặc biên tập một cách hời hợt. Và điều đáng nói là những truyện này lại phát hành rộng rãi tại các nhà sách cho khách hàng là trẻ em.

Hiện nay có người đã bỏ ra cả cuộc đời để cất công sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn truyện cổ tích, thì hiện tượng "hiện đại hóa" truyện cổ tích chẳng khác nào tiếp tay làm cho kho tàng quý giá của ông bà ta dần mất đi. Truyện cổ tích được các thế hệ này đến thế hệ khác nâng niu và gìn giữ bởi nơi đó cất giữ những điều hay để người lớn dạy cho trẻ biết cách làm người. Thế giới trong trẻo của truyện cổ tích chắp cánh cho trẻ thơ những ước mơ đầu đời, giúp trẻ em nhận thức và phân ranh những giá trị về lòng tốt, tình yêu thương, nghị lực, cách ứng xử, sự lễ độ… giữa cái ác, cái xấu, lòng ích kỷ, hận thù. Truyện cổ tích cũng được các nhà chuyên môn khuyên phụ huynh nên đọc cho trẻ nghe càng sớm càng tốt, nó sẽ giúp cho trẻ hình thành tính cách, nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn nhờ vào ngôn ngữ trong sáng, hình ảnh vừa mộc mạc vừa lung linh phép mầu…

Theo Diệu Ẩn - GNO




Các bài mới
Các bài đã đăng