Sát thềm Đại hội Hội Nhà văn VN sắp diễn ra vào ngày 5 – 6.8 tới tại Hà Nội, Lao Động đã trò chuyện với một số người viết là hội viên, hoặc không là hội viên Hội nhưng có chung mối bận tâm trên.
Nguyễn Trương Quý – Tác giả những poster gây chú ý tại Ngày thơ VN hàng năm: “Đứng ngoài cũng có thể đóng góp được cho Hội!”
Tuy không phải là hội viên Hội Nhà văn VN nhưng anh lại rất nhiệt tình đóng góp cho công việc chung của Hội, mà cụ thể là Ngày thơ VN hàng năm, động lực anh có được từ đâu?
- Từ… lời rủ rê của những người bạn văn trong Ban Văn trẻ mà tôi có duyên may thân thiết như Phan Thị Vàng Anh, Hữu Việt… Sau nữa là niềm hứng khởi trước những công việc mới mẻ và trên hết là tình yêu… vô điều kiện với văn học. Dù đôi khi, sau những ồn ào náo nhiệt của Ngày thơ, tôi cũng có những phút chạnh buồn khi những “tác phẩm” tốn bao công sức ấy của mình lại có đời sống ngắn ngủi đến như vậy.
Ngày thơ VN đông lên qua các năm một phần nhờ vào những hình thức biểu hiện ngày càng lôi cuốn hơn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đấy chỉ là phần bề nổi của bức tranh không thể giúp đưa lại chiều sâu cần có của một nền văn học?
- Tôi nghĩ rằng bất cứ yếu tố hình thức, bề nổi nào cũng ít nhiều phản ánh chiều sâu mà nó có nhiệm vụ truyền tải, biểu đạt, chứ không chỉ đơn thuần là cái vỏ bên ngoài. Tạo ấn tượng để thu hút là điều hiển nhiên của sức nặng câu chữ cũng như hình thức chuyển tải. Hiệu quả của Ngày thơ VN dĩ nhiên không thể đo đếm được đơn giản bằng số người tham dự hàng năm nhưng theo tôi, ít nhất nó cũng giúp thơ có được thêm một đời sống sinh động hơn thông qua kênh tương tác mới này và những mặt phẳng lạ ấy.
Thực tế thì qua các năm, anh có thấy càng ngày càng khó chọn thơ hay để cho lên poster không? Được biết, ngoài ra, với công việc hiện tại là BTV NXB Trẻ, anh còn tham gia vào công đoạn đọc sơ khảo bản thảo tham dự cuộc thi “Văn học tuổi 20” năm nay. Thơ trẻ và văn trẻ hiện nay, trong ấn tượng của anh?
-Về thơ trẻ cho Ngày thơ, tuy tôi không trực tiếp làm công việc chọn thơ nhưng qua những gì được đặt vào tay mình, tôi cảm thấy rõ mọi người vẻ như càng ngày càng vất vả hơn để “lọc chữ”.
Về văn trẻ, trong khuôn khổ cuộc thi “Văn học tuổi 20”, tôi chỉ là người đọc sơ khảo một phần trong số các tác phẩm gửi dự thi nên đánh giá do đó có thể không đầy đủ. Tuy nhiên, bằng vào những gì tôi đọc được, thì có thể nói, cảm giác lạc quan không nhiều. Và nói chung, thường thì tôi hay nghi ngờ khái niệm “vụ mùa bội thu” trong văn học vì với tôi, cái tốt cái hay trong lĩnh vực này bao giờ cũng thuộc về số ít và là của hiếm.
Không tin hãy thử rà lại các tác phẩm văn học được giải trong độ khoảng 10, 20 năm gần đây xem, thử hỏi có mấy cái đọc lại được? Nào có nhiều! Cảm giác mọi người vẫn viết hiền lành quá. Chưa cần nói đến sự mới mẻ về ngôn ngữ mà mới chỉ xét về nội dung không thôi, đã thấy văn trẻ hiện nay hầu như chưa mấy bén mảng được đến những vấn đề nóng bỏng của hiện thực đời sống.
Xét riêng cuộc thi “Văn học tuổi 20”, tôi cảm thấy có nhiều bạn viết còn gần như hiểu sai khái niệm “tuổi 20” và những gì mà tuổi 20 hôm nay cần quan tâm, do đó mà nhiều trang viết mới chỉ dừng ở mức “tâm tình tuổi mới lớn”, đọc nhiều khi đều đều phát chán hoặc còn tệ hơn, là sự “khủng bố” về tinh thần.
Tuy nhiên, đáng mừng là trong số đó, cũng đã có một truyện dài được viết rất sáng sủa và đọc rất cảm động. Người viết đã nhìn hiện thực bằng một cái nhìn trực diện, thẳng thắn, nhưng không cay độc mà tràn đầy thương cảm. Cuốn này theo tôi có lẽ còn hay hơn cuốn “Tiếng người” được giải lần trước của Phan Việt. Với văn học, theo tôi, đôi khi chỉ cần một đốm sáng nhỏ thế thôi cũng đã đủ làm ấm lòng!
Nhiều trăn trở với văn học như thế, lại gắn bó với công việc của Hội và còn là tác giả của khá nhiều đầu sách gây chú ý như: “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”…, vì sao anh vẫn chưa nộp đơn xin vào Hội?
- Có cần không, khi mà về mặt quyền lợi, tôi cũng chưa nhìn thấy cái gì thiết thực cho mình, trong khi nếu muốn đóng góp gì cho Hội, hay cho văn học nói chung, đâu nhất thiết phải cần vào Hội?
Tuy nhiên, không loại trừ, những người bạn văn thân thiết của anh trong nhiệm kỳ tới cũng sẽ không còn tham gia công tác Hội nữa, như vậy anh có vì thế mà cũng dần “nhạt lòng” với Ngày thơ?
- Quả tình là tôi cũng đang tính sang năm tới sẽ không tham gia Ngày thơ VN bằng phần việc vẫn làm nữa. Nhưng không hẳn vì “bỏ cuộc vui theo bạn” mà là vì thấy nhiêu đó (5 năm gắn bó với Ngày thơ) có lẽ đã đủ rồi! Từ việc lớn đến việc nhỏ, văn học luôn cần sự tiếp sức và vì vậy, nó cũng có sức gắn kết rất lớn nếu như già trẻ đồng lòng…
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: “Giải thưởng Hội cần tránh sự nhập nhằng!”
Dư luận gần đây cho rằng giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn VN có năm không thuyết phục bằng Hội Nhà văn Hà Nội, anh cho là vì sao?
-Có sự khác nhau trong điều lệ xét giải. Trước hết, trong khung thời gian quy định tác phẩm dự giải. Với Hội Nhà văn Việt Nam thì năm nay xét giải những tác phẩm xuất bản trong năm trước, còn Hội Nhà văn Hà Nội thì cố gắng cập nhật cả những tác phẩm xuất bản trong chính năm xét giải (1.7 năm trước đến 30.6 năm sau), do đó dễ tạo được sức nóng với dư luận hơn.
Về cơ chế xét giải cũng thoải mái và dân chủ hơn, khi ngay từ đầu, các thành viên BCH Hội cũng như Ban giám khảo đã thống nhất không gửi tác phẩm tham dự. Ngoài ra, với ý nghĩ Hà Nội tuy là địa phương nhưng lại là một địa phương đặc biệt, nên giải của Hội Hà Nội cũng sẵn lòng trao giải cho những tác giả không hoạt động trên địa bàn Hà Nội, cũng như không phải là hội viên của Hội, miễn là có tác phẩm thuyết phục.
Quy trình xét giải cũng bớt cồng kềnh hơn: Sau khi Ban chung khảo họp bỏ phiếu xong thì ngay lập tức, thông cáo báo chí được gửi ngay tới các cơ quan báo đài, trong khi đó, có cảm giác như việc xét giải ở Hội Nhà văn VN vẻ như thiếu sự mạnh dạn, tự tin và ít nhiều bị tác động bởi tâm lý thăm dò, nghe ngóng…
Một giải thưởng văn học để đủ sức thuyết phục, theo anh cần hội đủ những yếu tố gì?
- Ngoài “công thức vàng”: Thái độ công tâm + con mắt tinh đời + cơ chế xét giải khoa học thì một giải thưởng muốn thu phục được dư luận theo tôi cần phải đạt được một trong hai giá trị này: hoặc giúp phát hiện, khẳng định được một tài năng, hoặc giúp mở ra được một xu hướng mới. Thêm nữa, phải kiên trì được đến cùng định hướng, tiêu chí xét giải của mình để tránh sự nhập nhằng, gây cảm giác bất nhất. Chứ cứ như cách xét giải khi thế này khi thế khác của Hội Nhà văn VN, tôi thấy không ổn: năm thì phân loại ABC, năm thì giải thưởng và tặng thưởng… Sự nhập nhằng trong phân loại dẫn đến sự đổ đồng trong tên gọi đôi khi cũng có thể làm suy giảm phần nào uy tín của giải. Đã đành, chất lượng văn học có thể mỗi năm một khác, và có những tác phẩm gây bối rối rất nhiều cho những người “cầm cân nảy mực” khi cùng đặt lên một bàn cân, nhưng nói gì thì nói, đã là nhất thì chỉ có thể là một!
Công bằng mà nói, anh có thấy nhiệm kỳ vừa qua, BCH Hội nhà văn VN làm được khá nhiều việc lớn như: Tổ chức Ngày thơ VN ngày một chuyên nghiệp và thu hút đông hơn công chúng yêu thơ, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài thu hút được sự quan tâm của dư luận…?
- Đúng là về đầu việc thì có thể kể ra khá nhiều đầu việc lớn, nhưng có cảm giác vẫn chủ yếu thiên về “hội hè đình đám”. Còn nếu như để nghiêm khắc và dũng cảm với mình hơn, tôi nghĩ Hội cũng như bản thân mỗi nhà văn cần phải trả lời riết ráo hơn trước độc giả và nhân dân câu hỏi: Sau những ồn ào náo nhiệt đó, văn chương Việt đang đi về đâu?
Theo LĐO
|